LTS: Trong hơn 20 ngày kể từ cuối tháng Ba, ông Đỗ Hoàng Sơn - một thành viên của Liên Minh STEM - đã đi gần 2.000 cây số đến nhiều tỉnh dự các ngày hội STEM. Ông chia sẻ về trải nghiệm tham quan, đúc kết kinh nghiệm giảng dạy STEM của mỗi nơi trong bài viết dưới đây.

Vài tuần qua, nhiều địa phương đồng loạt tổ chức Ngày hội STEM và thi đấu robot. Cùng TS Nguyễn Chí Công, người sáng lập Bảo tàng Công nghệ Thông tin tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, tôi đã có 2 chuyến đi kéo dài tổng cộng gần 10 ngày đến Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An và Thái Bình. Ngoài ra, tôi còn có những chuyến đi riêng đến Cao Bằng, Quảng Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên và Lào Cai. Thời gian này, tôi không tham gia giảng dạy trong các hoạt động của Liên minh STEM như những năm trước nên mục đích các chuyến đi của tôi là đúc kết kinh nghiệm của mỗi nơi vì thầy cô ở các địa phương sáng tạo lắm, cần phải học hỏi những sáng kiến của nơi này để chia sẻ cho nơi khác. Còn bác Công hiện là tổng chủ biên sách giáo khoa Tin học trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục) - nói cách khác, chính là vai trò của chuyên gia giáo dục STEM ở tầm định hướng cho cả nước.

TS Nguyễn Chí Công thăm phòng học STEM của Trường tiểu học Nam Tiến ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, nơi có đầy đủ robot, máy in 3D và máy cắt laze từ năm 2017. Ảnh: ĐHS, 9/4/2021

Bác Công là nhân vật tầm cỡ quốc tế của Việt Nam, từng được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Kỹ thuật cho những cống hiến trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin. Có thể nói, việc 45 năm trước, vào năm 1976, bác Công và các kỹ sư Việt Nam lấy mạch điện trong xác máy bay Mỹ và lấy chiếc ti-vi đen trắng của Ba Lan để làm được chiếc máy tính cá nhân để bàn đầu tiên ở châu Á là một kỳ tích. Lãnh đạo ngành giáo dục, các thầy cô và học sinh cũng như người dân ở những nơi chúng tôi đi qua đều rất hào hứng với các bài giảng ngắn gọn nhưng dễ hiểu và có tính “tiếp lửa STEM” của bác Công. Các bài giảng cơ bản có ba nội dung chính:

1- Không được tự ti mà phải tự tin, chúng ta cố gắng sẽ chẳng kém gì tây.
2- Để tự tin được thì phải học thật làm thật, chăm chỉ và sáng tạo.
3- Phải yêu thương, đoàn kết để cùng nhau tiến xa.

Riêng trong chuyến đi Lạng Sơn, bác Công còn mang theo một số hiện vật của Bảo tàng Công nghệ Thông tin để trưng bày theo kiểu lưu động lần đầu tiên.

Ở những nơi chúng tôi đi qua, bác Công đã ngỏ ý xin những con robot mà các thầy cô vùng cao và nông thôn dùng để dạy lập trình và thi đấu robot, bổ sung cho Bảo tàng Công nghệ Thông tin những hiện vật đánh dấu một trang mới trong lịch sử giáo dục Việt Nam, khi hàng trăm trường làng “tự ý” lập câu lạc bộ STEM Robot, dạy học sinh lập trình ngay từ tuổi tiểu học. Các trường làng đã chủ động xoá mù lập trình robot để học sinh và giáo viên chẳng sợ gì chuyển đổi số - họ đã đi trước cả Chương trình Giáo dục phổ thông mới, theo đó đến lớp 10 mới được học lập trình robot như môn tự chọn.

Thi đấu lập trình robot, mô phỏng Chiến thắng đồn Phố Lu năm 1950 trong Ngày hội STEM SÁNG TẠO ROBOT VÀ MÁY THÔNG MINH 2021 của huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai ở Trường tiểu học số 2 (xã Gia Phú). Ảnh: ĐHS, ngày 2/4/2021

Cuộc thi lập trình robot xe tự lái trong Ngày hội STEM huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/4/2021 ở Trường THCS Bạch Liêu. Ảnh: ĐHS

Chuyến đi giúp tôi nhận ra những nét mới so với thời điểm trước khi có dịch Covid ở từng địa phương. Như hôm Chủ nhật ngày 25/4, Lạng Sơn vừa xác lập một thành tựu trong việc thúc đẩy giáo dục STEM và chuyển đổi số, khi lần đầu tiên tất cả 30 trường THPT của tỉnh có giáo viên và hiệu trưởng được tập huấn lập trình robot và được tặng robot để lập câu lạc bộ. Điều thú vị là Nhà nước không phải bỏ tiền cho việc này - tất cả robot và việc tập huấn đều do những người yêu mến Lạng Sơn góp tặng.

Để tiến được tới dấu mốc tạm thời cao hơn các nơi khác như vậy, tỉnh Lạng Sơn đã rất cố gắng ở tất cả các cấp trong việc thúc đẩy STEM. Tỉnh ủy và UBND có chỉ đạo rõ ràng thông qua đề án thí điểm triển khai giáo dục STEM ở cả ba cấp học phổ thông trong 15 trường từ cách đây 2 năm. Một điều ấn tượng nữa là tại hội thảo trong khuôn khổ Ngày hội STEM 2021 giữa các cụm trường của TP Lạng Sơn ngày 11/3, các vấn đề khó khăn về chuyên môn và cơ chế đều được nói ra rất thẳng thắn để tìm giải pháp tiến lên. Không ít trường và cụm trường trong tỉnh đã tổ chức tưng bừng Ngày hội STEM chào mừng ngày thành lập Đoàn 26/3, vừa để thúc đẩy giáo dục STEM, vừa để đổi mới công tác đoàn trong trường học. Tới đây, việc thay đổi cách thức tri ân của cựu học sinh và nhà hảo tâm với các trường cũng sẽ thay đổi theo hướng 4.0 hơn nữa, tức là các trường sẽ được tặng phòng học STEM hoặc robot, máy in 3D thay vì tặng ghế đá, tranh ảnh. Trước kia, có muốn tặng cũng chẳng ai cần và không ai biết dùng; nhưng nay đã khác, các trường THPT ở Lạng Sơn đều cần và đều biết dùng robot dạy học sinh. Có nơi như Trường THPT Bình Gia đã có 12 con robot do cựu học sinh tặng, bây giờ trường cần thêm máy in 3D và máy cắt laze, một nhu cầu rất tây. Một số trường hiện nay cần thêm robot vì mới được tặng 1-3 hộp. Mỗi hộp như vậy chỉ khoảng 1,6 triệu đồng, tương đương nửa bữa nhậu của nhóm 10 cựu học sinh hoặc một chai rượu không phải loại quá đắt - nếu các cựu học sinh nín nhịn cái sự nhậu một chút là có ngay robot cho các cháu học vì các thầy cô đã được học để sẵn sàng dạy các cháu lập trình.

Tôi không phải là dân công nghệ thông tin, cũng không có doanh nghiệp sản xuất robot hay các thiết bị phục vụ giáo dục STEM nhưng tôi sẵn sàng quảng bá cho các giải pháp thật sự thúc đẩy giáo dục STEM ở các trường nông thôn và vùng cao. Thẳng thắn mà nói, hiện nay các giải pháp tập huấn STEM cho giáo viên của hai thầy Đặng Văn Sơn (ĐH Quốc gia Hà Nội, sáng lập Học viện Sáng tạo S3) và Hoàng Vân Đông (ĐH Điện lực, sáng lập Học viện Kidscode) đã tỏ ra hiệu quả khi đến được hàng trăm trường làng với chi phí thấp và vì thế gần như không phải dùng ngân sách. Tôi và những người tham gia khuyến giáo dục STEM hiểu rất rõ những rào cản trong việc thúc đẩy STEM, nếu như do dự, không ủng hộ tích cực những giải pháp giỏi hơn cả tây như thế này thì trường nông thôn và vùng cao sẽ khó tiếp cận với giáo dục STEM và lập trình robot.

Nói giỏi hơn tây là vì tây làm với chi phí rất cao mới tới được trường làng, còn ta chỉ đầu tư khoảng 1 USD/học sinh là đã có thể có robot cho các cháu học rồi. Thường thì mỗi trường ở nông thôn và vùng cao có từ 200-400 học sinh. Nếu như đầu tư mỗi học sinh 1 USD thì sẽ có ít nhất 5 triệu đồng để mua 3 hộp robot và máy thông minh, đủ làm một phòng học STEM. Gọi là giải pháp 1 USD để cho dễ nói bằng tiếng Anh khi các bạn nước ngoài sang học hỏi, chứ thực ra sẽ không cần tới 1 USD để xoá mù lập trình robot. Trên thực tế, huyện Yên Thành (Nghệ An) vừa thử nghiệm tập huấn cho giáo viên về lập trình robot ở quy mô lớn, cho tất cả hơn 70 trường tiểu học và THCS của huyện, còn chẳng tốn đồng nào. Chương trình Hỗ trợ STEM Robot và Máy thông minh cho mỗi trường ở Yên Thành mượn một robot để tập huấn giáo viên, sau đó tổ chức thi đấu lập trình robot ở hai cấp tiểu học và THCS theo hai vòng trong gần 4 tháng, với vòng đầu thi và chấm điểm online. Như vậy chi phí không tốn kém mà hiệu quả rất cao, trong đó chi phí tập huấn giáo viên tốn chưa tới nửa triệu đồng mỗi trường do các cựu học sinh Yên Thành tài trợ. Chi phí thấp như vậy là vì đã có cách đào tạo giáo viên online.

Ngày 25/4/2021, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn tổ chức tập huấn STEM robot và máy thông minh cho giáo viên chuyên trách và hiệu trưởng của tất cả 30 trường THPT trong tỉnh. Robot và kinh phí tập huấn đều do các cựu học sinh và nhà hảo tâm tài trợ. Ảnh: ĐHS

TS Nguyễn Chí Công (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm với các thầy cô giáo và khách mời tại khu Bảo tàng Công nghệ Thông tin di động trong Ngày hội STEM ở Trường THPT Việt Bắc, TP Lạng Sơn. TS Nguyễn Chí Công là con trai của nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo, hiệu trưởng đầu tiên của Trường THPT Việt Bắc. Ảnh: TG, ngày 26/3/2021

Nói về STEM ở tỉnh Nghệ An thì chắc phải cần một bài báo riêng, nên tôi chỉ tạm nói vắn tắt: Ngoài Yên Thành có thành tựu mới như nêu ở trên, ở Thanh Chương, nơi có hàng trăm robot và máy in 3D cùng với đội ngũ giáo viên nhiệt tình dạy STEM trong các câu lạc bộ từ năm 2017 tới nay, Covid và lũ lụt không hề hấn gì đến các hoạt động giáo dục STEM của khoảng 80 trường tiểu và THCS. Nhiều trường vẫn tổ chức được Ngày hội STEM sau trận lũ lịch sử trong năm 2020 vừa qua.

Còn nhớ, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học tổng kết 5 năm thực hiện nghị quyết 29 do Hội đồng Lý luận Trung ương và ĐH Quốc gia tổ chức cách đây 2 năm, có một bài viết về giáo dục STEM của PGS.TS Nguyễn Chí Thành và TS Đặng Văn Sơn, ở phần cuối nêu khái niệm hệ sinh thái giáo dục STEM. Lúc đó, khái niệm giáo dục STEM vẫn còn mới mẻ và chỉ chính thức được công bố vài tháng trước trong nội dung của Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Bài viết đã kịp ghi nhận những ví dụ về việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục STEM ở cấp cơ sở, tuy nhiên chưa đề cập nhiều đến vai trò vai trò của lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền. Trên thực tế, thời gian qua, chính quyền địa phương một số tỉnh, thành phố đã có những chỉ đạo và hành động quyết liệt nhằm thúc đẩy giáo dục STEM để thực hiện việc chuẩn bị cho ngành giáo dục dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới và để phục vụ các mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục. Và những nơi nào Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao nhiệm vụ rõ ràng cho ngành giáo dục thì việc thúc đẩy STEM được thực hiện nhanh hơn. Lào Cai, Lạng Sơn, Nam Định chính là những thí dụ điển hình. Nói ngắn gọn, để thúc đẩy mạnh hơn giáo dục STEM trên cả nước, trước hết, Chính phủ cần cho đúc kết mô hình giáo dục STEM ở các huyện, tỉnh thuộc khu vực nông thôn và vùng cao như đã nêu trong bài - đặc biệt là những địa phương đã làm tốt từ mấy năm nay như huyện Thái Thụy (Thái Bình), Bảo Thắng (Lào Cai), Nam Trực (Nam Định), Thanh Chương (Nghệ An).