Tại hội nghị mới đây về khí hậu diễn ra tại Nhà Trắng, lãnh đạo các nước phát triển đã đưa ra mục tiêu giảm phát thải của họ, trong khi nhiều nước chỉ lặp lại một số cam kết chung chung và mơ hồ.

Ngày 22/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Nhà Trắng bằng cách công bố một cam kết mới đầy tham vọng: vào năm 2030, Mỹ sẽ cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 2005. Đây là cam kết tích cực nhất mà nước này từng đưa ra.

Đặc phái viên của Mỹ về khí hậu John Kerry, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Mỹ Joe Biden lắng nghe Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu trên màn hình tại Nhà Trắng. Ảnh: Brendan Smialowsk

David Waskow, giám đốc Sáng kiến Khí hậu Quốc tế của Viện Tài nguyên Thế giới cho biết ông xem hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Nhà Trắng là sự trở lại của Mỹ sau bốn năm công khai phủ nhận biến đổi khí hậu dưới thời cựu Tổng thống Trump. Sự kiện này cũng đặt nền tảng để các quốc gia khác đưa ra những hành động mạnh mẽ và thiết thực hơn trước thềm hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn a tại Scotland vào cuối năm nay.

Mục tiêu cắt giảm một nửa lượng phát thải carbon gây hiệu ứng nhà kính cho thấy nước Mỹ đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, Mỹ sẽ phải đối diện với những thách thức lớn, đòi hỏi những thay đổi toàn diện trong nền kinh tế nhằm định hình lại hệ thống giao thông và hệ thống điện của Mỹ.

Theo Climate Action Tracker, tổ chức chuyên theo dõi mục tiêu giảm phát thải của các quốc gia, mặc dù mục tiêu carbon của Mỹ thể hiện “tiến bộ lớn”, nhưng nước này vẫn cần đưa ra thêm giải pháp để loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

“Chúng tôi mong đợi nhiều hơn từ một tổng thống đã nhiều lần khẳng định biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên hàng đầu của mình”, Giám đốc Chiến dịch Khí hậu của Greenpeace, Janet Redman, cho biết. “Những nỗ lực nhằm giảm thiểu lượng khí thải mà không tính đến việc loại bỏ dần hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch, thì chỉ kéo dài các ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch đến sức khỏe của người dân”.

Đánh giá hành động toàn cầu

Tại hội nghị, các quan chức Mỹ cho biết cần phải đảm bảo rằng các nước trên thế giới sẽ liên kết với nhau để cùng hành động vì biến đổi khí hậu, đây là điều cần thiết nếu muốn tránh những tác động xấu nhất đến hệ sinh thái và nền kinh tế.

Vậy thực sự mối liên kết đã diễn ra như thế nào?

Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, cho biết quốc gia của ông, quốc gia đi đầu trong cả năng lượng sạch và sản xuất than, sẽ giảm dần lượng tiêu thụ than kể từ sau năm 2025, theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 15. Nhưng ông không đưa ra thêm mục tiêu gì mới so với kế hoạch đã công bố vào năm ngoái – đặt mục tiêu lượng khí thải carbon sẽ đạt mức cao nhất trước năm 2030 và đưa lượng khí thải về 0 vào năm 2060.

Ấn Độ cũng không đưa ra bất kỳ cam kết mới nào, thay vào đó nước này cho biết họ đang thực hiện phần việc của mình thông qua một kế hoạch đầy tham vọng nhằm sản xuất 450 gigawwatt năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Mặc dù Hàn Quốc không đặt ra mục tiêu giảm phát thải carbon mới, nhưng nước này đã cam kết chấm dứt cung cấp tài chính công cho các dự án nhà máy nhiệt điện than mới ở nước ngoài.

Nhật Bản đã đặt mục tiêu, vào năm 2030, cắt giảm 46% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2013, tăng đáng kể so với mục tiêu 26% trước đó. Tuy nhiên, nước này không công bố các cam kết tài trợ chống biến đổi khí hậu mới, hay nhắc đến việc giảm tài trợ cho sản xuất nhiệt điện than hay không. Điều này khiến các nhà quan sát thất vọng.

Canada, một quốc gia khác mà các nhà môi trường mong đợi có những động thái mới, đặt mục tiêu cắt giảm lượng phát thải carbon khoảng 40% - 45% so với mức năm 2005.

Trong khi đó, EU và Anh lại đưa ra những cam kết mạnh mẽ. Cụ thể, EU đặt mục tiêu cắt giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính. Nước Anh tăng mục tiêu, vào năm 2035, cắt giảm 78% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 1990; và Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết “các quốc gia phát triển nên đầu tư vượt mức 100 tỷ USD cam kết ban đầu cho Quỹ Khí hậu Xanh”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra một lời hứa khá chung chung, đó là “giảm đáng kể tổng lượng phát thải ròng khí nhà kính ở nước tôi vào năm 2050.” Nga là nước phát thải lớn thứ tư thế giới và có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Úc đưa ra mục tiêu vào năm 2030 nước này sẽ giảm chỉ khoảng 26 – 28% lượng phát thải so với mức năm 2005. Thủ tướng Scott Morrison, người từ lâu đã là ‘đồng minh’ của ngành sản xuất than, đã không đưa ra bất cứ cam kết cắt giảm phát thải mới nào, ngoài việc ‘cập nhật’ các mục tiêu phát thải dài hạn của nước này vào cuối năm nay. Waskow thuộc Viện Tài nguyên Thế giới cho biết Úc là một trong những nước gây thất vọng lớn nhất tại Hội nghị. Theo ông, Úc đã nói về việc giảm phát thải một cách qua loa, và điều này khiến mọi người không thể yên tâm chút nào về cam kết của chính phủ nước này.

Ở một diễn biến khác, Brazil đặt mục tiêu sẽ chấm dứt nạn phá rừng ở nước này vào năm 2030 và đạt mục tiêu carbon trung tính vào năm 2050. Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra ngờ vực tuyên bố này, bởi trước đây Tổng thống Jair Bolsonaro từng chỉ trích các nỗ lực bảo tồn rừng, chế nhạo khoa học khí hậu.
“Chính phủ Brazil toàn đưa ra những lời hứa vô nghĩa”, Marcio Astrini, người đứng đầu tổ chức Climate Observatory Brazil cho biết. Tình trạng phá rừng ở khu vực Amazon thuộc Brazil đã tăng vọt dưới thời Bolsonaro, đạt mức cao nhất trong 12 năm vào năm 2020, với diện tích rừng bị phá hủy lớn gấp 14 lần diện tích thành phố New York.
Tài chính là vấn đề được thảo luận rất nhiều tại hội nghị. Một số nhà lãnh đạo chỉ ra vai trò quan trọng của các nước phát triển trong cuộc chiến biến đổi khí hậu, những nước này cần đưa ra giải pháp hỗ trợ các nước đang phát triển đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ‘xanh’ hơn.

Nam Phi và Indonesia, hai nguồn phát thải lớn, cam kết sẽ hành động nhiều hơn nữa nếu nhận được thêm nhiều nguồn hỗ trợ.

Nước Mỹ thông báo rằng họ sẽ tăng gấp đôi khoản tiền tài trợ chống biến đổi khí hậu hằng năm cho các nước đang phát triển – so với mức trung bình trong nửa sau thời kỳ chính quyền Obama – và tăng gấp ba số tiền tài trợ cho thích ứng với biến đổi khí hậu vào năm 2024.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia kêu gọi cần sớm định giá carbon, xóa nợ và chia sẻ tài chính chống biến đổi khí hậu nhiều hơn để hướng tới việc thích ứng, điều mà các quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu cho là cần thiết để họ đối phó với những thách thức đang hiện hữu.

Theo Scientific American, Reuters, Nature