Cuốn sách "Triết lý và Chính sách giáo dục: Một dẫn luận phê phán" của Chiristopher Winch và John Gigell cho thấy triết lý giáo dục đã đóng góp lớn đến đâu vào hiểu biết của chúng ta về sự hình thành chính sách giáo dục.

Cách đây chừng một tháng, tác giả bài viết này đã chủ động làm một khảo sát nhỏ về số ấn phẩm có chủ đề triết lý giáo dục. Kết quả thật đáng suy ngẫm. Không quá 10 ấn phẩm khác nhau, kể cả tác phẩm dịch từng được xuất bản tại Việt Nam trong khoảng 50 năm gần đây.

Cuốn sách vừa được xuất bản ở Việt Nam vào tháng 9/2022. Nguồn: TAĐ

Triết lý giáo dục liệu có quan trọng? Năm 2004, dư luận Anh Quốc thảo luận sôi nổi xung quanh chủ đề: Làm thế nào để vừa đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận cơ hội giáo dục lại vừa đảm bảo chất lượng giáo dục chung. Cuộc thảo luận thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều nhóm xã hội tại Anh - từ các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các đảng phái tới giới nghiên cứu giáo dục, đặc biệt là cả các nhà triết học giáo dục. Trong số những nhân vật thể hiện tiếng nói tranh biện lúc bấy giờ có Christopher Winch, Trưởng khoa Giáo dục và Nghiên cứu nghề nghiệp tại King’s College London; và John Gingell, Trưởng khoa Triết học tại Đại học Northampton.

Kết quả, hai ông đã cho ra đời cuốn sách Philosophy and Educational Policy: A Critical Introduction [Triết lý và Chính sách giáo dục: Một dẫn luận phê phán]. Tại sao lại là một dẫn luận phê phán? Trong trường hợp này, Winch và Gingell kỳ vọng khởi tạo một tài liệu có tính chất nhập môn đối với những người sơ tâm về triết học giáo dục nói chung, song đó nhất thiết không thể là dạng nhập môn trình bày la liệt quan điểm, phát biểu từ giới học giả. Nó cần chứa đựng hàm ý phản biện, đồng thời kích thích tư duy phê phán của người đọc đối với những diễn ngôn quen thuộc về triết lý giáo dục.

Kế tiếp cuốn sách được xem là “kinh điển” trước đó - Philosophy of Education: The Key Concepts [Triết lý Giáo dục: Những Khái niệm cốt lõi] ra mắt lần đầu năm 1999 - cuốn sách sau lựa chọn cách tiếp cận truyền thống của triết học đối với câu chuyện chính sách giáo dục quốc gia: chất vấn tất cả những vấn đề tưởng như hiển nhiên tồn tại trong nền giáo dục quốc dân rồi đặt chúng dưới lăng kính phân tích và phê phán. Chính sự chú trọng đặc biệt vào chính sách giáo dục trên cấp độ toàn cầu đã tạo thành cơ sở cần thiết cho công trình của Winch và Gingell. Bởi lẽ, bối cảnh văn hóa, chính trị, xã hội khác nhau sẽ dẫn đến cách hiểu, cách tạo lập và thực thi chính sách không giống nhau ở mỗi quốc gia, cộng đồng, khu vực. Vậy nên, khái quát những mô hình, tư duy phổ biến trong quá trình hoạch định chính sách giáo dục đặc thù cho từng kiểu xã hội trong thế giới hiện đại sẽ giúp cho công trình của các tác có những tham chiếu phong phú, chân xác và giàu sức thuyết phục hơn.

Cuốn sách cung cấp cho độc giả bức tranh đa diện và có chiều sâu về một trong những chủ đề “khó nhằn” nhưng lại cốt tủy nhất của khoa học giáo dục: Bản chất của giáo dục cũng như mối quan hệ giữa những ý niệm thuộc về bản chất đó với sự hình thành chính sách giáo dục của một quốc gia. Nó cho thấy triết lý giáo dục đã đóng góp lớn đến đâu vào hiểu biết của chúng ta về sự hình thành chính sách giáo dục. Đồng thời, nó cũng cố gắng chỉ ra, triết lý giáo dục nếu thiếu vắng sự có mặt của khía cạnh chính sách và chính trị thì sẽ tự khuôn định mình trong địa hạt chuyên môn hạn chế tới mức nào.

Giáo dục thường được coi là chìa khóa cho quá trình hiện đại hóa các xã hội truyền thống, chuẩn bị cho các quốc gia tham gia cạnh tranh trong một thế giới toàn cầu hóa. Bởi vậy, khi xem xét kỹ lưỡng bất cứ vấn đề nào về chính sách giáo dục thì hàng loạt câu hỏi đủ loại liên quan tới bản dạng xã hội, khát vọng, niềm tin của cộng đồng, các lý tưởng về công lý, và cách con người thích ứng với sự đa dạng sẽ nảy sinh. Ý tưởng đó đã đưa dẫn các tác giả đi sâu khám phá “những vấn đề cốt lõi của triết lý giáo dục cũng như hệ quả của chúng đối với những quyết định về mặt chính sách”.

Mười chương của cuốn sách lần lượt khám phá những chiều cạnh tạo nên hoặc gây ảnh hưởng tới thứ chúng ta định danh là “triết lý giáo dục”. Độc giả rất khó tìm thấy phát biểu duy nhất về triết lý giáo dục trong cuốn sách này bởi chính các tác giả cũng khẳng định, không tồn tại một kiểu triết lý giáo dục chung duy nhất áp dụng cho mọi nền giáo dục ở nhiều xã hội khác nhau, và trong nhiều giai đoạn khác nhau.

Hai tác giả Winch và Gingell bắt đầu với việc tiếp cận từ mục tiêu của giáo dục, chương trình giáo dục, thực tiễn dạy và học cho tới hàng loạt vấn đề thu hút sự quan tâm của công chúng như kiểm tra đánh giá, thành tích, giáo dục công dân, hướng nghiệp, yếu tố chính trị và kinh tế thị trường trong giáo dục. Những khía cạnh này cung cấp cho chúng ta nền tảng để hiểu thế nào là triết lý giáo dục, nó được cấu thành từ những bộ phận nào và vận hành ra sao, và nó đã tác động như thế nào tới việc hoạch định chính sách giáo dục của một quốc gia hay một cộng đồng xã hội. Mỗi thành tố ngoài được phân tích, mổ xẻ, so sánh, liên hệ giữa các hệ thống xã hội khác nhau, còn được đặt trong tương quan với các quan niệm đã có từ quá khứ, từ đó giúp độc giả hình thành dòng mạch xuyên suốt về mặt nhận thức luận. Ngoài ra, mỗi chương sách còn có một phần Câu hỏi thảo luận mang tính chất gợi mở những suy tưởng sâu hơn cùng với Danh mục tài liệu đọc thêm bổ trợ cho công tác nghiên cứu khoa học giáo dục.

Từ khóa “triết lý giáo dục”, “giáo dục khai phóng”, “hướng nghiệp”, “giáo dục đạo đức” trong cuốn sách đều rất đắt giá, được người Việt Nam tìm kiếm nhiều trên internet cũng như quan tâm tiếp cận, áp dụng, triển khai thực tế. Và mặc dù các tác giả biên soạn cuốn sách nhằm giúp những người không có nền tảng triết học hiểu được cái gì đang thực sự ẩn dưới lớp vỏ thực tiễn chính sách giáo dục, song nó vẫn hữu dụng với tất cả những ai quan tâm tới giáo dục nói chung. Các giảng viên, sinh viên ngành sư phạm tại Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác các thảo luận từ cuốn sách để tự xây dựng ý tưởng của riêng mình về một triết lý giáo dục nên được theo đuổi. Rõ ràng, triết lý giáo dục quan trọng tới mức nó tồn tại ẩn khuất bên trong mỗi thực tiễn giáo dục mà ta chứng kiến hằng ngày.