Cách đây ít lâu, cộng đồng mạng lan truyền bức thư răn dạy con của cố Thủ tướng Đài Loan Tôn Vận Tuyền (1913 – 2006). Đó là những lời bộc bạch đầy xúc động từ tâm can của một người cha, và một bài học quý giá về cuộc sống dành cho tất cả mọi người.
Nhưng không chỉ thế, ông còn là người đóng góp rất lớn vào việc thiết lập nền móng cho sự phát triển thần kỳ của Đài Loan trong lĩnh vực công nghiệp và khoa học công nghệ.
Lúc sinh thời, Tôn Vận Tuyền từng nói ông có tất cả 6 đứa con: 4 do vợ sinh ra, 5 là Công ty Điện lực Đài Loan (Taipower) và 6 là Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (Industrial Technology Research Institute hay ITRI). Trong số đó, ITRI chắc hẳn là “đứa con tinh thần” mà Tôn tự hào nhất.
Năm 1964, khi Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China) còn giữ ghế Ủy viên tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC), Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã tiến cử Tôn – lúc đó là Chủ tịch của Taipower – vận hành một nhà máy sản xuất điện ở Nigeria, bởi vì hệ thống của Đài Loan được đánh giá là tốt nhất trong số các nước tiếp nhận viện trợ Mỹ để xây dựng những cơ sở tương tự. Gánh vác sứ mệnh rà soát lại hệ thống cung cấp điện và thiết lập mối quan hệ hữu nghị giữa Đài Loan với Nigeria, Tôn đã làm việc tại đây ba năm. Trong thời gian đó, ông đã đưa sản lượng điện tăng lên 87%. Vì thế trong ngành điện lực Nigeria đã từng lan truyền một câu nói: “Khi Tôn rời đi, mặt trời cũng biến mất” (When Sun is gone, the sun will be gone; đây là cách chơi chữ, vì Sun: bính âm Latin của Tôn, trong tiếng Anh có nghĩa là mặt trời), như là sự tri ân đối với công lao của vị chuyên gia tài giỏi này.
Kết thúc nhiệm kỳ ba năm, Nigeria sẵn lòng trả Tôn mức lương gấp đôi để tiếp tục giúp họ phát triển ngành điện; World Bank cũng tiến cử ông cho nhiều vị trí với đãi ngộ rất tốt ở các quốc gia đang có nhu cầu lớn về năng lượng. Tuy nhiên, Tôn đã quyết định trở lại Đài Loan khi lãnh đạo Tưởng Kinh Quốc (lúc đó còn chưa làm Thủ tướng, nhưng thực chất là người thay cha nắm quyền lực tối cao của Quốc Dân Đảng) gọi về. Ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải (MOTC), một nhiệm vụ mà không phải thành viên nào trong gia đình cũng ủng hộ, bởi ông vốn chỉ là một kỹ sư và không có nhiều kinh nghiệm trong chính quyền. Tuy nhiên, Tưởng Kinh Quốc (1910 – 1988) tin rằng, chính quyền đang rất cần những gương mặt mới để tạo ra cải cách.
Chính sách đầu tiên mà Tôn thực hiện ở MOTC là xây đường nhựa tới từng ngôi làng, ở cả những nơi hẻo lánh nhất. Tiếp đó, ông phác thảo kế hoạch xây dựng 6 công trình giao thông trọng điểm trong 10 dự án Cơ sở hạ tầng quốc gia lớn trong thập niên 1970. Từ năm 1969, ông trở thành Bộ trưởng Kinh tế và đã làm việc không ngừng nghỉ để đưa nền công nghiệp Đài Loan từ chỗ thâm dụng nhiều lao động sang định hướng công nghệ cao chiếm ưu thế. Tư tưởng này đã được cụ thể hóa bằng những quyết định quan trọng như thành lập ITRI và xây dựng nền móng cho ngành công nghiệp vi mạch – bán dẫn.
Trong hai năm 1969 và 1970, Tôn đến thăm Viện Khoa học Công nghệ Hàn Quốc (Korea Institute of Science and Technology), chứng kiến một nhóm kỹ sư Hàn được đào tạo ở Mỹ đang mang về nước nhiều công nghệ điện tử, hóa chất và dệt may tiên tiến. Nhân thấy viện này đặc biệt thành công khi nó hoạt động độc lập với nhà nước, sẵn sàng trả mức lương cao (gấp đôi, ba hoặc nhiều hơn) để tuyển dụng những tài năng sáng giá nhất ở hải ngoại, Tôn bắt đầu chuẩn bị kế hoạch cho việc xây dựng một mô hình tương tự ở Đài Loan.
Đầu năm 1972, đề xuất thành lập ITRI do Tôn chỉ đạo đã được trình lên Lập pháp Viện (Legislative Yuan tức Quốc hội) để xem xét. Nó đã gây ra không ít tranh cãi khi cần nhà nước cấp vốn để xây dựng nhưng lại hoạt động độc lập, tức chính quyền không được can thiệp. Tôn đã phải kiên nhẫn thuyết phục từng vị dân biểu và phải mất hơn một năm để đề xuất được thông qua ở phiên họp ngoài lề. Theo thời gian, ITRI dần trở thành cái nôi của ngành công nghiệp công nghệ cao Đài Loan và là nơi đào tạo các kỹ sư xuất sắc, đưa Đài Loan vượt lên dẫn đầu nhóm Tứ Hổ châu Á (Đài Loan, Hàn Quốc, Hongkong, Singapore); còn Tôn thì được xưng tụng là “cha đẻ của ITRI”.
Năm 1974, Tôn đề xuất đầu tư 10 triệu USD cho chương trình sản xuất vi mạch tích hợp của Đài Loan. Một nhóm chuyên gia kỹ thuật giàu kinh nghiệm được đào tạo bài bản ở Mỹ đã thành lập nên Hội đồng tư vấn Kỹ thuật (Technical Advisor Committee) để bàn về chiến lược tiếp nhận công nghệ. Năm 1976, 19 kỹ sư trẻ tài năng đầu tiên được cử đến Mỹ để học về các bí quyết (know-how) trong lĩnh vực vi mạch tại tập đoàn RCA Corporation; và và một nhà máy của tập đoàn UMC đã được dựng sẵn ở quê nhà để đón họ về thi thố.
Stan Shih (Thi Chấn Vinh) – nhà sáng lập, cựu Chủ tịch và CEO của Công ty máy tính Acer – nhận định, nhờ tầm nhìn đó mà mặc dù nguồn lực đầu tư ban đầu chỉ rất hạn chế, song kết quả thu được về sau lại hết sức to lớn. “Thành tựu của nền công nghệ cao Đài Loan hôm nay, bao gồm cả lĩnh vực bán dẫn vi mạch, là kết quả của những quyết định táo bạo từ 30 – 40 năm trước”, Thi nói trong niềm tri ân tới Tôn.
Trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Kinh tế của Tôn, Trung Hoa Dân Quốc bị gạt ra khỏi Liên Hiệp Quốc (1971), chấm dứt quan hệ ngoại giao chính thức với Nhật Bản (1972), trải qua cú sốc dầu mỏ thế giới (1973), và Thống chế Tưởng Giới Thạch qua đời (1975) … Nhưng bất chấp các xáo trộn, ông vẫn kiên trì và cố gắng xúc tiến 10 dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, thành lập ITRI, và với sự trợ giúp của Lý Quốc Đỉnh (1910 – 2001, Bộ trưởng Tài chính và sau đó là Bộ trưởng không bộ, người có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp nhận và hoạch định sử dụng viện trợ Mỹ một cách hiệu quả), chuẩn bị thành lập khu Công nghệ cao Tân Trúc (Hsinchu Science and Technology Park).
Năm 1978, Tôn đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị của mình – Chủ tịch Hành chính Viện (Executive Yuan), tức Thủ tướng (mô hình Ngũ Viện của Trung Hoa Dân Quốc có năm thiết chế: Lập pháp Viện, Hành chính Viện, Tư pháp Viện, Kiểm sát viện và Khảo thí Viện; người đứng đầu các viện tương đương với thủ tướng). Cùng năm đó, Mỹ đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Trong hoàn cảnh ấy, Tôn vẫn điềm tĩnh và trí tuệ để lèo lái con tàu đất nước đi đúng lộ trình.
Mặc dù là Bộ trưởng Giao thông trong 2 năm, Bộ trưởng Kinh tế suốt 9 năm và Thủ tướng trong 6 năm, nhưng sau ngần ấy thời gian ở đỉnh cao quyền lực, ông đã sống hết sức giản dị, không hề sở hữu nhà cửa, đất đai, xe cộ hay trang sức … Báo cáo kiểm kê tài sản cá nhân của ông gửi tới Kiểm sát Viện (Control Yuan) hằng năm đã được lập thật dễ dàng. Bởi đơn giản, “ông ấy chẳng có gì cả” – Kitty Deng, người từng làm thư ký của ông Tôn, cho biết. Vì thế không quá khi nói rằng, trong số các thành tựu mà Tôn đã đạt được cùng Taipower, ITRI, khu vực khoa học công nghệ và sự tiến bộ của nền kinh tế Đài Loan, sự “liêm chính” xem ra mới là di sản lớn nhất của ông.
Năm sau (1979), Nội các của Tôn phác thảo chi tiết Kế hoạch Phát triển Khoa học Công nghệ, nhấn mạnh 8 lĩnh vực cần ưu tiên, trong đó có công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học, … cùng việc đưa vào vận hành Khu Công nghệ cao Tân Trúc. Năm 1980, 10 công trình hạ tầng lớn được hoàn thành, tạo nền móng vững chắc cho kỳ tích kinh tế Đài Loan (Taiwan’s economic miracle) sau đó.
Một đêm tháng 2/1984, khi đang thức khuya để chuẩn bị báo cáo trước Lập pháp Viện, Tôn bị đột quỵ. Không thể phục vụ chính quyền được nữa, ông liền từ chức Thủ tướng. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục sống lạc quan và tạo ra đóng góp nhất định ngay cả trong nhà dưỡng lão. Trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, ông dành nhiều thời gian hơn cho gia đình đến khi mất (ngày 15/2/2006) tại Đài Bắc.
Thư răn dạy con của cố Thủ tướng Đài Loan Tôn Vận Tuyền Con yêu dấu!
Đời người phúc họa vô thường! Không một ai biết trước mình sẽ sống được bao lâu. Có một số việc tưởng nên sớm nói ra thì hay hơn. Cha là cha của con, nếu cha không nói với con, có lẽ không ai nói rõ với con những điều này!
Những lời khuyên để con ghi nhớ này, là kết quả bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời, mà bản thân cha đã trải nghiệm. Nó sẽ giúp con tiết kiệm nhiều những nhầm lẫn hoang phí trên bước đường trưởng thành của con sau này.
Dưới đây là những điều con nên ghi nhớ trong cuộc đời:
– Nếu có người đối xử không tốt với con, đừng bận tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời này, không ai có nghĩa vụ phải đối xử tốt với con, ngoại trừ cha và mẹ của con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc con phải biết ơn và trân quý, con cũng nên thận trọng suy xét, vì người đời làm việc gì thường có mục đích và nguyên nhân. Con chớ vội vàng xem đối phương là chân bằng hữu.
– Con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ “Tín”, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ tín với mình. Con có thể yêu cầu mình phải đối xử tốt với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử tốt với con. Con đối xử người ta thế nào, không có nghĩa là người ta sẽ đối xử lại mình như thế ấy, nếu con không hiểu rõ được điểm này, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình mai sau.
– Trên đời không phải không có người nào mà không thể thay thế được, không có vật gì mà nhất định mình phải sở hữu được. Con nên hiểu rõ ở điểm này. Nếu mai sau rủi người bạn đời không còn muốn cùng con chung sống, hoặc giả con vừa mất đi những gì trân quý nhất trong đời, thì con nên hiểu rằng: Đây cũng không phải là chuyện lớn lao gì cho lắm!
– Trên đời này chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chỉ qua là một cảm xúc nhất thời. Cảm giác này tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà thay đổi. Nếu người yêu rời xa con, hãy nhẫn nại chờ đợi, để thời gian từ từ gột rửa, để tâm tư mình dần dần lắng đọng thì nỗi đau thương cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm ấp hoài niệm mãi cái ảo ảnh yêu thương, cũng không nên quá bi lụy vì tình.
– Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay con đã lãng phí thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi. Cho nên càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thì con sẽ được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng con cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.
– Cha không yêu cầu con phải phụng dưỡng cha trong nửa quãng đời còn lại. Ngược lại, cha cũng không thể bao bọc nửa quãng đời sau này của con, khi mà con đã trưởng thành và tự lập. Đây là lúc cha đã làm tròn trách nhiệm của mình. Sau này con có đi xe buýt hay đi xe hơi riêng; ăn súp vi cá hay ăn mì gói, tự con lo liệu lấy.
– Gia đình thân nhân chỉ là duyên phận một đời. Bất luận trong kiếp này chúng ta sống chung với nhau được bao lâu và như thế nào, nên trân quý khoảng thời gian sum họp, gia đình đoàn tụ. Kiếp sau, dù ta có thương hay không, cũng không chắc sẽ còn gặp lại nhau.
– Tuy có nhiều người thành công trên đường đời mà học hành chẳng đến đâu. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành mà vẫn thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, là vũ khí trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng không thể thiếu sự hiểu biết. Nên nhớ kỹ điều này!
– Hơn mười mấy, hai mươi mấy năm nay, cha tuần nào cũng mua vé số, nhưng đến nay, ngay đến giải 3 vẫn chưa từng trúng. Điều này chứng tỏ rằng: muốn phát đạt phải siêng năng làm ăn, nỗ lực phấn đấu chứ không phải chờ đợi điều may mắn đến với con. Trên thế gian này không có buổi ăn trưa nào miễn phí cả. Nếu may mắn có đến với con, đấy là điều tốt, còn nếu không thì cũng chẳng có vấn đề gì, bởi tất cả phải dựa vào chính bản thân con.
– Con hãy biết ước mơ, nhưng để trở thành hiện thực thì ước mơ đừng xa rời thực tế, đừng hão huyền và ảo tưởng. Con phải luôn có niềm tin. Không chỉ là niềm tin vào chính bản thân mình mà con cũng cần có niềm tin vào mọi người, niềm tin vào cuộc sống. Nếu không có niềm tin, con sẽ chẳng thể làm được việc gì.
Công việc, cuộc sống đôi lúc sẽ có những khó khăn, trở ngại đòi hỏi con phải luôn nỗ lực. Để có được những thành công thì không thể thiếu sự cố gắng và say mê, con ạ. Hãy nhớ rằng thành công không phải là một đích đến, đó là một quá trình. Vì thế, con hãy tiếp tục ước mơ, tiếp tục tin tưởng và không ngừng nỗ lực, con nhé!. |