Một khuynh hướng phổ biến trên thế giới là các trường đại học chú trọng đặt chiến lược chuyển giao kết quả nghiên cứu, mở thêm các trung tâm chuyển giao công nghệ (TTO) và đưa nó thành mắt xích thiết yếu trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Các trường đại học ở Việt Nam không thể đi chệch khỏi xu thế này.
Bắt tay với khối công nghiệp
Vài chục năm trước đây, 80% giá trị tài sản của doanh nghiệp là các tài sản hữu hình như cơ sở vật chất, trang thiết bị, bất động sản... còn tài sản vô hình gồm bằng sáng chế, giá trị thương hiệu, thiết kế kiểu dáng…chỉ chiếm 20%. Nhưng tình thế hiện nay đã đảo ngược hoàn toàn, 80% giá trị của doanh nghiệp là tài sản trí tuệ. Trong cuộc chạy đua để tạo ra giá trị mới dựa trên tài sản trí tuệ hoặc là bị diệt vong này, các doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào nghiên cứu và đổi mới tự thân được mà bắt buộc phải liên kết với các trường đại học – trung tâm của nghiên cứu và sản xuất tri thức. Đây là điều mà bà Elizabeth Ritter, chuyên gia của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhắc đi nhắc lại trong phiên đầu tiên của Hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ và Thương mại hóa công nghệ dành cho các viện/trường thành viên trong khuôn khổ dự án Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo (EIE)” do WIPO, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN và trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức từ ngày 28-31/10/2019.
Do đó, theo bà Elizabeth Ritter, các trường đại học phải chủ động bắt tay cùng khối doanh nghiệp, dựa trên nền tảng là khung khổ pháp lý tạo điều kiện tối đa cũng như đặt ra các yêu cầu thúc đẩy cho chuyển giao công nghệ. Ngay tại Mỹ, trước những năm 1980 các trường đại học, cơ sở nghiên cứu công lập cũng không chú trọng chuyển giao các kết quả nghiên cứu trong nhà trường. Nhưng nhu cầu về tài sản trí tuệ đã làm thay đổi mối quan hệ giữa các viện, trường với doanh nghiệp. Kể từ khi có luật Bayh-Dole cho phép tất cả các viện, trường công lập sở hữu sáng chế từ các nghiên cứu được nhà nước cấp kinh phí, thành lập TTO thì hoạt động quản trị tài sản trí tuệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu, sáng chế trong các viện, trường đã thay đổi nhanh chóng. Ví dụ, chỉ trong khảo sát với quy mô 95 cơ sở nghiên cứu, giáo dục công năm 2001, Hiệp hội các nhà quản lý công nghệ Đại học Hoa Kỳ (AUTM) ước tính trong năm đó có ít nhất 358 sản phẩm mới đã được giới thiệu ra thị trường theo các li-xăng được cấp từ các cơ sở nghiên cứu giáo dục công.
Tiến trình tương tự cũng xảy ra tại các nước có điều kiện gần gũi hơn với Việt Nam như Brazil. Theo bà Elizabeth Ritter, ở Brazil, nơi bà bắt đầu hỗ trợ các trường xây dựng các trung tâm chuyển giao công nghệ từ những năm 2000, thì tại thời điểm đó mới chỉ có duy nhất bốn trường quan tâm đến tài sản trí tuệ. Sau đó, Chính phủ Brazil thông qua Luật về Đổi mới sáng tạo và Khoa học công nghệ vào năm 2006, có điều khoản yêu cầu các trường đại học chú trọng chuyển giao kết quả nghiên cứu và thành lập các TTO. Sau 10 năm, từ chỗ chỉ có 36 trường có TTO nay đã có 400 trường thành lập TTO, chỉ có 100 trường xin nộp đơn bảo hộ sở hữu trí tuệ nay lên tới 187 trường nộp đơn xin bảo hộ sở hữu trí tuệ, số đơn xin cấp sáng chế của các trường đại học tăng từ 1078 lên 2256 đơn. Nguồn vốn có được từ chuyển giao công nghệ giúp các trường có nguồn lực để tái đầu tư cho nghiên cứu (bởi trên thực tế, từ hàng chục ý tưởng nghiên cứu trong trường, chỉ có 1 – 2 ý tưởng tạo ra kết quả phù hợp để chuyển giao cho các doanh nghiệp, và các doanh nghiệp hầu như sẽ không muốn liên kết tài trợ cho các ý tưởng mới chỉ ở dạng sơ khai và chưa biết có sử dụng được hay không).
Các đại học trong nước “nhập cuộc”
Bức tranh chung trên thế giới mà các chuyên gia WIPO đưa ra tại Hội thảo cho thấy một con đường đi chung của tất cả các đại học trong bối cảnh nền kinh tế tri thức đang trở thành xu thế bắt buộc. Trong khoảng 1 - 2 năm trở lại đây, một số đại học lớn trong nước đã bắt đầu thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ như ĐHQG TP HCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Bách khoa Hà Nội... nhưng việc vận hành các trung tâm này sao cho hiệu quả, phát huy được giá trị các nghiên cứu ứng dụng trong nhà trường, phù hợp với các điều kiện pháp lý vẫn là điều hết sức mới mẻ với họ. Đơn cử trường hợp trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một trường hàng đầu ở Việt Nam, nằm trong tốp 400 trường đại học trên thế giới về công nghệ và kỹ thuật, nhưng năng lực quản trị tài sản trí tuệ của trường “vẫn còn yếu”, như ông Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa thừa nhận tại Hội thảo. Vì vậy, trường đã cử cán bộ quản lý khoa học đến hội thảo để nghe các chuyên gia WIPO phân tích những yêu cầu đặt ra với TTO, từ đó không chỉ giúp “trực tiếp những người làm công tác chuyển giao công nghệ ở trường” mà còn “giúp trường có định hướng chiến lược chung”.
Các cử tọa khác đến từ các bộ phận chuyển giao công nghệ hoặc quản lý khoa học của nhiều viện, trường đã có những kết quả nghiên cứu được đánh giá rất tốt như trường Đại học Y dược Hà Nội, TP. HCM, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, trường Đại học KHTN TP HCM… cho đến các doanh nghiệp KHCN như Sao Thái Dương đều không chỉ muốn nghe về quản trị tài sản trí tuệ nói chung mà còn cần thảo luận về từng khía cạnh cụ thể mà đơn vị mình mắc phải trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Để đáp ứng nhu cầu đó, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm nghiệm trong chuyển giao công nghệ ở các viện, trường như Richard S. Cahoon từng điều hành trung tâm chuyển giao công nghệ ở Đại học Cornell, Mỹ, bà Elizabeth Ritter từng xây dựng các TTO ở Brazil, ông Fumio Ishitsuka, bà Yumiko Hamano chuyên gia của WIPO thường đi tư vấn cho các nước đang phát triển, sẽ giới thiệu và phân tích về quản trị tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa với một số chủ đề nổi bật như: Môi trường pháp lý cho sở hữu trí tuệ; Hướng dẫn chuyển giao công nghệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ đối với viện trường; Tổ chức và quản trị các văn phòng chuyển giao công nghệ; Xây dựng quy trình/hệ thống công bố sáng chế; Các cách thức bảo vệ tài sản trí tuệ; Các chính sách về tài sản trí tuệ và những vấn đề quyền sở hữu, chia sẻ lợi ích, hợp tác với công ty tư nhân; Chiến lược về tài sản trí tuệ; Đánh giá, định giá các phát minh, công nghệ; Tìm hiểu các đối tác thương mại tiềm năng để cấp phép; Phát triển chiến dịch quảng bá công nghệ; Phương thức hợp tác đại học – ngành công nghiệp trong hoạt động nghiên cứu phát triển. Ngoài ra các chuyên gia cũng sẽ trao đổi về “kinh nghiệm ở các quốc gia có điều kiện tốt như Mỹ cũng như các nước có điều kiện tương tự Việt Nam nhằm chỉ rõ “những mô hình nào hiệu quả trong từng trường hợp cụ thể”, ông Richard S. Cahoon nói.
Ngoài các buổi giảng trên, ban tổ chức cũng thu xếp thời gian để các chuyên gia có các “buổi tư vấn trực tiếp” cho các viện trường là thành viên tham gia Dự án “Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo-EIE” cũng như các thành viên mạng lưới về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chứ không chỉ là “các vấn đề phương pháp luận” nói chung, ông Phan Ngân Sơn, phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết.