"Chiến lược đổi mới sáng tạo của quốc gia phải vừa sâu vừa rộng. Tức là, người làm chính sách phải cần nhìn nền kinh tế trong sự phát triển hợp tác toàn cầu, lại cần thấu hiểu rõ điểm mạnh, yếu của địa phương để có chính sách phù hợp".
Trước đó, ở phần đầu phát biểu của mình, GS Stefan Kuhlmann dẫn ra báo cáo đánh giá của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế OECD về nghiên cứu, công nghệ và đổi mới ở Việt Nam năm 2014, cho thấy, năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện còn yếu, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Khu vực doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng chi R&D. Nhiều phòng thí nghiệm và đơn vị R&D của nhà nước chồng chéo, không đạt quy mô tối ưu, thiếu nguồn lực (vốn, nhân sự, hạ tầng) và chưa gần với người sử dụng cuối cùng.
Bên cạnh đó, theo giáo sư Kuhlmann, công tác quản trị hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn một số bất cập "do thiếu sự cam kết, phối hợp và thực hiện chính sách của Chính phủ một cách hiệu quả".
Bởi vậy, về mặt vĩ mô, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống tri thức, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo (KRIS) có sự tham gia của các đơn vị, tổ chức nghiên cứu khoa học, tích lũy và phổ biến kiến thức, giáo dục và đào tạo dân chúng lao động, phát triển công nghệ, sản xuất và phân phối các sản phẩm và quy trình đổi mới sáng tạo.
Kinh nghiệm tạo ra dòng tri thức xuyên biên giới của châu Âu
Cuối cùng, GS Kuhlmann nêu kinh nghiệm châu Âu như một tham khảo đáng lưu tâm đối với Việt Nam. Ông cho biết, sự hợp tác giữa các nhà khoa học để tạo ra dòng tri thức xuyên quốc gia, xuyên biên giới đang diễn ra mạnh mẽ tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở châu Âu.
"Chính sách của một quốc gia chỉ có thể hỗ trợ cho mạng lưới trong nước. Vì thế, các nước EU đã phối hợp với nhau, tạo ra sự quản lý, hỗ trợ cho các nhà khoa học tạo ra tri thức xuyên suốt trên phạm vi rộng lớn hơn. EU hiểu rằng, chiến lược khoa học và công nghệ cần được các quốc gia phối hợp đầu tư, hợp tác mới tạo ra sức mạnh, bởi nguồn lực cả về kinh tế và tri thức của một quốc gia rất hạn chế."
Song nhìn rộng ra, dù mạnh đến đâu, EU cũng chỉ là một phần của mạng lưới khoa học và công nghệ toàn cầu. Vì thế, trong chiến lược chung, EU có tầm nhìn rộng để biến đổi và thích nghi trước những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu. GS Stefan cho rằng, đây là kinh nghiệm Việt Nam cần nhắc tới khi xây dựng chiến lược của mình.
Thế nhưng, vĩ mô là chưa đủ, chiến lược đổi mới sáng tạo của quốc gia muốn vận hành tốt, cần những bộ phận vi mô nhỏ, chạy trơn tru. Đối với nền kinh tế đó là sự lớn mạnh của doanh nghiệp và hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu - những nơi sản sinh ra tri thức, sáng chế cho cả quốc gia và nhân loại.