Đến nay, trên thế giới có 9 quốc gia triển khai chương trình tín dụng sinh viên dựa trên thu nhập. Với những ưu điểm nhất định so với chương trình tín dụng thông thường, ngày càng có nhiều quốc gia triển khai chương này.

Trong bài viết trước, tác giả đã trình bày lịch sử hình thành của chương trình tín dụng sinh viên dựa trên thu nhập (Income Contingent Loan – ICL) và những lợi ích của nó so với chương trình tín dụng thông thường (Trinh, 2022). Trong bài viết dưới đây, tác giả sẽ trình bày thực trạng triển khai và những thay đổi của một số quốc gia đối với chính sách này.

Úc: Trợ cấp cho giáo dục đại học giảm hơn một nửa kể từ khi triển khai ICL

Ngoài việc là quốc gia đầu tiên áp dụng chương trình tín dụng sinh viên dựa trên thu nhập, Úc còn được cho là quốc gia hào phóng nhất thế giới trong việc áp dụng chương trình này.

Năm 1989, khi bắt đầu triển khai, chương trình yêu cầu sinh viên đóng góp một phần chi phí giáo dục với mức quy định là 1.800 AUD/năm, tương đương khoảng 20% chi phí một khoá học lúc bấy giờ. Nếu sinh viên không thể trả ngay, họ có thể tham gia chương trình tín vay nợ dựa trên thu nhập. Ngưỡng thu nhập bắt đầu trả nợ là 22.000 AUD, dựa trên thu nhập trung bình vào thời điểm ban hành quy định.

Tỷ lệ trợ cấp của chính phủ Úc tính theo thu nhập của các trường đại học
(Browne, 2022).

Trải qua nhiều năm, chính phủ Úc đã có nhiều thay đổi và điều chỉnh các khía cạnh như lãi suất, thời hạn cho vay và số tiền được vay. Đến năm 2012, một chương trình bổ sung được triển khai nhằm trang trải một số khoản phí khác ngoài học phí cho sinh viên.

Thay đổi này gây ra những khó khăn và rủi ro cho ngân sách chính phủ Úc khi gánh nặng lên ngân sách ngày càng lớn và chính phủ Úc chịu rất nhiêu sức ép trước những yêu cầu đòi chính phủ Úc chấm dứt chương trình tín dụng sinh viên dựa trên thu nhập vào năm 2015. Kết quả, mặc dù vẫn duy trì chương trình này nhưng Chính phủ Úc bãi bỏ các khoản chiết khấu cho các trường hợp trả nợ trước hạn, giúp tiết kiệm khoảng 230 triệu AUD (Parliament of Australia, 2013) cho ngân sách. Ngoài ra, Úc đã tăng học phí của sinh viên quốc tế lên như một cách không chính thức để bù đắp vào số tiền ngân sách đã chi cho giáo dục giống như các quốc gia khác (Sanchez-Serra & Marconi, 2018). Hiện tại, doanh thu từ sinh viên quốc tế chiếm khoảng 27% tổng thu nhập từ giáo dục tại Úc (Hazel & Harriet, 2021).

Năm 2019, sinh viên Anh sau khi ra trường có dư nợ trung bình khoảng 50.000 bảng - cao nhất trong các nước OECD – trong khi dư nợ của sinh viên Mỹ và Úc lần lượt là 27.000 bảng và 16.000 bảng (đã quy đổi tỷ giá). Ảnh minh họa: tc.columbia.edu

Năm 2018, ngưỡng thu nhập bắt đầu trả nợ được đặt ra là 51.597 AUD/năm, với khoản tiền trả nợ bằng 1 – 8 % tổng thu nhập, tùy từng khung thu nhập. Đến năm 2019, ngưỡng thu nhập giảm xuống hơn 45.000 AUD, với khoản trả nợ từ 1-10% tổng thu nhập.

Một phân tích từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội Úc năm 2016 ước tính, chi phí hằng năm của chương trình tín dụng sinh viên dựa trên thu nhập sẽ tăng lên khoảng hơn 11 tỷ USD vào năm 2026. Tuy nhiên, trợ cấp Nhà nước cho giáo dục tính theo phần trăm doanh thu của các trường đại học đã giảm hơn một nửa từ khi triển khai chương trình tín dụng dựa trên thu nhập, từ 80% vào năm 1989 xuống 33% vào năm 2019 (Browne, 2022).

• Mỹ: Đơn giản hóa thủ tục để tiếp cận nhiều sinh viên hơn

Chính sách tín dụng dựa trên thu nhập đã được thực hiện tại Mỹ gần 30 năm. Là một giải pháp hữu hiệu để mở rộng mức độ tiếp cận trong giáo dục, nhưng chính sách này gặp phải hai thách thức lớn nhất: gian lận và thủ tục hành chính cồng kềnh.

Rủi ro về gian lận xuất phát từ cả người đi vay và bên cho vay. Đối với người đi vay (sinh viên), họ thường có 2 cách gian lận. Một là khai thu nhập thấp hơn so với mức thực tế (hoặc bằng 0); và hai là khai tăng thêm quy mô hộ gia đình. Theo báo cáo của Văn phòng Giải trình Chính phủ Hoa Kỳ (US Government Accountability Office, 2019), tính đến năm 2021, có khoảng 76.200 sinh viên đi vay khai báo không có thu nhập. Bằng cách này, sinh viên sẽ không phải trả khoản nợ hằng tháng trong khi thực tế thu nhập của họ cao hơn ngưỡng quy định phải trả nợ. Ước tính, việc khai báo giảm thu nhập giúp sinh viên tránh được 1.000 đến 1.500 USD trong việc trả nợ với mỗi 10.000 USD chênh lệch trong thu nhập thu nhập hằng năm. Cũng theo báo cáo này, hơn 35.000 người Mỹ đã khai gian tăng quy mô gia đình từ 9 người trở lên. Cứ mỗi một thành viên tăng thêm trong gia đình sẽ giúp giảm 50 USD trong khoản trả nợ mỗi tháng. Đặc biệt, có 2 sinh viên khai quy mô gia đình đến hơn 90 người.

Về phía người cho vay, có nhiều ý kiến cho rằng những người chịu trách nhiệm làm hồ sơ cho chương tín dụng dựa trên thu nhập gây khó dễ và loại bỏ những sinh viên đủ điều kiện tham gia (Consumer Financial Protection Bureau, 2015). Sinh viên còn chịu tác động bởi thủ tục hành chính rất cồng kềnh. Theo đó, họ phải điền đơn, chờ xét duyệt và cung cấp thông tin thu nhập hằng năm. Kết quả, nhiều sinh viên không thể tiếp cận khoản vay mặc đù đủ điều kiện tham gia.

Gần đây, chính quyền tổng thống Biden đã quyết giảm nhẹ gánh nợ tín dụng cho sinh viên bằng nhiều cách, cụ thể:

- Giảm một nửa khoản trả nợ hằng tháng cho các khoản vay dành cho bậc đại học (từ 10% xuống 5% thu nhập ròng). Điều này giúp giảm số tiền phải trả cho khoản vay trung bình hơn 1.000 USD/năm.

- Nâng ngưỡng thu nhập hằng năm mà tại đó sinh viên bắt đầu phải trả nợ lên tương đương với mức lương 15 USD/giờ.

- Xóa nợ sau 10 năm trả nợ (thay vì 20 năm như trước đây) cho những sinh viên có dư nợ ban đầu dưới 12.000 USD. Chính sách này sẽ giúp đa số những sinh viên theo học cao đẳng cộng đồng sẽ được xóa nợ trong vòng 10 năm.

- Miễn khoản lãi hằng tháng chưa thanh toán của người đi vay để dư nợ không tăng lên miễn là các khoản thanh toán hằng tháng được thực hiện - ngay cả khi khoản thanh toán hằng tháng đó là 0 USD (do thu nhập thấp).

Ngoài ra, quá trình xác minh thu nhập và thủ tục hành chính đang được đơn giản hóa để giúp sinh viên tiếp cận được khoản vay.

• Vương Quốc Anh: Nỗi lo mất cân bằng thị trường giáo dục

Tại Vương quốc Anh, chương trình tín dụng sinh viên dựa trên thu nhập là lựa chọn mặc định khi sinh viên muốn vay cho việc đi học. Sinh viên Anh có thể vay khi đăng ký học ở bất kỳ trường đại học nào trong số khoảng hơn 150 các trường đại học và các tổ chức giáo dục. Phần lớn những trường tham gia vào chương trình tín dụng dựa trên thu nhập là trường công. Tuy nhiên, số các trường tư tham gia vào chương trình này có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.

Chương trình góp phần giảm bớt gánh nặng trả nợ và rủi ro vỡ nợ cho sinh viên. Thay vào đó, chính Chính phủ là bên chịu rủi ro khi sinh viên tốt nghiệp đại học không có công ăn việc làm hoặc thu nhập thấp. Nhưng điều này dẫn đến tốn kém cho ngân sách nhà nước. Ước tính, cứ mỗi 100 bảng cho sinh viên vay, Chính phủchỉ thu lại được 58 bảng (Boatman et al., 2022). Mặc dù số tiền sinh viên vay và lãi tích lũy cao nhưng do mức thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp không đủ để trả toàn bộ dư nợ trước thời hạn được xóa nợ.

Tính đến năm 2021, 6 triệu sinh viên Anh tham gia chương trình này, tương đương khoảng 85% tổng số sinh viên bản địa với tổng dư nợ là hơn 100 triệu bảng (Britton & Gruber, 2020). Những sinh viên này sẽ trả 9% thu nhập vượt ngưỡng quy định (ngưỡng thu nhập bắt đầu trả nợ được quy định từ năm 2021 – 2022 là 27.292 bảng). Tại Anh, sinh viên có thể vay từ 9.250 bảng đến 11.100 bảng cho học phí mỗi năm học, tùy theo chương trình học. Số liệu tương ứng cho sinh viên Mỹ và Úc lần lượt là 52.200 bảng và 61.000 bảng (đã quy đổi tỷ giá).

Đáng chú ý, sinh viên Anh có khoản nợ trung bình cao nhất trong các nước OECD, khoảng 50.000 bảng Anh vào năm 2019, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Số liệu của Mỹ và Úc lần lượt là 27.000 bảng và 16.000 bảng (đã quy đổi tỷ giá).

Thông thường, số nợ cao hơn không có nghĩa là khoản trả nợ hằng năm cao hơn. Thay vào đó, điều này có nghĩa là thời gian trả nợ dài hơn hoặc số tiền được xóa nợ lớn hơn vào cuối kỳ hạn của khoản vay. Ở Anh, thời hạn này hiện là 30 năm, trong khi ở các nước khác là cho đến khi người đi vay nghỉ hưu (New Zealand) hoặc qua đời (Úc). Ở cả ba quốc gia này, sinh viên sẽ không bị phạt nếu đến cuối vẫn còn số nợ chưa trả hết.

Mặc dù giúp cải thiện mức độ tiếp cận giáo dục đại, nhưng có mối lo chính sách tín dụng dựa trên thu nhập có thể gây mất cân bằng thị trường giáo dục Anh. Ví dụ, sinh viên sẽ chọn những khóa học cho phép tiếp cận vay nợ (chương trình đại học) thay vì chọn những khóa học thực sự phù hợp với họ (chương trình cao học) (Murphy et al., 2019).

Chương trình tín dụng dựa trên thu nhập cho sinh viên còn được thực hiện ở các quốc gia khác như New Zealand, Thái Lan,… với những đặc điểm và quy định riêng. Có những lo ngại và rủi ro khi thực hiện chương trình này, nhưng đây vẫn là một chương trình giúp giảm sức ép và gánh nặng tài chính cho sinh viên một cách đáng kể khi đi học, từ đó tăng mức độ tiếp cận giáo dục đại học. Nếu có hệ thống giám sát chặt chẽ cùng với những chính sách hỗ trợ phù hợp như một số quốc gia đã thực hiện, tín dụng dựa trên thu nhập cho sinh viên sẽ là một giải pháp khả thi với hệ thống giáo dục Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

Boatman, A., Callender, C., & Evans, B. (2022). Comparing high school students’ attitudes towards borrowing for higher education in England and the United States: Who are the most loan averse? European journal of education, 57(2), 199-217. https://doi.org/https://doi.org/10.1111/ejed.12499

Britton, J., & Gruber, J. (2020). Do income contingent student loans reduce labor supply? Economics of education review, 79, 102061. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.econedurev.2020.102061

Browne, B. (2022). At the Crossroads:-What is the post-COVID future of Australia’s Public Universities?Consumer Financial Protection Bureau. (2015). CFPB Concerned About Widespread Servicing Failures Reported by Student Loan Borrowers.


Murphy, R., Scott-Clayton, J., & Wyness, G. (2019). The end of free college in England: Implications for enrolments, equity, and quality. Economics of education review, 71, 7-22. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.econedurev.2018.11.007

Parliament of Australia. (2013). And then there were none: HECS discounts. https://www.aph.gov.au/About_Parliament/Parliamentary_Departments/Parliamentary_Library/FlagPost/2013/April/And_then_there_were_none_HECS_discounts
Sanchez-Serra, D., & Marconi, G. (2018). Foreign students’ tuition fees are a double-edged sword. U. W. News. https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20180220142151532#:~:text=Available%20data%20shows%20that%20foreign,higher%20fees%20than%20national%20students.

Trinh, T. M. (2022). Tín dụng sinh viên dựa trên thu nhập - Giải pháp cho bài toán học phí và cơ hội tiếp cận giáo dục. Khoa học và Phát triển. https://doi.org/https://doi.org/10.31219/osf.io/r7xnf

US Government Accountability Office. (2019). Federal Student Loans: Education Needs to Verify Borrowers’ Information for Income-Driven Repayment Plans. https://www.gao.gov/products/gao-19-347