Đạo luật Chip do EU vừa ban hành, với tham vọng mở rộng quy mô sản xuất, giảm thiểu lượng bán dẫn nhập khẩu từ nước ngoài, mặc dù nhận được sự đồng thuận rộng rãi của nhiều chuyên gia, nhưng cũng không ít người người đặt câu hỏi về mục tiêu và cách triển khai của nó.

Ủy ban châu Âu đang coi Đạo luật Chip châu Âu như một cách hữu hiệu để giải quyết hiện tượng thiếu hụt các chất bán dẫn đang xảy ra tại lục địa này sau sự đứt gãy của chuỗi cung cấp hậu đại dịch và sự phụ thuộc quá mức vào nhập khẩu.


Ảnh minh họa: Istock.

Mặc dù Đạo luật nhận được sự đồng thuận rộng rãi của nhiều chuyên gia nhưng không phải ai cũng đồng ý với mục tiêu và cách thức triển khai của Đạo luật Chip. Họ cho rằng, có nên tập trung quá nhiều vào khuyến khích sản xuất hay không; liệu có đúng khi tập trung vào sản xuất chip tiên tiến hay không; và có chắc chắn là ngân sách đủ để đạt được các mục tiêu đã định không.

Đầu tư công cho Đạo luật Chip sẽ lên tới 11 tỉ Euro vào năm 2030. Trên khía cạnh này, Ủy ban châu Âu hy vọng sẽ có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân vào bán dẫn lên đến con số 32 tỉ Euro. Họ cho là 11 tỉ Euro đầu tư vào R&D trên thực tế là tiền được đầu tư gián tiếp từ những chương trình khác như Horizon Europe và Digital Europe cũng như những dự án liên quan đến bán dẫn.

Theo cái nhìn của Niclas Poitiers, nhà nghiên cứu tại think tank Bruegel, châu Âu không thể cạnh tranh với Đông Á trong ngành sản xuất bán dẫn, và thà là đầu tư các đồng tiền này vào các nhà máy sản xuất thì còn tốt hơn là đầu tư vào hoạt động R&D đầy rủi ro. Sự đầu tư kiểu này còn đem lại lợi ích là sẽ cho phép ngành công nghiệp châu Âu trở thành chuyên gia đặc biệt trong các khu vực có giá trị cao của chuỗi cung cấp ban dẫn, ví dụ như thiết kế, Poitiers nói với Science|Business.

Với Kjed van Wieringen, nhà phân tích chính sách tại Dịch vụ nghiên cứu của Nghị viện châu Âu, thì có một mục tiêu thực tế hơn nhiều “có thể là củng cố những sức mạnh mà chúng ta có hiện nay”. Châu Âu là “người đi tiên phong trong nghiên cứu và trong sản xuất thiết bị”, van Wieringen nói. Dù Đạo luật Chip ghi nhận những thế mạnh này nhưng cũng cần tập trung nhiều quan tâm hơn nữa để tăng cường sức mạnh cho nó.

Châu Âu sẽ phải “làm việc cật lực để gia tăng vai trò của mình trong chuỗi cung cấp”, Jan Frederick Slijkerman, nhà kinh tế tại Công ty Dịch vụ Tài chính Hà Lan ING, phản ánh cái nhìn của mình với kế hoạch của Ủy ban châu Âu. “Châu Âu đóng một vai trò đáng kể trong một số lĩnh vực tập trung vào R&D như thiết bị và sở hữu trí tuệ”, Slijkerman nói. “Thêm vào đó, châu Âu có một nền tảng nghiên cứu cơ bản hùng mạnh, với những trung tâm nghiên cứu như Imec ở Bỉ”. Nhưng Slijkerman lưu ý, “Châu Âu chỉ là một tay chơi thứ yếu trong thiết kế và sản xuất” mà đây lại là khu vực có nhiều giá trị gia tăng nhiều nhất trong cả chuỗi cung cấp”.

Số phận của những con chip và ngân sách

Trong vấn đề R&D và sự tập trung của Ủy ban châu Âu vào các con chip công nghệ tiên tiến, nhiều ý kiến chỉ trích là nhu cầu hiện tại của ngành công nghiệp châu Âu là những con chip công nghệ cũ. Nếu Ủy ban châu Âu thực sự muốn tập trung vào sản xuất, cần phải tạo cú hích biến đổi năng lực sản xuất bán dẫn sử dụng công nghệ cũ, Poitiers nói và chỉ ra trước hết cần tập trung vào các bán dẫn trong ngành công nghiệp tự động hóa. Dù là một định hướng ngắn hạn, nó cũng có thể đổi mới sáng tạo và đem lại sự phát triển của nó, vì chip trong các ô tô sẽ ngày một trở nên nhỏ hơn, van Wieringen nói.

Jo De Boeck, người phụ trách chiến lược tại một viện nghiên cứu hàng đầu châu Âu là Trung tâm Inter-university Microelectronics Centre (Imec) nói với Science|Business, hiện tại điều quan trọng là giúp các nhà sản xuất chip tăng trưởng nhưng cũng cần thiết nhìn về tương lai và dự báo nhu cầu tương lai. “Đó là nhu cầu về chip công nghệ cao”, sẽ mất thời gian tìm hiểu trước khi có thể chế tạo được nó. Với đạo luật này, châu Âu đang thiết kế để tạo ta một “cơn bão đổi mới sáng tạo”, De Boeck nói. Đó không chỉ là một trường hợp lựa chọn giữa chip công nghệ cao và công nghệ cũ bởi cả hai đều cần cho châu Âu và trên thực tế phải song hành với nhau.

Con số 43 triệu Euro mà Ủy ban châu Âu hy vọng sẽ thúc đẩy được lĩnh vực bán dẫn vươn lên chiếm lĩnh thị trường bán dẫn thế giới lên gấp đôi hiện nay, tức là đến mức 20% vào năm 2030. Nhưng van Wieringen lưu ý, để đạt được đến mục tiêu này, không chỉ việc sản xuất phải tăng quy mô lên gấp bốn mà cả lực lượng lao động cũng vậy, tuy nhiên không dễ dàng đạt được điều đó. Các chuyên gia chính sách ở Nghị viện châu Âu không chắc chắn là châu Âu trên thực tế sẽ có khả năng đạt đến mục tiêu này vì dường như là “một tham vọng thái quá”, van Wieringen nói.

Và như Poitiers chỉ ra, một ngân sách 43 triệu Euro mới chỉ là một chút ít để bù vào khoản kinh phí xây dựng các nhà máy chế tạo mới. Như các ví dụ gần đây nhất, Công ty Franco STMicroelectronics loan báo kế hoạch xây dựng một nhà máy mới ở Catania, Ý với mức đầu tư 730 triệu Euro. Trong số này, 292,5 triệu Euro là từ ngân sách chính phủ.

Nhưng với hoạt động R&D bán dẫn thì khoản đầu tư 43 tỉ Euro có thể là một con số đáng kể.
Dù De Boeck đồng ý là số kinh phí đầu tư của châu Âu vẫn còn giới hạn nhưng ông cho rằng nó cũng đủ để đón nhận thêm những khoản tiếp theo. Và nếu môi trường ở châu Âu đủ hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân thì có thể sẽ còn vượt quá mục tiêu 43 tỉ Euro. De Boeck phân tích, các công ty sẽ phải tính toán và xem xét nhiều khía cạnh trước khi quyết định đầu tư vào nơi nào. Mặt khác, chi phí năng lượng cao ở châu Âu hiện nay có thể là một rào cản.

Intel mới loan báo vào tháng ba về kế hoạch đầu tư 19 tỉ Euro ban đầu vào một trung tâm chế tạo bán dẫn ở Đức, một trung tâm R&D và thiết kế bán dẫn mới ở Pháp và đầu tư vào các dịch vụ R&D, sản xuất ở Ireland, Ý, Ba Lan và Tây Ban Nha. Pat Gelsinger, CEO của Intel, đề cập đến Đạo luật Chip EU “Nó sẽ giúp các công ty tư nhân và chính phủ làm việc cùng nhau để thúc đẩy một cách hiệu quả vị trí của châu Âu trong lĩnh vực bán dẫn”.

Nếu tập hợp các chuyển động mới trong ngành bán dẫn, có thể thấy thông báo của STMicroelectronics và Intel về các khoản đầu tư vào sản xuất bán dẫn là tín hiệu chứng thực được mục tiêu của Đạo luật Chips là hỗ trợ xây dựng các nhà máy hiện đại.

Nó cho phép chính phủ các quốc gia EU có thể bỏ qua các quy tắc viện trợ của EU và rót ngân sách xây dựng các nhà máy bán dẫn mới tại châu lục này. Để đủ điều kiện làm theo hướng dẫn này, cần phải chứng tỏ ở châu Âu, chưa từng có một cơ sở giống như cơ sở nhận được hỗ trợ, theo định nghĩa có trong Đạo luật Chip; cơ sở nhận được hỗ trợ sẽ không lấn át với những sáng kiến đầu tư tư nhân khác hiện có hoặc cam kết sẽ xây dựng trong tương lai; và hỗ trợ từ ngân sách công sẽ chỉ là đủ để bù vào khoản thiếu hụt trong tổng kinh phí xây dựng nhà máy và vừa đủ để đảm bảo các khoản đầu tư được thực thi ở châu Âu.

Nguồn: sciencebusiness.net