Theo ông Nguyễn Ngọc Túy - Phó Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa, tỉnh này đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 số doanh nghiệp KH&CN tăng ít nhất 2 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) hoạt động KH&CN đóng góp khoảng 30-35% tăng trưởng kinh tế. Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng GRDP đến năm 2020 chiếm trên 30%, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt trên 20%/năm…
Ông Lê Văn Tam (trái) - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn Thanh Hóa giới thiệu với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh (thứ hai từ trái qua) về mô hình trồng lúa cấy mô. Ảnh: Loan Lê
Theo đó, Thanh Hóa đề nghị Bộ KH&CN đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương quan tâm hỗ trợ Thanh Hóa trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho KH&CN. Trước mắt là cơ sở hạ tầng của khu công nghệ thông tin tập trung tại thành phố Thanh Hóa và Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng. Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xây dựng đầu tư các phòng thí nghiệm, các trung tâm KH&CN trực thuộc doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị định 95/2014/NĐ-CP về cơ chế đầu tư và tài chính đối với hoạt động KH&CN.
Hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN phát triển các sản phẩm mới hình thành từ kết quả KH&CN, thành lập các cơ sở nghiên cứu; trong đó nội dung hỗ trợ chủ yếu là tư vấn thành lập các cơ sở nghiên cứu và các thiết bị nghiên cứu cần thiết. Bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp hình thành doanh nghiệp KH&CN có sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN hướng đến xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại quốc tế với doanh thu ngoại tệ cao.
Hải Minh