Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) sẽ được hoàn thiện, trình ra Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ Hai và thông qua tại Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội khóa XIV.

"Trước đòi hỏi của thực tiễn, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ là cần thiết và cấp bách nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh thương mại hoá kết quả nghiên cứu..." - trình bày tờ trình của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) sáng 13/9, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi bộ luật này.

Sửa luật, ngăn công nghệ lạc hậu

Theo đó tờ trình của Chính phủ nêu rõ sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật CGCN đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các thành tựu tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi nên phải rà soát nội dung của Luật để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu phát sinh từ thực tiễn.

Xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, xóa bỏ các hàng rào bảo hộ giữa các quốc gia và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các công nghệ thế hệ mới là hai nhân tố mới sẽ tác động mạnh mẽ tới các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, mở ra cơ hội và thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, hoạch định chính sách về chuyển giao công nghệ.

Theo đó Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định việc sửa đổi Luật CGCN là cần thiết và cấp bách nhằm thúc đẩy hoạt động CGCN, thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh thương mại hoá kết quả nghiên cứu và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

"Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu và hiện tượng chuyển giá qua hoạt động CGCN" - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, việc sửa đổi Luật CGCN hướng tới mục đích cuối cùng là tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động CGCN trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam để cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ; duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh để trụ vững trên thị trường nội địa, vươn tới thị trường khu vực và quốc tế.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội bày tỏ sự đồng tình đối với việc cần thiết phải sửa đổi luật.

"Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với những căn cứ về sự cần thiết sửa đổi bổ sung một số điều của Luật CGCN như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ" - ông Dũng nêu và nhấn mạnh thêm hoạt động CGCN là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó.

Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội trình bào báo cáo thẩm tra dự án sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án sửa đổi Luật CGCN. Ảnh: TD.

Ông Dũng cũng nêu thực trạng tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm), một số ngành, lĩnh vực (các nhà máy nhiệt điện, xi măng, mía đường, luyện cán thép, khai khoáng, …) vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu.

"Chúng ta vẫn CGCN thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ là chính... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi. Nền KH&CN thế giới đã và đang phát triển như vũ bão, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cũng đã ký kết, gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa…; nhiều đạo luật liên quan đến CGCN đã được sửa đổi, ban hành" - ông Dũng nhấn mạnh.

Quốc hội tán thành sửa luật CGCN 2006

Qua thảo luận, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật CGCN để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và CGCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo việc bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN trong nước; kiểm soát CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới; đồng thời từng bước chuyển giao công nghệ ra nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trình bày tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trình bày tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. Ảnh: TD.

Đồng tình báo cáo thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, đất nước đang đứng trước thách thức công nghệ ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, vì thế việc sửa Luật là cần thiết.

Hiện Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở đổi mới tư duy và phương thức quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ phù hợp với bối cảnh mới, xu thế phát triển công nghệ mới để ứng phó được với các tác động của tự do hóa thương mại và hội nhập toàn cầu; giảm thiểu thủ tục hành chính với doanh nghiệp; bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Hoan nghênh Ban soạn thảo sửa đổi luật đã đưa ra những quy định về vai trò quản lý nhà nước, kiểm soát công nghệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý quan điểm phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật cần bao quát, toàn diện hơn, kế thừa những quy định còn nguyên giá trị của Luật hiện hành đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật hiện hành và phải phù hợp với tình hình mới, nhiệm vụ, yêu cầu của đất nước hiện nay so với 10 năm trước.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Chuyển giao công nghệ 2006 theo quy trình tại 2 kỳ họp. Theo đó giao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự án Luật trình ra Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ Hai và thông qua tại Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội khóa XIV.