Với mục tiêu tạo nền tảng cho một trường đại học hướng tới quốc tế hóa nghiên cứu, giảng dạy, Phenikaa, một trường đại học tư còn chưa mấy tên tuổi của Việt Nam đã mạnh dạn dự thảo xây dựng tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư - phó giáo sư nhằm xây dựng một đội ngũ các nhà khoa học vừa có phẩm chất tốt về khoa học, vừa đảm bảo tính liêm chính học thuật.
Đó là quan điểm của GS. TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng nhà trường, trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo KH&PT.
TIÊU CHÍ GS - PGS NGHIÊN CỨU: CƠ CHẾ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CÁC NHÀ KHOA HỌC
Sau khi ra mắt 8 nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học cơ bản và ứng dụng với những tiêu chí rất cao vào tháng 5/2019, trường Đại học Phenikaa lại chuẩn bị cho việc ra đời một chính sách mới: Quy định tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ bổ nhiệm chức danh chuyên môn của trường, trong đó có GS – PGS nghiên cứu. Việc tự đặt ra các tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư của Phenikaa có sự khác biệt nào với việc xét đạt chuẩn GS-PGS của Hội đồng giáo sư Nhà nước không, thưa ông?
Khi cùng nhìn vào mục tiêu chung, có thể thấy chúng ta đang mong muốn tăng cường chất lượng giáo dục và thúc đẩy xu hướng quốc tế hóa giáo dục đại học với những con người và chính sách cụ thể. Do đó, xét về bản chất thì hai hoạt động này không có mâu thuẫn hay nhiều khác biệt. Tiêu chuẩn xét bổ nhiệm chức danh GS – PGS của Phenikaa được chia làm hai nhóm chức danh rõ ràng là GS-PGS giảng dạy và GS-PGS nghiên cứu. Trong đó, các tiêu chuẩn đối với chức danh GS-PGS giảng dạy hoàn toàn tương đồng và bám sát của tiêu chuẩn của HĐGSNN và chọn ở mức cao nhất đó là yêu cầu GS có 5 công bố KH trên các tạp chí ISI và 3 bài ISI đối với PGS (mức yêu cầu sẽ được HĐGSNN áp dụng từ năm 2020).
Cách đây vài năm, có một trường đại học trong nước cũng từng áp dụng chính sách tự bổ nhiệm chức danh GS – PGS. Vậy việc làm này của Phenikaa có gì giống và khác so với họ?
Trước khi soạn thảo quy định này, Ban giám hiệu nhà trường đã tham khảo rất kỹ các mô hình trong và ngoài nước để rút ra những điểm được và chưa được. Do đó, khi soạn thảo chúng tôi đã phân biệt hết sức rõ ràng là quy định này thuần túy tập trung vào ngạch giáo sư nghiên cứu còn giáo sư giảng dạy tuân theo các tiêu chuẩn của Hội đồng giáo sư nhà nước, đồng thời cũng ghi rõ các chức danh GS-PGS nghiên cứu là các chức danh chuyên môn và chỉ có giá trị trong phạm vi trường Đại học Phenikaa. Đây rõ ràng là một vị trí đặc thù về chuyên môn, nó khác với việc xét của Hội đồng giáo sư nhà nước là xét đạt chuẩn GS-PGS cho ứng viên của tất cả các trường đại học trong cả nước. Ở nước ngoài cũng thế, giáo sư của trường đại học Harvard cũng khác trường khác, và phó giáo sư trường này có thể nộp hồ sơ làm giáo sư trường khác vì mỗi trường là một thực thể giáo dục riêng biệt, có thể xác định được chức danh chuyên môn cho trường của mình.
Việc có bổ nhiệm được nhà khoa học giỏi vào các vị trí GS-PGS hay không phụ thuộc rất lớn vào các tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra. Phenikaa có tự tin cho rằng mình sẽ làm được điều đó?
Ở đây, chúng ta cần nhìn nhận rằng, với quy định này, Phenikaa mong muốn hướng đến mục tiêu là tạo ra một cơ chế, một cơ sở để đánh giá đúng chất lượng và năng lực của các nhà khoa học. Do đó, Phenikaa đã đưa ra các tiêu chí rất cao cho vị trí và chức danh chuyên môn khoa học: các giáo sư nghiên cứu phải có 40 bài báo ISI, trong đó là tác giả chính ít nhất 20 bài, 15 bài thuộc nhóm tạp chí Q1; chỉ số H-index không thấp hơn 15; làm chủ nhiệm ít nhất 2 đề tài/dự án cấp quốc gia hoặc quốc tế; hướng dẫn chính ít nhất 2 nghiên cứu sinh; 8 năm kinh nghiệm nghiên cứu độc lập… Thực ra, các tiêu chuẩn này đều trên nền tảng là những quy định về GS- PGS của Hội đồng nhà nước nhưng với yêu cầu cao hơn bởi trường mong muốn tuyển dụng và bổ nhiệm được các nhà khoa học có năng lực cao. Và nếu đạt được tiêu chuẩn này thì nhà khoa học có thể làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam.
Để đảm bảo sự khả thi và đúng đắn của các tiêu chí, trong quá trình chuẩn bị, Phenikaa đã gửi bản dự thảo quy định tới rất nhiều nhà khoa học đầu ngành và nhận được đa số ý kiến phản hồi là Phenikaa có thể làm được.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi hiện nay trong tiêu chuẩn GS – PGS của Hội đồng giáo sư nhà nước là một số tiêu chí như số lượng nghiên cứu sinh hướng dẫn, viết sách. Vậy tiêu chí của Phenikaa có gì khác biệt?
Như trên đã nói, các tiêu chí trong quy định Phenikaa cũng dựa trên nền tảng quy định của Hội đồng giáo sư nhà nước nhưng điểm khác biệt là trường cho phép các ứng viên có thể linh hoạt chuyển đổi hoặc lược bỏ một số quy định khác để có thể bổ nhiệm được những giáo sư giỏi, đặc biệt là người nước ngoài.
Mời nhà khoa học nước ngoài tới làm việc lâu dài ở Việt Nam?
Đây là một phần trong kế hoạch hướng tới quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu và đào tạo ở Phenikaa. Chúng ta hãy nhìn vào mô hình các trường đại học của Singapore, Hàn Quốc: trong giai đoạn đầu phát triển, họ tuyển dụng rất nhiều các nhà khoa học người nước ngoài để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu. Phenikaa muốn làm theo họ nhưng với một người xấp xỉ khả năng được bổ nhiệm giáo sư ở nước ngoài rồi sang Việt Nam làm việc với vị trí và mức lương tiến sĩ thì không ai sang, còn muốn tuyển hẳn giáo sư nước ngoài ngay thì lương phải gấp nhiều lần một nhà khoa học trẻ tài năng đủ khả năng trở thành giáo sư trong thời gian gần. Vì vậy Phenikaa hướng tới “những ngôi sao đang lên”, những người có nhiều cơ hội phấn đấu lên đến đỉnh cao, bổ nhiệm họ vào các vị trí phó giáo sư, giáo sư.
Với các tiêu chuẩn, quy chuẩn đang áp dụng hiện nay thì các nhà khoa học người nước ngoài, dù chưa phải là giáo sư, phó giáo sư nhưng đã rất giỏi rồi, rất khó trở thành giáo sư của một trường đại học Việt Nam. Vì vậy Phenikaa đặt ra quy định này nhằm tạo ra cơ chế tuyển dụng, một cơ chế đánh giá năng lực để thu hút và tuyển dụng được những nhà khoa học tốt người Việt Nam và nước ngoài.
Thông thường, các ứng viên vào các chức danh GS – PGS sẽ phải trải qua nhiều đợt xét duyệt ở hội đồng cấp cơ sở và trung ương. Vậy việc xét duyệt của Phenikaa sẽ được tổ chức như thế nào?
Phenikaa sẽ thành lập các hội đồng xét duyệt một cách minh bạch với thành phần là các giáo sư Việt Nam và cả giáo sư nước ngoài để cùng tham gia phỏng vấn các ứng viên nộp hồ sơ. Hồ sơ của các ứng viên cũng sẽ được công bố rộng rãi. Thực ra, đây là mô hình chung mà các trường đại học quốc tế họ đã áp dụng rồi. Sau khi sàng lọc hồ sơ để xác định ứng viên đạt tiêu chuẩn thì phỏng vấn là công đoạn cuối cùng để xem ứng viên phù hợp với vị trí nào trong trường, và làm việc ở trường thì làm được công việc gì, đóng góp được gì cho việc đào tạo cũng như nâng cao chất lượng nghiên cứu.
Tất cả các tiêu chuẩn và quy trình xét duyệt mà Phenikaa soạn thảo là nhằm tuyển chọn được người xứng đáng và việc trở thành giáo sư và phó giáo sư của trường cũng là để cho họ cơ hội cống hiến nhiều hơn trong tương lai chứ không phải để tổng kết hoặc tôn vinh những gì đã làm trong quá khứ. Đây là việc bổ nhiệm chức danh có thời hạn (trong thời gian 5 năm), và các GS – PGS cũng phải thực hiện được những yêu cầu cụ thể đề ra. Tôi nghĩ, việc bổ nhiệm nhà khoa học nào đó vào vị trí GS – PGS của Phenika là để bắt đầu một công việc mới, phục vụ các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy tại trường. Dù bổ nhiệm cũng là để vinh danh nhưng nó không phải là cái chủ yếu và cần nhìn nhận một cách công bằng là việc các trường bổ nhiệm giáo sư không đồng nghĩa với việc làm giảm giá trị chức danh giáo sư.
BỔ NHIỆM GS – PGS ĐỂ GÓP PHẦN XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Như vậy, việc chuẩn bị cho quy định thứ hai cũng là để hỗ trợ cho quy định thứ nhất về nhóm nghiên cứu mạnh mà Phenikaa đã triển khai?
Đúng vậy, quy định thứ hai là nhằm hỗ trợ việc triển khai quy định đầu tiên của trường về nhóm nghiên cứu mạnh. Trước mắt Phenikaa đã có được những nhà nghiên cứu nòng cốt và 8 nhóm nghiên cứu mạnh ở cả lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Tuy nhiên ngần ấy vẫn chưa đủ, Phenikaa hi vọng số lượng trưởng nhóm nước ngoài của trường sẽ tăng lên. Tất cả những điều đó là nhằm tạo ra một môi trường thật sự quốc tế hóa, một môi trường hoạt động nghiên cứu với các nhà khoa học đã có kinh nghiệm làm việc quốc tế.
Đây là mục tiêu mà nhiều trường đại học công lập với sự đầu tư trọng điểm của nhà nước đang phấn đấu thực hiện mà vẫn chưa đạt. Vậy một trường đại học tư mới được xây dựng và chưa có nhiều tiếng tăm như Phenikaa chắc hẳn sẽ gặp nhiều thách thức?
Dĩ nhiên với một tên tuổi mới như Phenikaa thì mọi chuyện khó hơn nhiều nhưng nếu làm tốt được cả hai quy định này thì tôi tin là có thể tạo dựng được một môi trường làm việc quốc tế ngay tại trường. Hiện có nhiều mô hình phát triển trường đại học, nhiều cách tiếp cận khác nhau để tạo uy tín, có đơn vị ưu tiên tăng uy tín bằng cách nhanh nhất có thể, Phenikaa chọn con đường khó khăn và tốn kém: đầu tư đồng thời vào con người cụ thể, con người có thật - là hạt nhân của những nhóm nghiên cứu mạnh với những sản phẩm là các bài báo trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao, những công nghệ được cấp bằng sáng chế… và đầu tư một cách bài bản xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Đây cũng là điểm khác biệt giữa Phenikaa và các trường tư thục khác.
Trong những thách thức này, theo anh điều gì là khó nhất?
Là việc kiên nhẫn đầu tư và chờ kết quả sau 5 năm, thậm chí là 7 năm, mới có thể đánh giá được hiệu quả của các chính sách mình đề ra. Trên thực tế, để xây dựng được thành công một nhóm nghiên cứu mạnh, cần đến một lộ trình nhất định. Chúng ta đều biết rằng, đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh ẩn chứa nhiều rủi ro nên về nguyên tắc, mình xây dựng chính sách là để giảm thiểu rủi ro và tạo ra một cái khung để các nhà khoa học có thể phát triển và hợp tác được với nhau, có điều kiện phát huy năng lực của mình. Vì vậy, các nhà quản lý cần theo sát, nắm bắt tình hình để kịp thời điều chỉnh chính sách.
Dù đã lựa chọn được những trưởng nhóm nghiên cứu đạt được các tiêu chí rất cao về công bố, kinh nghiệm hoạt động độc lập, thì việc họ có đạt được những yêu cầu rất cao theo từng giai đoạn hay không cũng là điều khó. Ví dụ ở giai đoạn phát triển thứ nhất, với các nhóm nghiên cứu cơ bản, Phenikaa yêu cầu sản phẩm là 5 bài báo thuộc nhóm tạp chí Q1/năm chẳng hạn thì sang giai đoạn sau, yêu cầu về số lượng và chất lượng công bố sẽ tiếp tục được tăng lên, không có chuyện ngang bằng hoặc giảm. Mặt khác, với các nhóm nghiên cứu ứng dụng, sản phẩm yêu cầu là bằng phát minh, sáng chế quốc tế và sản phẩm chuyển giao cho công nghiệp.
Vậy cơ chế đầu tư thông thoáng ở một trường đại học tư nhân có hỗ trợ các nhà khoa học đạt được các yêu cầu này?
Dĩ nhiên so với các trường đại học công lập thì Phenikaa có cơ chế linh hoạt hơn, việc tuyển dụng nhân lực và cơ chế đầu tư cũng linh động hơn. Về nguyên tắc, các trưởng nhóm có thể đề xuất nhân sự lên ban giám hiệu nhà trường, đồng thời có thể quyết định sử dụng kinh phí của mình mà không phải mất quá nhiều thời gian vào thủ tục giấy tờ.
Có nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nghi ngờ vào khả năng Phenikaa trở thành một nơi đủ điều kiện nghiên cứu lâu dài, dù có cơ chế thu hút nhân tài.
Đó là một nghi ngờ có lý bởi với các nhóm nghiên cứu mạnh, điều kiện để họ thực hiện nghiên cứu không chỉ là cơ chế tuyển dụng, cơ chế đầu tư kinh phí mà còn là hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu, là các phòng thí nghiệm, ngay cả nhóm nghiên cứu thiên về tính toán lý thuyết cũng không ngoại lệ và cần có hệ thống siêu máy tính đủ mạnh. Trong lộ trình phát triển của mình, Phenikaa đặt mục tiêu xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu đủ tốt, mặc dù biết rằng, để phát triển nghiên cứu thì kinh phí đầu tư ban đầu rất lớn. Một lĩnh vực kĩ thuật để phát triển tốt, đủ cơ sở vật chất cho nghiên cứu thì kinh phí đầu tư cũng ở mức hàng trăm tỉ đồng, không phải là bất cứ trường đại học nào cũng sẵn sàng đầu tư cho việc đó.
Nhìn chung, phần lớn các trường đại học tư thục ở miền Bắc chưa gây được uy tín trong xã hội là do việc đầu tư vào cơ sở vật chất là khá hạn chế. Chúng ta điểm qua thì thấy các trường đại học ngoài công lập, không có sự đầu tư của nhà nước thì chủ yếu tập trung vào đào tạo các ngành quản lý kinh tế, xã hội nhân văn. Việc một trường tư thục đầu tư vào khoa học và công nghệ như Phenikaa cũng là trường hợp hiếm hoi.
Nghĩa là Phenikaa sẽ có được hệ thống cơ sở vật chất đạt tầm quốc tế?
Trường sẽ đầu tư cả con người và cơ sở hạ tầng, hết năm nay sẽ hình thành 6, 7 phòng thí nghiệm liên quan đến rất nhiều ngành kỹ thuật như Cơ điện tử, Kỹ thuật ô tô và năng lượng, Điện - Điện tử, Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, Công nghệ thông tin. Hiện nay, Hội đồng quản trị (Hội đồng trường) và Ban giám hiệu đang xét duyệt nhiều dự án đầu tư phòng thí nghiệm. Chúng tôi đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm trong đầu tư thiết bị, máy móc nghiên cứu. Việc đề xuất đầu tư được thực hiện một cách kỹ lưỡng, phân tích đến từng chi tiết như mua máy gì, cấu hình nào, ai là người chịu trách nhiệm? ai đóng góp kinh phí hoạt động (cam kết đóng góp từ kinh phí đề tài để vận hành, bảo dưỡng). Từ việc nhỏ nhất như thế là mọi cũng cần có người chịu trách nhiệm.Việc mua thiết bị không khó mà để nó hoạt động hiệu quả trong thời gian dài mới khó.
Chúng tôi hi vọng, cùng với quá trình đầu tư mang tính lâu dài này, các nhóm nghiên cứu mạnh với các nhà nghiên cứu giỏi sẽ góp phần thúc đẩy chất lượng nghiên cứu và đào tạo của Trường Đại học Phenikaa, qua đó, trường có điều kiện đào tạo nguồn nhân lực thực học, thực làm cho đất nước. Đây là cái đích của Phenikaa.
Xin cảm ơn ông!
Cần phải có thời gian chứng thực hiệu quả của đầu tư vào nghiên cứu của trường Đại học Phenikaa nhưng trước mắt đã có một số tín hiệu tích cực. Sau hai tháng ra mắt, một số nhóm nghiên cứu mạnh tuyển được postdoc (nghiên cứu sau tiến sỹ), đó là nhóm nghiên cứu Quang điện tử - Quang tử của GS. TS Phạm Thành Huy, nhóm Nghiên cứu phát triển và ứng dụng cảm biến nano của GS. TS Nguyễn Văn Hiếu, nhóm nghiên cứu Vật lý năng lượng cao và Vũ trụ học của PGS. TS Phùng Văn Đồng. GS. TS Phạm Thành Huy nhận xét: “Tôi nghĩ khi có cơ chế tốt thì sẽ có cơ hội tuyển được người tốt, kể cả cả nghiên cứu sinh và postdoc. Dĩ nhiên việc tuyển nghiên cứu sinh khó hơn nhưng việc tuyển postdoc sẽ thuận lợi hơn không còn có khó nữa do chúng ta đã có một lượng đáng kể các em học tiến sĩ ở nước ngoài đang mong muốn về nước công tác. Việc trải qua giai đoạn postdoc với học bổng tương đối cao sẽ đem lại cơ hội cho các em vừa làm quen với môi trường nghiên cứu trong nước, vừa kiểm tra xem mình có thể theo khoa học hay không hay chuyển hướng sang làm cho doanh nghiệp”. |