GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, trả lời phỏng vấn Khoa học và Phát triển về những điểm yếu trong công tác đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam và những việc mà cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý có thể làm để dần cải thiện tình hình.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tùng.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tùng.

NHỮNG YẾU TỐ HÀNG ĐẦU TRONG ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

Xin Giáo sư cho biết, những yếu tố nào quyết định chất lượng đào tạo tiến sĩ ở các cơ sở giáo dục đại học?

Một nghiên cứu khảo sát mà chúng tôi đã triển khai trên toàn quốc cho thấy, ngoài chương trình đào tạo, còn có 12 yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tiến sĩ, và được chia thành 6 nhóm, đó là: Chất lượng đầu vào và động lực của người học; Tiềm lực KH-CN của đơn vị và chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy và hướng dẫn NCS; Công tác tổ chức, quản lý đào tạo; Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và giảng dạy; Kinh phí và đầu tư của nhà trường cho hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của giảng viên và học bổng cho nghiên cứu sinh (NCS); và Hội nhập, hợp tác trong nước và quốc tế trong quá trình đào tạo.

Tuy nhiên, mức độ tác động của các yếu tố này có sự phân hóa giữa các khối ngành đào tạo. Chẳng hạn như Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu được cho là tác động rất lớn đối với khối ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học kỹ thuật – công nghệ, nhưng đối với Khoa học xã hội và nhân văn, Luật và Kinh tế thì yếu tố này tác động ở mức độ thấp hơn.

Từ phía người học, gần 500 NCS của hơn 40 trường đại học trong cả nước tham gia khảo sát đánh giá có 3/12 yếu tố tác động lớn nhất đến chất lượng đào tạo tiến sĩ: quan trọng hàng đầu là chất lượng đội ngũ nhà khoa học hướng dẫn NCS; thứ hai là động lực làm luận án; và thứ ba là có nhóm nghiên cứu (NNC) và môi trường học thuật. Ở khối ngành nào, các NCS cũng đều thống nhất xem 3 yếu tố này là quan trọng nhất.

Các thảo luận thời gian gần đây nói nhiều về việc hướng tới các chuẩn mực quốc tế như một cách để bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước. Vậy cụ thể các chuẩn mực đó là gì, thưa Giáo sư?

Với các nước phát triển, NCS được xem là lực lượng nghiên cứu KH-CN quan trọng của nhà trường. Họ thực hiện nghiên cứu toàn thời gian trong các nhóm nghiên cứu, trong các PTN/Bộ môn; NCS được cấp học bổng để đảm bảo cuộc sống (như một hình thức trả lương cho những nghiên cứu viên); và được nhà trường hoặc giáo sư hướng dẫn chi trả phí tham gia hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế cũng như phí xuất bản. NCS còn được tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí để triển khai các thí nghiệm, thực nghiệm. Chính vì vậy, hầu hết các NCS ở nước ngoài, trong tất cả các lĩnh vực, khi bảo vệ luận án đều có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí ISI/Scopus.

Hiện nay, chỉ có một số trường đại học định hướng nghiên cứu và một số NNC mạnh ở Việt Nam mới hội tụ được một vài trong số các điều kiện đào tạo tiến sĩ đó.

Trong các chuẩn mực được nêu ra ở trên, theo Giáo sư, chúng ta đang yếu nhất ở điểm nào?

Kinh phí chi cho đào tạo NCS ở các nước phát triển đủ lớn để trang trải cho NCS thực hiện nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra. Các giáo sư ở các nước phát triển có đề tài, dự án, có nguồn kinh phí mới nhận NCS. Trong khi kinh phí cho đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam vô cùng ít ỏi. Ở các trường công lập, kinh phí đảm bảo cho hoạt động của 1 NCS trung bình chỉ khoảng 30 triệu/năm (trong đó, kinh phí Nhà nước đầu tư khoảng 10 triệu/NCS/năm và học phí NCS phải đóng khoảng 20 triệu/năm).

Trừ các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, các đề tài luận án tiến sĩ của các nước phát triển trong các lĩnh vực khác đều rất thiết thực, gắn với việc giải quyết yêu cầu trong hiện tại hoặc tương lai của các doanh nghiệp, địa phương.

Đó là những điểm khác biệt quan trọng trong đào tạo NCS của Việt Nam so với thế giới và theo tôi cũng là những “điểm yếu” trong đào tạo NCS của chúng ta hiện nay.

Hội nhập quốc tế theo chuẩn mực của các nước phát triển đương nhiên là mục tiêu và là điều mà chúng ta phải đạt tới. Tuy nhiên, từ xuất phát điểm như hiện nay thì việc này phải được tiến hành từng bước và có lộ trình phù hợp thì mới khả thi.

NHỮNG CHÍNH SÁCH TỐT ĐÃ ĐƯỢC THỰC TẾ KIỂM NGHIỆM

Vậy trong bối cảnh như hiện nay, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ của các trường đại học nên chú trọng những vấn đề gì, thưa Giáo sư?

Đào tạo tiến sĩ là bậc học cao nhất (bậc 8) trong khung trình độ quốc gia, và do đó là đào tạo nhân lực chất lượng cao. Tiến sĩ phải có khả năng NCKH độc lập, sáng tạo ra cái mới, giải quyết các vấn đề mới. Đồng thời, tiến sĩ phải có khả năng đào tạo người khác, là nòng cốt trong NNC và có khả năng tổ chức và dẫn dắt NNC. Vì vậy, mục tiêu đào tạo tiến sĩ phải đặt trọng tâm vào nâng cao năng lực NCKH, năng lực sáng tạo, và năng lực tổ chức NCKH cũng như đào tạo của NCS.

Để giúp cho NCS có những kỹ năng này, bên cạnh các chuẩn đầu ra về công bố và NCKH, theo tôi, việc tham gia hỗ trợ đào tạo trong trường đại học cần trở thành một hoạt động bắt buộc đối với NCS. Họ có thể trợ giảng bậc đại học, thạc sĩ; hướng dẫn sinh viên, học viên cao học thực hành, thực tập; hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp đại học cho sinh viên; hoặc tham gia giảng dạy, trợ giảng các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn. Ở nước ngoài, việc tham gia trợ giảng không đưa thành quy định bắt buộc đối với NCS, tuy nhiên rất nhiều NCS đều được tham gia trợ giảng cho giáo sư hướng dẫn và được giáo sư trả lương. Thông qua hoạt động trợ giảng, NCS được củng cố kiến thức và kỹ năng sư phạm, kỹ năng trình bày và góp phần phát hiện, bồi dưỡng các sinh viên tài năng tham gia NNC.

Một điểm rất quan trọng cần đổi mới trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam trong thời gian tới là lựa chọn các đề tài luận án cho NCS. Theo tôi, đề tài luận án của NCS phải bám sát những vấn đề khoa học mới, nóng hổi của ngành/chuyên ngành, bắt nhịp được với hơi thở của các đồng nghiệp trên thế giới, đồng thời phải có định hướng ứng dụng triển khai vào thực tiễn, góp phần giải quyết những yêu cầu thiết thực của địa phương, doanh nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Trong khi kinh phí của Nhà nước còn hạn hẹp, thì tự chủ đại học chính là giải pháp mà Nhà nước “cởi trói” cho các trường đại học, nhất là các trường công lập. Đây là điểm tiến bộ quan trọng nhất của Luật Giáo dục đại học sửa đổi vừa qua, cho phép các trường tự chủ hạch toán thu-chi; chủ động đưa ra các quyết sách nhanh chóng và kịp thời để thu hút và đa dạng hóa các nguồn lực; đầu tư đúng, trúng, nhanh chóng, trọng điểm cho các NCS, nhóm nghiên cứu và người hướng dẫn nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Nói tóm lại, nếu không tự chủ, các trường đại học, nhất là các trường công lập, rất khó có nguồn lực để thu hút NCS và người tài, hệ quả là sẽ bị thua thiệt và dần tụt hậu trong quá trình cạnh tranh, phát triển.

Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành sửa đổi Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ theo hướng gắn với nghiên cứu khoa học và nhóm nghiên cứu. Cá nhân Giáo sư có góp ý gì cho lần sửa đổi, bổ sung này không?

Quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2017 có nhiều điểm đổi mới rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ như nâng cao tiêu chuẩn đầu vào, tiêu chuẩn cán bộ hướng dẫn, tiêu chuẩn các phản biện trong hội đồng đánh giá luận án, chuẩn đầu ra; và rút ngắn thời gian đào tạo, đơn giản hóa các thủ tục bảo vệ luận án.

Bên cạnh những tích cực kể trên, cũng còn một số bất cập, hạn chế cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Do yêu cầu cao về đầu vào và đặc biệt Quy chế hiện hành yêu cầu ngoại ngữ phải là chứng chỉ quốc tế, nên số lượng ứng viên đăng ký dự tuyển đào tạo tiến sĩ giảm mạnh, không chỉ ở Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) mà ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước, đặc biệt là các NCS khối Khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Rất nhiều em sinh viên giỏi chưa chuẩn bị kịp về ngoại ngữ và vì vậy, Quy chế chưa khuyến khích được sinh viên giỏi ở lại trường làm chuyển tiếp NCS.

Mặt khác yêu cầu hoặc phải có văn bằng 2 ngoại ngữ cũng tạo ra những kẽ hở. Do không thể có được chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, một số người học tìm đến với văn bằng 2 ngoại ngữ như vụ việc đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh ở Trường ĐH Đông Đô trong thời gian vừa qua.

Trong khi đó, yêu cầu chuẩn đầu ra còn thấp. Việc yêu cầu chuẩn đầu ra của NCS tối thiểu chỉ cần có bài đăng trên Hội thảo quốc tế - bên cạnh những mặt tích cực, lại xuất hiện hiện tượng tiêu cực, “lách luật”: thời gian qua rất nhiều hội thảo quốc tế được tổ chức ở Việt Nam, và không phải không có những hội thảo/bài báo đăng kỷ yếu hội thảo quốc tế nhưng chất lượng chưa cao. Việc quy định tối thiểu phải có kết quả nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế (có thể chưa nhất thiết là bài báo ISI/Scopus), chứ không dừng lại ở bài trên Kỷ yếu hội thảo quốc tế, có lẽ cần phải trở thành quy định bắt buộc với tất cả NCS trong quy chế sửa đổi lần này.

Còn một bất cập nữa không thể không nhắc đến, đó là Quy chế chưa khuyến khích được giảng viên và NCS tích cực tham gia NCKH, có nhiều công bố khoa học xuất sắc. Hiện nay chỉ có Quy chế của 2 ĐH Quốc gia và Viện Toán học đã có quy định cụ thể nếu NCS là tác giả chính của các công bố quốc tế xuất sắc thì được đặc cách bỏ qua quy trình phản biện kín. Đây là chính sách tốt, tạo động lực rất lớn thúc đẩy công bố quốc tế, đã được kiểm nghiệm từ thực tiễn và do vậy cần được nghiên cứu để bổ sung trong Quy chế sửa đổi lần này.

Là một trong những đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, liên tiếp vào danh sách 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới và 300 trường đại học tốt nhất châu Á của Times Higher Education, chắc hẳn ĐHQGHN phải có những chính sách đào tạo tiến sĩ đáng để tham khảo. Giáo sư có thể giới thiệu cụ thể về những chính sách này?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trong một buổi làm việc với nhóm nghiên cứu về Vật liệu - Kết cấu tiên tiến và Kỹ thuật hạ tầng. Ảnh: Ngọc Tùng.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trong một buổi làm việc với nhóm nghiên cứu về Vật liệu - Kết cấu tiên tiến và Kỹ thuật hạ tầng. Ảnh: Ngọc Tùng.

Theo quy định tại Luật Giáo dục đại học, 2 Đại học Quốc gia được tự chủ cao trong đào tạo và NCKH. ĐHQGHN được ban hành Quy chế đào tạo riêng (có thể đặt ra những yêu cầu cao hơn, miễn là về nguyên tắc không trái với Quy chế của Bộ) và đây chính là cơ hội để Trường triển khai thực hiện một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Cụ thể, ĐHQGHN đã đưa ra yêu cầu khắt khe về điều kiện dự tuyển: người dự tuyển đào tạo tiến sĩ bắt buộc phải có nền tảng kiến thức của chuyên ngành đăng ký dự tuyển (đại học chính quy ngành đúng hoặc thạc sĩ chuyên ngành đúng/phù hợp/gần). Trường cũng quy định chỉ chấp nhận những ứng viên NCS đã có công bố khoa học trong danh mục tạp chí/kỷ yếu hội thảo khoa học có phản biện được Hội đồng Chức danh Giáo sư, Phó giáo sư của ngành/liên ngành công nhận. Đối với những người đã có bằng thạc sĩ nhưng luận văn thạc sĩ dưới 10 tín chỉ thì số công bố của ứng viên NCS phải nhiều hơn, tối thiểu phải có 2 bài báo hoặc bài báo khoa học đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo tiến sĩ của ĐHQGHN được xây dựng trên cơ sở tiếp cận chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trong top 500 thế giới. Quy chế hiện hành của Trường cũng cho phép NCS có thể học một số học phần khác thay thế cho các học phần của chương trình đào tạo hoặc học bổ sung một số học phần ngoài chương trình đào tạo phục vụ trực tiếp cho việc làm luận án của mình. Tham gia công tác trợ giảng và hỗ trợ đào tạo là yêu cầu bắt buộc với NCS.

Bên cạnh những quy định chặt chẽ để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, ĐHQGHN có chính sách khuyến khích đối với NCS có thành tích NCKH đặc biệt xuất sắc. Như đã đề cập ở trên, các NCS là tác giả chính của tối thiểu 3 bài báo trên các tạp chí ISI với tổng chỉ số IF từ 3.0 trở lên và kết quả công bố phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án, được đặc cách bỏ qua quy trình phản biện độc lập, thực hiện thẳng quy trình thành lập Hội đồng đánh giá luận án cấp ĐHQGHN.

ĐHQGHN cũng đặt ra yêu cầu cao đối với cán bộ hướng dẫn NCS. Hướng dẫn chính NCS phải là GS, PGS. Nếu là TS, để được hướng dẫn độc lập hoặc hướng dẫn chính NCS, phải là tác giả chính của 1 công bố ISI/năm liên tục trong 3 năm gần nhất. Quy chế của Trường đồng thời khuyến khích cán bộ hướng dẫn có năng lực nghiên cứu xuất sắc (là tác giả chính của từ 3 công bố ISI/năm trở lên, liên tục trong 3 năm gần nhất) hoặc có đề tài lớn đủ cấp học bổng hỗ trợ cho NCS thì được phép tăng số lượng NCS hướng dẫn.

Ngoài các quy định trong Quy chế đào tạo tiến sĩ, ĐHQGHN còn ban hành Quy định hỗ trợ học bổng đối với NCS nhằm thu hút những thí sinh có năng lực học tập, nghiên cứu xuất sắc. Học bổng được cấp lần đầu cho những NCS có năng lực học tập tốt và có thành tích tốt trong NCKH và được cấp ngay từ khi thí sinh trúng tuyển nhập học. Những NCS vẫn duy trì được thành tích tốt trong học tập và NCKH sẽ được cấp học bổng duy trì sau 2 năm học. Từ năm 2018 đến nay, ĐHQGHN dành 1 tỷ/năm để cấp học bổng cho NCS, chưa kể học bổng đối ứng của các đơn vị đào tạo thành viên và trực thuộc.

Như vậy có thể thấy, Quy chế đào tạo tiến sĩ của ĐHQGHN có rất nhiều điểm tiến bộ, tiếp cận những thông lệ của các đại học tiên tiến của quốc tế, và quá trình triển khai mấy năm qua cũng cho thấy rất thực tế, khả thi và hiệu quả.

Quy chế của ĐHQGHN lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu, trao quyền tự quyết cao cho cán bộ hướng dẫn và tự chủ cao cho các cơ sở đào tạo thành viên; kết quả là động viên, khuyến khích được các cán bộ và NCS tích cực tham gia NCKH, công bố quốc tế.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư.

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ hướng dẫn NCS tại một hội thảo mới đây, có 3 yếu tố quan trọng nhất để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, đó là: Hình thức đào tạo NCS phải chính quy, toàn thời gian tại cơ sở đào tạo; phải xem NCS là lực lượng nghiên cứu KH-CN trong cơ sở giáo dục đại học và vì vậy cần có học bổng, nguồn ngân sách hỗ trợ cho họ đủ trang trải cuộc sống, yên tâm trong thời gian làm luận án; NCS phải thực hiện luận án trong môi trường các nhóm nghiên cứu.