Vài năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển trên nhiều phương diện, cả số lượng và chất lượng cấu phần hệ sinh thái. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một số nền móng cơ bản đầu tiên. những thách thức vẫn đang đặt ra trên chặng đường phía trước.
Hỗ trợ nền tảng và bài bản
Với một xuất phát điểm là nền tảng tài chính để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không mấy dồi dào1 nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam đã được đánh giá là đã có sự thay đổi rõ rệt. Trong báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia (Austrade) công bố, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Sau 5 năm, từ 400 startup vào năm 2012 đến năm 2017 đã có tới 3.000 startup. Các không gian làm việc chung vườn ươm khởi nghiệp và các khóa tăng tốc khởi nghiệp cùng các chương trình hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp cũng bùng nổ từ 2016.
Không chỉ có những thay đổi khu trú trong nội địa, trong hai năm 2018-2019, cộng đồng startup đã liên tục chứng kiến những startup Việt, tuy mới thành lập chưa bao lâu nhưng đã chiến thắng ở các cuộc thi uy tín trên thế giới. Abivin nhận giải cao nhất cuộc thi Chung kết giải thưởng Khởi nghiệp toàn cầu (Startup World Cup) 2019; Medlink, đạt giải cao nhất tại cuộc thi Techsauce Global Pitch Competition 2019; sáu startup cùng tới Mỹ, Hàn Quốc, Singapore vào năm 2019 để gặp gỡ, trao đổi tiếp xúc với các nhà đầu tư được xem là sự kiện đầu tiên vươn mình ra thế giới của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên sự thay đổi rõ rệt bức tranh khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam chính là Đề án 844 với những chính sách tạo ra được nền tảng liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp và xây dựng hệ thống các quy định pháp lý, quy trình để thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đề án 844 là ‘bà đỡ thầm lặng’, tạo ra kết nối với các bộ Ngành xây dựng hành lang pháp lý cho sự ra đời của cơ sở ươm tạo, chương trình thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp dịch vụ cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Tính đến năm 2019, cả nước đã có 48 cơ sở ươm tạo, 23 chương trình thúc đẩy kinh doanh được triển khai, tăng thêm 13 chương trình so với năm 2017, cả nước có 184 cơ sở làm việc chung, tăng gấp hơn 2,5 lần so với năm 2018” – ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ chia sẻ.
Trong vòng 4 năm, Đề án 844 đã triển khai đào tạo hơn 635 cố vấn/huấn luyện viện về khởi nghiệp sáng tạo, trong đó khoảng 50% số lượng được đào tạo trong năm 2019. Năm 2019, 844 hỗ trợ cho 8 trường đại học, cao đẳng tham gia thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến triển khai mô hình hỗ trợ khởi nghiệp như ĐH Huế, Hồng Đức, Quốc gia Hà Nội… Môn học khởi nghiệp sáng tạo cũng được Đề án 844 phối hợp cùng Đề án 1665 – Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa trong các trường đại học và cao đẳng.
Đề án 844 đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp không chỉ ở các thành phố lớn mà lan về địa phương. Điển hình là năm 2019 đã có thêm 6 tỉnh, thành phố (Bình Định, Cần Thơ, Đà Nẵng…) ban hành đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (KNST), tăng cơ sở ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp công nghệ,…
Pháp lý cho thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp
Tuy vậy, theo các thành viên điều hành Đề án 844 tham dự Hội nghị tổng kết tình hình triển khai hoạt động năm 2019 và thảo luận phương án hoạt động tổng thể cùng các nhiệm vụ cho năm 2020 vào ngày 9/6, những gì mà đề án 844 làm được trong thời gian qua vẫn chỉ là những nền móng cơ bản nhất, tạo “mồi” cho sự phát triển của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Để hệ sinh thái khởi nghiệp có thể phát triển nhanh hơn, rất cần sự tham gia nhiều hơn của nhiều nguồn lực khác từ xã hội như nhà đầu tư thiên thần, do các quỹ đầu tư mạo hiểm, do các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của những tập đoàn và doanh nghiệp.
Tuy vậy, với các quy định hiện hành, việc thành lập được các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp – dù đối với các đơn vị có vốn nhà nước hay cả khối tư nhân - là điều không dễ dàng. Ở đơn vị công lập như Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư Thường trực cho biết, đơn vị này được Hội doanh nhân trẻ đồng ý góp vốn nhưng vẫn chưa thành lập được vì ‘gặp khó do cơ chế chưa rõ ràng’. Điều chưa rõ ràng ở đây chính là, dù đã có nghị định 38 trong đó có quy định “sử dụng ngân sách địa phương đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo”. Tuy vậy, đặc điểm của khởi nghiệp là phần lớn các dự án gặp thất bại nhưng quy định tài chính hiện hành lại yêu cầu phải bảo toàn vốn. Chính vì điều này mà dù có tiền, Trung ương Đoàn Thanh niên vẫn không thể đầu tư được cho các ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng.
“Chúng ta tìm mọi cách từ đào tạo đến xây dựng cơ chế chính sách để startup ra đời. Nhưng ở giai đoạn mấu chốt startup cần tiền để phát triển thì lại tắc” – ông Tuấn bình luận và cho rằng đây là điều cần giải quyết trong năm 2020.
Để có được một “hệ sinh thái” khỏe mạnh, ngoài việc cụ thể hóa các quy định về thành lập quỹ đầu tư dành cho khởi nghiệp sáng tạo, các cử tọa tham gia Hội thảo cũng cho rằng năm 2020 Đề án 844 cần tập trung xây dựng và vận hành thành công Cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia (http://startup.gov.vn/). Bởi “đây là bộ mặt của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam” – ông Mai Duy Quang nhấn mạnh. Dù đã đi vào hoạt động được vài năm nay, nhưng theo ông Quang, đơn vị vận hành cũ chưa biến Cổng thông tin khởi nghiệp trở thành trung tâm dữ liệu về khởi nghiệp của Việt Nam. Nguyên nhân là do đơn vị này không có đủ kinh nghiệm cũng như mối quan hệ trong lĩnh vực khởi nghiệp để vận hành thành công.
“Đề án 844 có thể đứng ra kêu gọi các startup tự nhập thông tin lên hệ thống, tạo ra sự kết nối với các cổng thông tin khởi nghiệp của các bộ, ngành địa phương và “nhờ” các KOLs trong ngành hỗ trợ truyền thông để tạo ra sự lan tỏa. Có thông tin rồi, nếu nhà đầu tư hỏi, chúng tôi chỉ cần gửi một đường link là được, đọc thông tin thấy phù hợp nhà đầu tư sẽ tự kết nối” – ông Quang góp ý.
Lắng nghe ý kiến của các đơn vị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng năm 2020, Đề án 844 cần tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm kết nối sâu và rộng. Cụ thể, về vấn đề thành lập quỹ hỗ trợ, Đề án 844 nói riêng và Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có cách thức hoạt động, văn bản hướng dẫn để quỹ ra đời được, tạo động lực hỗ trợ cho khởi nghiệp.
Nhiệm vụ quan trọng khác của Đề án 844 trong năm 2020 là phải làm sao để cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia trở thành nơi kết nối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung ương Đoàn….. và tạo ra cơ sở dữ liệu của toàn quốc, để nhà đầu tư quốc tế vào sẽ hiểu được khởi nghiệp Việt Nam.
“Hệ sinh thái khởi nghiệp của đất nước này muốn mạnh không phải riêng Đề án 844 làm một mình, Đề án 1665 làm một mình hay mạnh địa phương nào thì địa phương đó làm, chúng ta cần kết nối, đi cùng và bổ trợ cho nhau” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Chú thích:
(1) Theo báo cáo chỉ số khởi nghiệp của Global Entrepreneurship Monitor (GEM) chỉ ra, thì chỉ số là tài chính cho kinh doanh của Việt Nam chỉ xếp thứ 39/54 nước được khảo sát.