Dù đã xác định chủ động sống chung với dịch khi không thể tiếp tục theo đuổi mục tiêu zero COVID nhưng theo các nhà dịch tễ học, Việt Nam cần có những bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Cuộc sống đang dần trở lại bình thường mới ở TP.HCM. Nguồn: PLO

Chưa thể chủ quan

Khác với nhiều nước thực thi chính sách thả lỏng và rồi trải qua một thời gian dài giãn cách, Việt Nam cùng với New Zealand, Úc, Trung Quốc vẫn theo đuổi con đường ZeroCOVID để duy trì hoạt động kinh tế ở vùng không có dịch. Cho đến gần đây, Việt Nam, Úc bắt đầu có sự thay đổi dần dần “sống chung” khi tỉ lệ tiêm vaccine bắt đầu nhích lên, NewZealand vẫn theo đuổi endCOVID đến khi dân số từ 12 tuổi tiêm chủng đủ 90%, Trung Quốc vẫn kiên định với con đường riêng bằng cách ly truy vết tỉ mỉ, bật các ứng dụng theo dõi, phong tỏa chặt chẽ ở những khu vực phát hiện thấy virus và thường xuyên xét nghiệm hàng loạt. Ở Việt Nam, có những vùng dịch đã ngấm rất sâu vào cộng đồng như ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai “xét nghiệm nhiều ra nhiều, xét nghiệm ít ra ít” hoặc là các vùng giáp ranh có nguy cơ cao nhưng ngược lại hầu hết các tỉnh phía Bắc vẫn không có dịch.

Bước chuyển sẽ diễn ra như thế nào để chúng ta đủ thời gian chuẩn bị cả về bao phủ vaccine để tránh tử vong và tăng nặng khi dịch lây lan cũng như hạ tầng y tế cơ sở để điều trị? Bởi nếu không chuẩn bị thì “mở” vội vã đồng nghĩa với việc số người bị lây nhiễm sẽ tăng lên nhanh chóng vượt quá khả năng ngưỡng chịu đựng của ngành y tế và rồi sẽ lại phải đóng để bảo vệ sức khỏe người dân. Các nhà dịch tễ học rất thận trọng trước tính huống này vì trong đại dịch COVID, trường hợp “không triệu chứng quá nhiều”, không làm “chết ngay hoặc có triệu chứng như SARS ngày trước, có ca nào là quây lại điều trị được ngay”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trao đổi tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ KH&CN và các bộ, ngành, các nhà quan khoa học vào ngày 18/10 vừa qua.

Theo quan điểm của ông, trong bối cảnh tỉ lệ bao phủ tiêm chủng vẫn còn khác nhau giữa các tỉnh thành, chúng ta phải chấp nhận một thời gian “chuyển tiếp” này vì số ca nhiễm đang bắt đầu tăng nhanh, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tây Nguyên, sau đó tới Nam Trung Bộ. Vì thế, mặc dù đã có Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thì “ứng xử cũng phải khác nhau” - giữa những nơi đã có tỉ lệ tiêm chủng cao như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội với các khu vực có tỉ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt là người già và có bệnh nền chưa được tiêm.

Cùng có nhìn nhận này, trong “Nhật ký bình thường mới” cập nhật tình hình COVID mỗi vài ngày trên website 5F của mình, TS. Nguyễn Thu Anh đánh giá “số ca tử vong do COVID tại các tỉnh có dịch bùng phát trong tháng 8-9/2021 vẫn tiếp tục giảm, [điều này] cho thấy việc nới lỏng các hoạt động phòng chống dịch có thể thực hiện một cách tự tin hơn”. Nhưng ngược lại, chị cũng nhận định, mặc dù tổng số ca nhiễm và tử vong trên toàn quốc giảm, nhưng nếu nhìn chi tiết số liệu các tỉnh, nhất là khu vực ĐBSCL thì số ca nhiễm tăng đột biến trong một khoảng thời gian rất ngắn. Đặc biệt là Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Tây Ninh là những tỉnh rất đáng quan tâm với số ca tăng nhanh. Tại vùng Trung Bộ, số ca ở Thanh Hóa và Nghệ An cũng tiếp tục tăng. Mặc dù tốc độ tiêm vaccine đang tăng nhanh nhưng chị cũng không rõ có đuổi kịp tốc độ lây của virus không.

Chính sự khác biệt này giữa các địa phương cũng sẽ khiến các chiến lược cách ly, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm ở từng địa phương cũng khác nhau, theo PGS.TS Trần Đắc Phu. Về ngăn chặn, chúng ta đang chuyển tư duy từ chỗ lo chặn ca bệnh nhập cảnh từ nước ngoài sang kiểm soát lây nhiễm ở trong nước. Vì thế, theo ông, chúng ta cần cân nhắc xem nhóm nước nào có tỉ lệ tiêm vaccine cao, nhóm nào mắc nhiều mà chưa tiêm vaccine thì ta có ứng xử khác nhau để ta làm ăn kinh tế. Công dân từ nước khác đã tiêm vaccine có thể đến những nơi có tỉ lệ bao phủ vaccine tốt như Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc. Còn trong nước, có thể di chuyển giữa Hà Nội, TP.HCM và Phú Quốc nhưng PGS.TS Trần Đắc Phu vẫn lưu ý là đi đến vùng tiêm chủng thấp thì vẫn mang nguy cơ rất cao vì tiêm chủng chỉ giảm nhập viện, giảm tử vong chứ không làm giảm nguy cơ lây nhiễm.
Biểu đồ của nhóm 5F.

Do đó, ông khuyến cáo, trừ những vùng như TP.HCM và khu vực lân cận thì không cần truy vết nữa, còn lại ở những vùng ít ca bệnh thì vẫn không thể từ bỏ việc xét nghiệm để phát hiện. Nhưng mặt khác chúng ta cũng phải có sách lược của “con nhà nghèo”, đó là không thể xét nghiệm tràn lan mà phải xét nghiệm theo dấu hiệu dịch tễ và theo nguy cơ. Ông lấy ví dụ, khi phát hiện ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội thì phải xét nghiệm luôn khu vực Trung Hòa - Nhân Chính ngay gần đó và thấy không có nguy cơ nữa thì chỉ phong tỏa hai ngõ, sau đó kết quả cho thấy khoanh vùng đúng, hai ngõ này nhiễm rất nặng, 500/ 2000 dân. Tới đây, vẫn cần xét nghiệm dựa trên dấu hiệu dịch tễ, điều tra nguy cơ, và những nhóm có nguy cơ cao như những người ho sốt, lái xe. Nếu không xét nghiệm thì chỉ như tảng băng chìm và không ai nắm được để ứng phó kịp lúc.

TS. Nguyễn Thu Anh nhận định rằng, “quá trình chuyển tiếp này không kéo dài quá lâu, vì Việt Nam có ưu thế là tiêm vaccine nhanh, miễn dịch cho toàn cộng đồng sẽ đạt mức cao trong một thời gian ngắn, có thể tự tin mở cửa sau 1-2 tháng nữa nếu kịp tiêm cho hầu hết người lớn”. Khi đó, đối với từng cá nhân những người đã tiêm đủ vaccine (14 ngày sau khi tiêm liều 2 với các loại vaccine trừ J&J, liều 1 với J&J) có thể đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng, phải xét nghiệm COVID khi có triệu chứng nghi mắc hoặc 5-7 ngày sau khi tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi mắc COVID. Lúc này chính sách cách ly cũng sẽ thay đổi, các F1 không cần cách ly nhưng phải giữ khoảng cách và đeo khẩu trang y tế, hoặc đeo khẩu trang N95 trong 14 ngày hoặc cho tới khi có kết quả xét nghiệm âm tính ở ngày thứ 5-7, còn các F0 cách ly 10 ngày kể từ khi xét nghiệm dương tính hoặc có triệu chứng nghi mắc COVID, xét nghiệm COVID nếu chưa được xét nghiệm và theo dõi sức khỏe, thực hiện điều trị F0 tại nhà hoặc tại cơ sở y tế (dành cho người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong).

Tất nhiên, với ngành y tế thì bình thường mới không phải đã hết việc. Sau khi đã phủ đủ vaccine để tự tin bình thường mới, dỡ bỏ nhiều lệnh hạn chế di chuyển và tụ tập thì chúng ta vẫn phải bước sang một giai đoạn mới “gấp rút tìm vaccine đủ mũi 3, làm tiếp việc tiêm cho toàn dân thật nhanh chóng”. “Từ khóa ở đây là tất cả tiêm cùng một lúc và thật nhanh”, TS. Nguyễn Thu Anh nói. Mặt khác, diễn biến dịch trên thế giới vẫn khó lường, chúng ta vẫn chưa biết hết hành xử của con virus này, nên TS. Nguyễn Thu Anh vẫn đang theo dõi sát sao tình hình các nước đã có tỉ lệ tiêm chủng cao khác để biết các chính sách ở các nước này có thay đổi ra sao, tỉ lệ người tử vong và tăng nặng có đột biến gì không.

Về lâu dài, để tiếp tục ứng phó với dịch bệnh này và các dịch bệnh mới nổi khác, theo TS Nguyễn Thu Anh, cần tập trung đầu tư:
Nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo và ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh; đặc biệt là hệ thống thông tin hiện đại, thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực để giúp ra quyết định khẩn cấp cũng như mạng lưới chuyên gia đa ngành có thể huy động và phối hợp nhanh chóng
Đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cho y tế cơ sở (xã phường, quận huyện).
Nghiên cứu phát triển, sản xuất vaccine, sinh phẩm xét nghiệm và thuốc nội địa. Trong đó ưu tiên nhận chuyển giao công nghệ mới, có cơ hội phát triển lâu dài và cho nhiều loại bệnh tật.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ sản xuất, làm việc từ xa.
Giãn dân: tái cấu trúc/thiết kế đô thị, không chỉ tập trung dày đặc mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông vào hai siêu đô thị.
Thiết lập các chương trình sức khỏe thúc đẩy tập thể dục, ăn uống dinh dưỡng, quản lý các bệnh mạn tính và giảm các hoạt động tụ tập đông người.

Sau giai đoạn "chuyển tiếp" trong vòng 1-2 tháng nữa, người đã tiêm đủ hai mũi có thể di chuyển nội địa mà không cần xét nghiệm hoặc cách ly, có thể tham gia hầu hết các hoạt động công cộng.

Với người chưa tiêm vaccine thì cần thực hiện 5K để tự bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân. Bị hạn chế tham gia một số hoạt động hoặc tham gia một số hoạt động có điều kiện.

Còn đối với các hoạt động chung ở các khu dân cư, sẽ có một số loại hình hoạt động, địa điểm không yêu cầu chứng nhận vaccine của người tham gia, gồm: Nơi công cộng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan, công sở, dịch vụ, du lịch, trường học, sự kiện ngoài trời, chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, vận tải hàng hóa nội/ngoại tỉnh, vận tải hành khách nội địa (nếu tất cả các tỉnh thành đã đạt độ bao phủ vaccine từ 90% trở lên).

Còn một các loại hình, địa điểm hoạt động đủ công suất nếu tất cả người tham gia đều đã tiêm vaccine gồm: liên hoan, đám cưới, đám ma, hoạt động tôn giáo trong nhà, cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp…, bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Các hoạt động này đều giới hạn dưới 100 người và giữ khoảng cách 1 mét nếu không kiểm tra chứng nhận tiêm vaccine.

Người cao tuổi, người mắc bệnh nền (đặc biệt là người béo phì, mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, suy giảm miễn dịch) dù đã tiêm vaccine hay chưa thì vẫn phải hạn chế tụ tập nơi đông người, đặc biệt là trong phòng kín.

TS. Nguyễn Thu Anh