Quan liêu và thủ tục hành chính kìm hãm khoa học
Nhà miễn dịch học Susana Fiorentino phụ trách nhóm nghiên cứu Sinh học tế bào và miễn dịch học tại trường Đại học Pontifical Xavierian ở Bogotá – thủ đô của Colombia đang nghiên cứu những chất được chiết xuất từ cây anamú Nam Mỹ (Petiveria alliacea) và các cây họ Đậu divi-divi, những cây mà chị nghĩ có thể dùng để điều trị bệnh ung thư vú và máu trắng nhờ những đặc tính kháng u của chúng.
Nhưng trong khi đang cố gắng thực hiện pha điều trị thứ nhất với một chất chiết xuất từ cây divi-divi (Caesalpinia spinosa), chị gặp phải một trở ngại bất ngờ. Theo cơ quan An toàn dược Colombia (INVIMA), một phân tử từ chất chiết xuất này phải được mô tả về mặt hóa học trước khi cây thuốc được sử dụng cho một ca thử nghiệm lâm sàng. Không có một phòng thí nghiệm Colombia nào làm được công việc này, vì vậy chị phải tìm đến các đối tác ở Mỹ và Trung Quốc để thực hiện công việc này để gửi mẫu. Tuy nhiên, yêu cầu tái nhập khẩu phân tử dịch chiết với đầy đủ tính năng lại có những yêu cầu không rõ ràng , Fiorentino cho biết.
Chỉ có một cách để có được những loại thuốc tiềm năng được luật pháp Colombia công nhận là nó phải được tách chiết, mô tả đặc điểm, tổng hợp và sản xuất trong nước, trong một phòng thí nghiệm đầy đủ trang thiết bị (mà đến giờ vẫn chưa được thiết lập). Fiorentino đã phải quay trở lại với cây anamú và chị lập một phân tử khác làm chất định danh. Cuối cùng chị cũng tìm thấy một phòng thí nghiệm tương đối thích hợp ở trường Đại học Antioquia (Colombia) có thể mô tả đặc điểm hóa học của nó, thay vì tìm đối tác ở nước ngoài.
Trải nhiệm về sự quan liêu trong khoa học của Fiorentino Colombia là câu chuyện chung của tất cả các nhà nghiên cứu ở một quốc gia mới vươn dậy sau gần một nửa thế kỷ nội chiến.
Colombia, quốc gia Nam Mỹ duy nhất giáp biển Caribe và Đại Tây dương, là một bức tranh ghép của các hệ sinh thái, bao gồm các rặng núi, các cánh rừng nhiệt đới bí ẩn, những bờ biển khúc khuỷu và những thảo nguyên rộng lớn. Nó được ghi nhận là quốc gia đa dạng sinh thái lớn thứ hai thế giới, sau Brazil và nhờ có “phòng thí nghiệm thiên nhiên” này, đất nước của 49 triệu dân có hàng chục trường đại học và viện nghiên cứu nỗ lực làm việc để phát triển khoa học đất nước, trải rộng từ Trung tâm nghiên cứu quốc tế về nông nghiệp nhiệt đới ở Thung lũng Cauca đến các phòng thí nghiệm khoa học tự nhiên tại các trường đại học lớn nhất Bogotá (thành phố này có hơn 100 viện nghiên cứu thuộc các trường đại học, cao đẳng).
Sinh viên và các nhà khoa học tuần hành ở Bogotá, Colombia để yêu cầu chính phủ gia tăng kinh phí đầu tư cho giáo dục đại học. Nguồn: Lokman Ilhan/Anadolu Agency/Getty
Vấn đề chính đang được các nhà khoa học Colombia quan tâm là liệu khoa học sẽ tìm thấy sự ủng hộ từ nền kinh tế hậu chiến của đất nước? Bởi nhiều năm, họ đã bi quan bởi ngân quỹ đầu tư cho khoa học ít ỏi, các nguồn lực nghèo nàn và tiến trình làm khoa học bị cản trở, Andrew Crawford – nhà sinh học Mỹ từng có 9 năm làm việc tại trường Đại học Los Andes (Bogotá) đã nếm trải những thách thức trong nghiên cứu khoa học ở Colombia.
Ví dụ, việc đặt và nhận một hóa chất có thể được hoàn thành trong vòng một ngày ở Mỹ hoặc châu Âu nhưng lại phải mất tới 3 tháng ở Colombia. Với các kháng thể đơn dòng thì việc hàng tuần lưu lại trong kho hải quan mà không được làm lạnh sẽ làm chúng trở nên vô dụng khi đến được phòng thí nghiệm. “Nếu không cải thiện những vấn đề quản lý hành chính này, khoa học Colombia sẽ không bao giờ có thể cạnh tranh nổi về với các quốc gia khác”, Fiorentino nhấn mạnh.
Nhiều trong số các vấn đề hiện hữu mà các nhà nghiên cứu chỉ ra đều bắt rễ từ sự đầu tư quá ít ỏi của chính phủ cho khoa học. Hiện Colombia mới đầu tư 0,67% GDP cho khoa học, thật không thể so sánh với con số 2,8% của Mỹ.
Do vậy, năm 2017, 13 nhà khoa học đoạt giải Nobel trên khắp thế giới đã viết thư cho Juan Manuel Santos – lúc đó còn là Tổng thống, thúc đẩy ông tăng thêm đầu tư của chính phủ vào khoa học.
Chảy máu chất xám
Catalina Pimiento là một trong những nhà khoa học Colombia ra đi và không muốn trở lại đất nước. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Pontifical Xavierian ngành sinh học, đầu tiên cô chuyển tới Mexico, sau là Panama, Mỹ, Thụy Sĩ, Đức và giờ là Xứ Wales, nơi cô có học bổng postdoc ở trường Swansea, tìm hiểu về sự tuyệt chủng của một trong số loài cá mập khổng lồ Carcharocles megalodon. Dù việc xa cách quê hương có làm cô đau khổ nhưng cô cũng quyết không trở lại nơi mình sinh ra nữa. “Bởi những trải nghiệm và cơ hội nghề nghiệp mà tôi có ở nước ngoài, tôi quyết định sẽ không bao giờ về Colombia. Đơn giản là Colombia không hề đầu tư cho khoa học,” cô giải thích.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các nhà khoa học Colombia không thể duy trì cuộc sống hay tìm ra những khám phá khoa học trong điều kiện hiện tại. Juan Fernando Díaz Nieto – một nhà sinh học ở trường Đại học EAFIT ở Medellín, đã có một sự nghiệp thành công trong việc phát hiện ra một số loài chồn opossum, loài gặm nhấm và dơi trong những vùng sâu mà hàng thập kỷ qua không thể tới vì bạo lực và nỗi đe dọa bị bắt cóc trong thời gian diễn ra nội chiến.
Díaz Nieto – người mới phát hiện ra hai loài thú có túi dọc theo lưu vực sông Magdalena tại tây bắc Colombia cho biết mình có thể thực hiện được nghiên cứu này là “thay vì trông cậy vào một khoảng đầu tư lớn thì chúng tôi hợp tác với các đồng nghiệp tại nhiều viện nghiên cứu khác của Colombia và ‘nhặt nhạnh’ từ nhiều khoản đầu tư nhỏ của Quỹ Khoa học quốc gia, trường Đại học Minnesota và Hội Các nhà nghiên cứu về động vật có vú Mỹ.”
Thiết kế ngược dự án
Dẫu sao thì Chính phủ Colombia đang cố gắng có khoản đầu tư cho khoa học tốt hơn. Một bộ luật được thông qua vào năm 2012 quy định 10% lợi nhuận thu được từ việc khai thác các nguồn lực tự nhiên phải được đưa vào quỹ KH&CN đã được phân bổ khắp 32 cơ quan chính phủ. Sáng kiến này đã được triển khai để khuyến khích nghiên cứu khoa học thông qua tài trợ cho các dự án nghiên cứu và đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu ở các trường đại học một cách công bằng.
Một buổi cà phê khoa học ở Manizales, Colombia, với chủ đề về công nghệ sinh học có thể hỗ trợ sự lớn mạnh của vùng trồng cà phê của địa phương như thế nào. Nguồn: BIOS Colombia
Nhưng phần lớn kế hoạch từ sáng kiến này đã bị phản đối, bởi vì sự quan liêu của hệ thống mới. “Rào cản logistic và thủ tục giấy tờ khiến người ta không thể giải ngân. Ngoài ra việc phê duyệt các dự án đã được thiết kế ngược: giao cho các quan chức địa phương thay vì các hội đồng khoa học.
Do vậy, dưới những bảo trợ của chính quyền địa phương, hàng triệu USD đã được đổ vào các dự án phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, năng lượng và cơ sở hạ tầng – vốn khó mà định nghĩa được phần khoa học trong đó, theo điều tra của La Silla Vacía – một trang web chuyên về thông tin chính trị của Colombia. Cuối cùng, quá trình phức tạp của việc giải ngân phải tuân theo các quy định và thủ tục đã diễn ra rất chậm chạp, đến mức cứ 5 peso đầu tư thì 2 peso không hiệu quả, cuộc điều tra này phát hiện ra. Nature đã tiếp cận chính quyền Colombia để hỏi về vấn đề này nhưng không nhận được hồi đáp.
Hướng về phía trước
Nhưng nhiều nhà khoa học Colombia cũng thấy ánh sáng cuối đường hầm. Vào tháng 6 vừa qua, chính phủ đã đề xuất lập Bộ KHCN & Đổi mới sáng tạo – hành động mà thượng nghị sỹ Iván Darío Agudelo hi vọng sẽ đảm bảo cho khoa học một tiếng nói trong chính phủ. Và tháng 7 – một tháng sau khi Iván Duque Márquez trở thành Tổng thống, ông đã gặp Forero và 30 nhà khoa học Colombia khác tại Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia ở Bogotá để thảo luận về tương lai của khoa học đất nước. Khi kết thúc buổi gặp gỡ, Duque đã hứa tái cấu trúc khoa học để khoa học phát huy được sức mạnh.
Tuy nhiên nhiều nhà khoa học Colombia lại không chờ đợi việc gia tăng đầu tư của chính phủ vào khoa học hay xây dựng một bộ mới. Carlos Guarnizo, nhà sinh thái học ở trường Đại học Los Andes cho biết, có những điều mà từng nhà khoa học có thể tự làm để phát triển khoa học trong đất nước này.
Guarnizo và đồng nghiệp bắt đầu mở Ciencia Sumercé – một sáng kiến khoa học cộng đồng với việc tổ chức các sự kiện, các buổi nói chuyện tại một nhà hàng ở trung tâm Bogotá, thu hút hàng trăm người háo hức muốn học hỏi về trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu và sinh thái đô thị. Anh hi vọng những sự kiện kết hợp với hoạt động truyền thông xã hội kiểu này sẽ thu hút người trẻ quan tâm đến khoa học.
Theo cách này, anh mong muốn ươm mầm một thế hệ các nhà khoa học Colombia ưu tú. “Điều này có thể đem đến những kết quả cho đất nước mà giờ đây chúng tôi còn chưa đánh giá hết,” Guarnizo nhận xét.