Tại buổi công bố báo cáo nghiên cứu về “Thúc đẩy phát triển khu vực SIB” do trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Northamton và UNDP tổ chức ngày 27/9, PGS.TS Trương Thị Nam Thắng (Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Xã hội và Khởi nghiệp, ĐHKTQD – CSIE) và nhóm nghiên cứu nhấn mạnh DNXH “hoàn toàn có khả năng tham gia hoạt động giải quyết nhiều vấn đề xã hội đang là mối quan tâm của chính phủ và cộng đồng” như: DNXH Ansim (Hàn Quốc) cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc cho người cao tuổi, người khuyết tật, tạo việc làm cho tổng số 230 lao động, trong đó có 80 lao động thuộc tầng lớp yếu thế, hơn 60% nhân lực công ty là phụ nữ không có cơ hội việc làm ở độ tuổi trung niên ngoài 50, số người hưởng lợi từ dịch vụ của công ty là 156,000 người/năm, gần đây công ty áp dụng phương thức nhượng quyền kinh doanh xã hội nhằm lan tỏa các giá trị xã hội.
Nghĩa vụ nhiều hơn lợi ích
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp VIệt Nam hoạt động theo mô hình DNXH, hoặc mở rộng ra là SIB đang ngày càng phát triển. Kể từ năm 2015 cho đến nay, số lượng SIB đã tăng thêm 40% và sang năm 2017, theo tính toán có đến 22.000 SIB đang hoạt động. Các SIB này khi đăng ký hoạt động kinh doanh theo luật sẽ thuộc diện DNXH, tuy nhiên thực tế chỉ có khoảng 12% đăng ký theo diện này, còn đến 72% đăng ký dưới hình thức doanh nghiệp cổ phần, trách nhiệm hữu hạn,… Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý hoạt động của các SIB.
Theo khảo sát của CSIE, có đến 286/398 SIB được hỏi trả lời họ không đăng ký dưới hình thức DNXH, chủ yếu do chưa biết đến khái niệm DNXH trong Luật, chưa đủ nguồn lực để chuyển đổi mô hình; đặc biệt có những ý kiến cho rằng mô hình DNXH không đủ lợi ích và ưu đãi vì phải hoàn thành nhiều nghĩa vụ hơn.
Theo đó, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định các DNXH phải “Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký”. Ngược lại, DNXH sẽ nhận được ưu đãi hỗ trợ, thúc đẩy phát triển dành riêng từ phía Nhà nước.
Ngoài Luật doanh nghiệp, Nghị định 96/2015/NĐ-CP chỉ rõ “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập DNXH có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng”. Đây là động lực chính để các SIB đăng ký hoạt động dưới hình thức DNXH, bởi so với các doanh nghiệp thông thường, DNXH gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận vốn và thị trường.
Doanh nghiệp xã hội Thương thương Handmade. Ảnh: Thương thương Handmade
Nghị định 96/2015/NĐ-CP cũng quy định DNXH được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật; được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định của pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Trên thực tế, thị trường vốn cho DNXH Việt Nam hiện chưa phát triển, chưa có một quỹ đầu tư xã hội chuyên nghiệp nào đang hoạt động thực sự hỗ trợ và đầu tư cho DNXH. Các quỹ đầu tư xã hội quốc tế bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các DNXH tại Việt Nam trong một vài năm trở lại đây nhưng hầu hết các nhà đầu tư này vẫn đang trong giai đoạn thăm dò tìm hiểu thị trường hoặc thử nghiệm mà chưa có một hoạt động đầu tư đáng kể nào được thực hiện cụ thể và trực tiếp với DNXH.
Nhà nước tạo cầu cho DNXH
Theo PGS.TS Thắng, để phát triển DNXH ở Việt Nam cần chính sách hỗ trợ về 4 khía cạnh: tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực và tiếp cận thông tin. Trong báo cáo của mình, PGS.TS Thắng cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ DNXH thông qua hoạt động mua sắm công. Điều này hoàn toàn hiển nhiên: Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, tạo việc làm,… trong khi DNXH là “công cụ tương đối hiệu quả” để giải quyết các vấn đề này.
TS. Cung kiến nghị: “Chính phủ đã có nhiều chương trình như xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi nghề cho thanh niên… Tuy nhiên, cách triển khai các chương trình này còn mang tính hành chính. Nếu thay đổi cách làm đó bằng phương pháp đấu thầu cho doanh nghiệp, trong đó ưu tiên cho DNXH thì đó là cách thức tạo cầu và cơ hội cho DNXH.”
Nhà nước có thể coi là một trong những thực thể tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ lớn nhất, vì vậy rất quan trọng trong việc gia tăng các cơ hội tham gia quá trình mua sắm công cho các SIB thông qua các cơ chế cụ thể như: đưa thêm điều khoản về mua hàng xã hội trong các quy chế mua sắm công, ví dụ như ưu tiên mua sắm từ những doanh nghiệp SIB sử dụng trên 30% nhân viên là người khuyết tật. Đây là chính sách được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, đặc biệt là EU – nơi luôn chú ý đến cân bằng giữa nền kinh tế thị trường và phúc lợi xã hội.
Ở Slovenia, các DNXH sử dụng lao động khuyết tật và tình nguyện viên được ưu tiên tham gia đấu thầu dịch vụ công và Chính phủ sẽ dành 30% các hợp đồng đấu thầu công khai cho đối tượng này. Tuy nhiên, khi cho các DNXH tham gia đấu thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ công, PGS.TS Thắng khuyến nghị cần chia nhỏ các gói thầu để các DNXH dễ dàng tiếp cận.
Nguyên nhân là do, các DNXH thường có quy mô nhỏ đến siêu nhỏ, doanh thu trung bình 3 tỷ trong khi gói thầu của Nhà nước có giá trị lớn hơn nhiều. Đồng thời, các quy định về đấu thầu cũng phải thay đổi để tạo điều kiện cho DNXH tham dự bởi ở Việt Nam hiện nay, dù luật đấu thầu không quy định cụ thể, nhưng nhiều tiêu chuẩn trúng thầu đòi hỏi các công ty phải cung cấp giá cạnh tranh, có thâm niên trong ngành, có nguồn lực tài chính ổn định,… - những tiêu chuẩn mà DNXH khó đạt được.
Nguồn tham khảo:
British Council, CIEM, NEU (2016) Vietnam Social Enterprise Casebook
UNDP, NEU (2018) Fostering the Growth of the Social Impact Business Sector in Viet Nam
British Council, CIEM, CSIP (2012) Doanh nghiệp Xã hội tại Việt Nam: Khái niệm, bối cảnh và chính sách