Số sáng chế được cấp bằng quá khiêm tốn của các viện nghiên cứu, trường đại học được lý giải là do các tác giả không mặn mà với việc này. Nếu theo đuổi việc cấp bằng bảo hộ, họ phải dành ra 2-3 năm, bởi quy trình thẩm định của Việt Nam chặt chẽ hơn nước ngoài.
Tại cuộc làm việc của Đoàn giám sát Quốc hội với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ông Phạm Tất Thắng - Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - băn khoăn về thực trạng số bằng sáng chế cấp cho các viện nghiên cứu và trường đại học năm 2014-2015 rất thấp so với tiềm năng. Năm 2015, số bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích của khối trường đại học là 4-4, của khối viện nghiên cứu là 10-16. Con số này của các cá nhân hay doanh nghiệp cao hơn 2-10 lần.
Nhà khoa học ngại công bố sáng chế
Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục SHTT - cho biết, bằng bảo hộ sáng chế được cấp cho các sản phẩm hoàn toàn mới, có tính sáng tạo cao, có khả năng ứng dụng trong công nghiệp và đời sống. Thời gian bảo hộ là 20 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ. Giải pháp hữu ích được cấp cho những sản phẩm cải tiến hoặc làm tăng chức năng cho các sáng chế trước đó, thời gian bảo hộ là 10 năm.
“Trình độ KH&CN của Việt Nam còn hạn chế, nên việc đăng ký giải pháp hữu ích thường phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu sáng chế. Việc đăng ký sáng chế lại phụ thuộc vấn đề sản phẩm có thương mại hóa được hay không. Bởi nếu không ra thị trường thì việc cấp bằng là vô nghĩa” - ông Ngân bổ sung.
Bà Nguyễn Thu Hiền - Trưởng phòng thông tin, Cục SHTT - nói thêm, khi khảo sát 2 trường đại học là Bách khoa Hà Nội và Bách khoa TPHCM, cục mới biết các đơn vị này có hàng trăm sáng chế chưa đăng ký bảo hộ SHTT.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ, Cục SHTT - lý giải, nhiều nhà khoa học ngại công bố sáng chế hoặc giải pháp: “Nhiều nhà nghiên cứu nói họ không muốn dành thời gian từ 2-3 năm để theo đuổi việc cấp bằng bảo hộ. Hệ thống thực thi quyền SHTT cũng khiến nhiều người ngại công bố sáng chế bởi nếu sản phẩm bị sao chép, kẻ xâm phạm cũng chỉ bị phạt hành chính 1-2 triệu đồng”.
Sẽ rút ngắn quy trình xử lý
Ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - đặt câu hỏi tại sao số bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được cấp trong vòng 10 năm (2005- 2015) chỉ bằng 2,5% số đơn đăng ký.
Ông Sơn lý giải: “Theo Luật SHTT, cơ quan quản lý phải thẩm định nội dung đơn xin cấp bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích. Thời gian thẩm định là 18 tháng. Đây là quy định rất chặt chẽ bởi ở các nước, hầu như tác giả chỉ công bố sáng chế, khi có tranh chấp, cơ quan quản lý mới can thiệp. Cơ quan SHTT của họ không đổ công sức vào tất cả các đơn và để việc thẩm định cho thị trường kiểm soát”. Trong khi đó, Cục SHTT Việt Nam thường mất ít nhất 2 năm để thẩm định trước khi cấp bằng.
“Hiện Cục SHTT của Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu chuyên dụng về sáng chế, giải pháp hữu ích dành riêng cho cán bộ thẩm định. Với những dữ liệu đặc thù như sinh học, điều chế thuốc…, cán bộ thẩm định phải dành nhiều thời gian tra cứu Internet hay các cơ sở dữ liệu khác” - ông Sơn nhấn mạnh và nêu một nguyên nhân khác: Nhiều người nộp đơn gặp khó khăn trong việc viết bản mô tả sáng chế theo quy ước của hệ thống SHTT thế giới. Cán bộ thẩm định thường phải mất rất nhiều thời gian để hướng dẫn chỉnh sửa.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh khẳng định: Cục SHTT xác định sẽ đưa SHTT thành một ngành kinh tế, đóng góp vào GDP. Bên cạnh việc tăng cường thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về SHTT, cục cũng đang sửa đổi để rút ngắn quá trình thẩm định, xác lập quyền”. Một giải pháp đang được thực hiện là tạo cơ sở dữ liệu điện tử toàn văn về bằng sáng chế tại Việt Nam và đưa lên website của cục, hòa nhập với cơ sở dữ liệu toàn cầu Patent Scope của Tổ chức SHTT thế giới.
“Tôi cho rằng vấn đề không phải thời gian bao nhiêu lâu, mà phải rút gọn quy trình xử lý và xác lập quyền. Thủ tướng đã phê duyệt chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, trong đó có tăng chất lượng và tốc độ xử lý đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp. Cục SHTT sửa đổi quy trình, phân cấp mạnh mẽ để quy trình thẩm định đơn của cán bộ nhanh gọn hơn” - ông Thanh nói.