Dù đứng đầu khu vực và thuộc hàng “khủng” trên thế giới về tốc độ phát triển Internet, viễn thông, Việt Nam lại chỉ xếp thứ 85 trên 143 nền kinh tế về mức độ sẵn sàng cho nền kinh tế số. Bằng các chính sách mới, Chính phủ đang nỗ lực thay đổi điều này.

Khởi nghiệp sáng tạo trong nền kinh tế số

40% dân số thế giới đang tiếp cận Internet, con số này tại Việt Nam là 48%. Dù đây là chỉ báo quan trọng cho thấy Internet có thể tiếp cận sâu hơn tới người dân và tạo đột phá nhưng trên thực tế, mức độ sẵn sàng gia nhập kinh tế số ở Việt Nam còn thấp, bất chấp tốc độ phát triển của công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông và tỷ lệ dùng điện thoại di động thuộc loại cao nhất trong khu vực và thế giới.

Các thành viên dự án Akira - ứng dụng học tiếng Anh TOEIC trực tuyến - tại văn phòng VSV dành cho các startups ở Hà Nội. Ảnh: Loan Lê
Các thành viên dự án Akira - ứng dụng học tiếng Anh TOEIC trực tuyến - tại văn phòng VSV dành cho các startups ở Hà Nội. Ảnh: Loan Lê

Tại hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?” vừa diễn ra, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, con số 48% dân số Việt Nam đã tiếp cận Internet rất ấn tượng. Nếu tận dụng được lợi thế này, doanh nghiệp có thể tạo đột phá.

“Đây là vấn đề lớn, cần phải có quyết tâm và cách thức chuyên nghiệp để thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam” - ông Lộc nói.

Khẳng định Việt Nam đang hướng đến một môi trường chuyên nghiệp để thúc đẩy công nghệ số, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng cho biết, Chính phủ đang nỗ lực để xây dựng hành lang pháp lý, tạo môi trường khuyến khích phát triển công nghệ số. Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 với nhiều nội dung khuyến khích áp dụng và làm chủ công nghệ - trong đó có CNTT - đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt trong tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Trong đề án này có các đề án nhỏ hỗ trợ như cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (cung cấp thông tin về công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường, sở hữu trí tuệ..) và cổng thông tin thương mại điện tử hỗ trợ kết nối cho các nhãn hiệu, sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Một hoạt động khác của đề án 844 là tiếp tục triển khai đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam với quy mô dự án KH&CN cấp quốc gia từ năm 2016 đến 2020.Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, các cá nhân, tổ chức cần chú trọng khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.

Ưu đãi doanh nghiệp phát triển CNTT

Trong tiến trình cụ thể hóa các chính sách thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam, ngày 26/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 41 với nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT.

Đối tượng được ưu đãi về thuế bao gồm các doanh nghiệp đang sản xuất sản phẩm có nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm, sản phẩm CNTT trọng điểm, dịch vụ khắc phục sự cố an ninh thông tin và bảo vệ an ninh thông tin. Mức thuế ưu đãi bằng mức đang áp dụng với dự án sản xuất phần mềm. Cá nhân làm việc trong lĩnh vực này được giảm 50% thuế thu nhập.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Chính phủ nhận thức được tầm quan trọng của việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và đặc biệt mong muốn thúc đẩy sự cạnh tranh bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp.

“Các hoạt động về CNTT như sản xuất phần mềm, thiết kế tư vấn CNTT... sẽ được cho vào danh mục các hoạt động đặc biệt khuyến khích đầu tư. Trong khi đó, các dự án mới sử dụng trên 1.000 lao động - kể cả hết thời gian hưởng ưu đãi thuế suất 10% - cũng sẽ được kéo dài thời gian áp dụng trong 15 năm.

Bộ KH&CN sẽ trình Chính phủ bổ sung danh mục hoạt động thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển và hoàn thành trước tháng 8/2016”- ông Hiếu nói.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, theo đề án 844, Chính phủ sẽ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua cách tạo cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp. Còn nguồn lực đầu tư cho các dự án sẽ được kêu gọi từ các cá nhân, tổ chức.

Chia sẻ về những thành công bước đầu của mô hình thung lũng Silicon, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, có những dự án ban đầu được đầu tư khoảng vài chục nghìn đôla Mỹ, sau một thời gian phát triển và đưa lên sàn đã kêu gọi được 1 triệu đôla Mỹ đầu tư. Ông Tùng nhấn mạnh: “Những thành công này chứng tỏ, con đường chúng ta đang đi là đúng”.