Buổi Hội thảo “Tham vấn về các vấn đề, chính sách và ưu đãi các hoạt động Đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân” do Học viện KH, CN&ĐMST phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức vào ngày 7/6 tại Hà Nội có lẽ là một trong số rất ít sự kiện của Bộ KH&CN mà doanh nghiệp là “diễn giả chính”, được trực tiếp góp ý về chính sách của nhà nước.
Sự thiên kiến của chính sách
Trước đó, hai đơn vị tổ chức đã tiến hành chương trình đánh giá một loạt các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp của Việt Nam và buổi hội thảo là thông tin quan trọng để tham chiếu với kết quả của đánh giá này. Nhường diễn đàn cho chủ yếu các doanh nghiệp phát biểu nên bà Asya Akhlaqne, Chuyên gia kinh tế trưởng và ông Dilip Parajuli, chuyên gia kinh tế giáo dục cao cấp của Ngân hàng thế giới chỉ nói qua về những phát hiện trong quá trình đánh giá. Họ chỉ ra rằng, có hai vấn đề lớn trong các chính sách của Việt Nam, đó là chỉ tập trung vào R&D chứ không phải đổi mới sáng tạo và các công cụ chính sách quá nghèo nàn, chủ yếu chỉ là tài trợ tiền và ưu đãi về thuế. Các chính sách nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và hỗ trợ khởi nghiệp chiếm chưa đầy 1% trong giá trị danh mục chính sách năm 2017.
Trong khi đó, các doanh nghiệp của Việt Nam cần những hỗ trợ đa dạng và linh hoạt hơn hiện nay nhiều lần bởi khả năng hấp thụ công nghệ lẫn khả năng mở rộng quy mô, tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam rất hạn chế để thực hiện các dự án R&D phức tạp. Đó còn chưa kể đến khoảng cách xa vời giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với khu vực tư nhân.
Sự “thiên kiến” trong chính sách của Việt Nam hiện nay đã dẫn đến việc các đối tượng thụ hưởng rơi vào các doanh nghiệp lớn, trong đó chủ yếu là các tập đoàn đa quốc gia, chứ không phải là các doanh nghiệp SMEs – động lực đổi mới sáng tạo của nền kinh tế, theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới gợi ý, Việt Nam cần phải tái cấu trúc các gói chính sách của mình, chuyển từ chỉ tài trợ cho R&D sang tập trung nâng cao năng lực doanh nghiệp, bao gồm cả năng lực hấp thụ công nghệ lẫn năng lực quản trị, thông qua các giải pháp như: ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai đổi mới sáng tạo, triển khai các chương trình đào tạo tiến sĩ, chương trình nghiên cứu tại doanh nghiệp, hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án đổi kết hợp giữa các viện, trường và doanh nghiệp (tại sao lại “có mục tiêu”? Tại vì các chương trình phối hợp “ba nhà” từ trước đến nay của Việt Nam gần như chưa có và cũng chưa đạt được mục tiêu thương mại hóa, ứng dụng nghiên cứu ở phòng thí nghiệm vào thực tế doanh nghiệp). Ngoài ra, nhà nước cũng nên tăng cường các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy các dịch vụ tư vấn doanh nghiệp (như cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp, kết nối với các đối tác, nhà đầu tư) và cải cách hành chính để tạo ra môi trường cho những doanh nghiệp với những ý tưởng, mô hình kinh doanh mới phát triển.
Doanh nghiệp: không cần tài trợ mà cần môi trường kinh doanh
Các doanh nghiệp có mặt trong buổi hội thảo, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin phần nào cũng chung quan điểm với các chuyên gia từ phía Ngân hàng Thế giới khi họ đều không bày tỏ nhu cầu cần nhận tài trợ tiền từ phía nhà nước. Trong các đề xuất của các chuyên gia đến từ phía Ngân hàng Thế giới, điều khối tư nhân quan tâm nhất đó là một tư duy quản lý cởi mở, tạo điều kiện cho những sản phẩm công nghệ mới, đột phá tồn tại được trên thị trường. Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Grab Vietnam cho biết, đa số các sản phẩm, dịch vụ của công ty này đều chưa được định nghĩa trong luật pháp Việt Nam trước đó và Grab chỉ có thể dựa theo những quy định “gần nhất có thể”. Tuy nhiên, những công ty truyền thống và nhiều cơ quan chức năng vì thế thường lấy cớ đó để chỉ trích công ty này lách luật, gây khó dễ đối với hoạt động kinh doanh của Grab. Anh Tuấn Anh ví von hoạt động ở Việt Nam giống như đi qua một “bãi mìn, loạng quang là có thể bị nổ”, “làm cái gì cũng sợ”. Tuy nhiên, trường hợp của Grab vẫn được coi là “nhẹ nhàng” bởi họ vẫn còn được “làm những gì mà pháp luật không cấm”, đổi mới sáng tạo trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện như tài chính, ngân hàng còn gặp nhiều “hiểm nguy” hơn nữa vì họ chỉ “được làm những gì pháp luật cho phép”. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank (Ngân hàng Tiền Phong), một trong những doanh nghiệp đầu tiên về ngân hàng số Việt Nam, kể lại rằng, chỉ cần bị phạt, bất kể ở mức nào là trong suốt năm sau không được phép đưa một sản phẩm mới ra thị trường. “Tôi rất sợ làm gì đó xong ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của mình về sau” – Ông Hưng nói. Thậm chí, dù chưa đến mức bị phạt, chỉ cần bị cảnh cáo thì họ cũng mất uy tín với khách hàng, đối tác, rất khó lấy lại thị phần mặc dù đã dành nhiều nguồn lực để nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới.
Điều đáng nói là, nhiều chính sách thiếu nhạy bén, thiếu linh hoạt của Việt Nam không chỉ ngăn cản các công ty nội địa tạo ra những công nghệ, sản phẩm đột phá mà còn vô hình trung dọn đường cho các công ty nước ngoài vào chiếm lĩnh thị trường, đánh bật các công ty nội địa. Công ty Cổ phần dịch vụ trực tuyến, được biết đến với sản phẩm Ví điện tử MoMo là một ví dụ. Về nguyên tắc, ví điện tử chỉ là một công cụ để thanh toán nhiều dịch vụ dù ở bất kì đâu một cách bảo mật, nhanh chóng vì người sử dụng không phải mất thời gian ghi lại nhiều lần thông tin cá nhân trên hóa đơn. Việc nạp tiền vào ví điện tử có thể thực hiện bằng nhiều cách (thông qua các cửa hàng tiện lợi, nạp thẻ điện thoại...) nên các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử thường hướng đến các đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, các quy định hiện hành của Việt Nam lại bắt buộc chỉ những người có tài khoản ngân hàng mới được phép dùng ví điện tử, mà theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó tổng Giám đốc công ty MoMo, là “rất buồn cười”. Hơn nữa, “khổ tâm” thay, chỉ có các công ty Việt Nam mới phải chịu quy định này, còn các công ty nước ngoài thì nước ta không thể quản lý, nên về cơ bản họ “muốn làm gì thì làm”. Nếu chờ đến khi pháp luật cởi trói, cho phép những hình thức kinh doanh mới thì cũng là lúc các doanh nghiệp Việt không còn thị trường để khai thác.
Một vấn đề khác nổi cộm trong buổi thảo luận đó là đào tạo nhân lực. Trái ngược với những lời khen hào phóng của các quỹ đầu tư quốc tế nói về nhân lực công nghệ thông tin trẻ và tài năng của Việt Nam dồi dào, thực tế cho thấy các công ty như Grab, TPBank và MoMo đều không thể thuê đủ số lượng các kĩ sư với nhu cầu của mình (Anh Nguyễn Tuấn Anh cho biết mình cần tuyển thêm 200 người nữa). Họ cho rằng, các lập trình viên của Việt Nam chỉ có thể làm tốt những nhiệm vụ nhỏ, đơn giản nhưng để quản lý những dự án lớn như sản phẩm có hàng chục triệu người dùng, hàng trăm nghìn lượt giao dịch mỗi ngày thì lại là chuyện khác. Đa phần họ đều tìm cách thuê những người Việt Nam từng học và làm việc ở nước ngoài nhưng cũng không dễ vì thuế thu nhập của Việt Nam cao hơn so với Singapore. Cũng có doanh nghiệp đã chủ động tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách tìm đến các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam, đặt hàng đào tạo, lo đầu ra và sẵn sàng đầu tư 50% chi phí mở và duy trì ngành học mới của nhà trường nhưng không đạt được kết quả. Các trường đều từ chối vì ngành mới phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp chưa có trong danh mục của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên không được phép mở!
Những chủ đề sắp tới
Các doanh nghiệp trong buổi hội thảo liên tục bày tỏ kì vọng về cơ chế “sandbox” – cơ chế cho phép thử nghiệm các công nghệ, dịch vụ mới, chưa từng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật trước đó trong hoạt động fintech (công nghệ tài chính). Cơ quan chủ trì xây dựng cơ chế này là Ngân hàng Nhà nước và phối hợp với Bộ KH&CN.
Ngoài ra, có ý kiến trong hội thảo cho rằng, nếu muốn tái cấu trúc các quỹ và chương trình tài trợ đổi mới sáng tạo cho các spin-off, nhà nước nên có những hình thức để đưa tư duy thị trường vào phát triển sản phẩm trong phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu và trường đại học. Công ty VinTech City (thuộc Tập đoàn Vingroup) đang thực hiện phương án này khi họ cung cấp mentor, coach, các kết nối bên cạnh việc tài trợ tiền cho các nhà khoa học để họ có điều kiện thử nghiệm sản phẩm của mình trên thị trường. Còn đối với việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà cho biết, việc phát triển công nghệ là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp để có thể làm chủ các công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài, áp dụng cụ thể vào điều kiện tự nhiên – kinh tế xã hội của Việt Nam. Chẳng hạn như công ty ông sắp tới sẽ thành lập một viện nghiên cứu về xử lý nước thải đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhằm nội địa hóa công nghệ xử lý nước của Nhật Bản. Mặc dù không nói cụ thể nhà nước nên có những hoạt động gì để hỗ trợ nhưng ông nêu ra một ý quan trọng là chỉ khi nào thấy doanh nghiệp dám chịu rủi ro, dám đầu tư nghiên cứu thì mới cần nhà nước giúp sức để tăng khả năng sống sót. Quan điểm này của ông cho thấy Việt Nam cần xem xét quy định về trích lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp: Nếu đổi mới sáng tạo của khối tư nhân là tự thân thì liệu có thể áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính?
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, buổi hội thảo này mới chỉ là khởi đầu để hiểu được những vướng mắc của doanh nghiệp. Theo ý kiến của ông, đa phần các doanh nghiệp tham dự mới ở ngưỡng cửa thực hiện các dự án R&D nên chưa bày tỏ những khó khăn liên quan đến những chính sách về xử lý tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp. Ông kì vọng trong tương lai sẽ có những doanh nghiệp đã “qua cửa” R&D, thực sự va vấp phải những bất hợp lí trong các chính sách về KH&CN. Hơn nữa, các doanh nghiệp góp mặt trong buổi hội thảo là các doanh nghiệp lớn (hầu hết đầu có quy mô hàng nghìn tỉ đồng) và các công ty đa quốc gia, chưa phải là đối tượng chính mà các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong khối tư nhân hướng đến trong tương lai. Vì vậy, mặc dù được giới thiệu là buổi hội thảo quy tụ những nhân tố quan trọng trong đổi mới công nghệ của đất nước, vẫn cần có những buổi hội thảo, lắng nghe đa dạng đối tượng doanh nghiệp hơn trong tương lai. |