Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, vấn đề tăng năng suất lao động ngày càng trở thành vấn đề cấp bách đối với nền kinh tế, đặc biệt khi Việt Nam đang bước ra khỏi thời kỳ dân số vàng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lao động toàn nền kinh tế tính theo giá hiện hành năm 2017 ước đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD.
Năng suất này chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và còn thấp hơn cả Lào (chỉ bằng 87,4%). Những con số này đang đặt vấn đề tăng năng suất lao động cấp bách hơn bao giờ hết.
Trao đổi với TheLEADER, ông Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, chìa khóa để tăng năng suất lao động là phải tăng hàm lượng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng năng suất lao động hiện nay tại Việt Nam nói chung và trong các doanh nghiệp nói riêng?
Ông Phạm Đại Dương: Hiện nay chúng ta vẫn lấy chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) làm thước đo sức khỏe nền kinh tế và theo cách tính toán: GDP dựa trên năng suất lao động và số lượng lao động.
Rõ ràng để tăng số lượng lao động đối với một quốc gia thì rất khó, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã qua thời kì dân số vàng. Do đó chỉ có một khả năng tăngGDPchính là tăng năng suất lao động.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, để có cơ hội tồn tại trên thị trường bắt buộc phải có một sản phẩm tốt.
Doanh nghiệp muốn tăng năng suất và chất lượng sản phẩm thì phải có chiến lược đổi mới sáng tạo, tăng hàm lượng khoa học công nghệ.
Vậy theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để tăng năng suất lao động?
Ông Phạm Đại Dương: Tăng năng suất là câu chuyện về đổi mới sáng tạo. Như tôi đã nói, doanh nghiệp muốn tăng năng suất thì phải tăng hàm lượng khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể dựa trên hạ tầng, nguồn nhân lực và các yếu tố năng suất tổng hợp, tức gia tăng đầu ra bằng việc nâng cao chất lượng của các yếu tố đầu vào là lao động và vốn.
Ở góc độ quản lý ngành, ông có thể cho biết thêm về kế hoạch hỗ trợ của Bộ Khoa học và công nghệ trong vấn đề nâng cao năng suất lao động của các doanh nghiệp?
Ông Phạm Đại Dương: Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung để có một chương trình tăng năng suất dựa trên yếu tố đổi mới sáng tạo. Đây là điều kiện tất yếu của phát triển khoa học, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.
Thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã tham mưu với Chính phủ về những chiến lược để phát triển đổi mới sáng tạo nền kinh tế.
Bên cạnh đó, những chương trình liên quan đến khởi nghiệp như Chương trình 844 hay Chỉ thị số 16 của Chính phủ về thích ứng vớicách mạng công nghệ 4.0, ứng dụng công nghệ 4.0 cùng một loạt chương trình khác đã được đưa ra, thể hiện ý chí của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cùng với các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học xây dựng một chiến lược quốc gia về đáp ứng điều kiện công nghệ 4.0.
Đây là xu hướng phát triển tất yếu bởi vì các quốc gia khác như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đều có chiến lược cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Dự kiến khoảng giữa năm 2018 sẽ có báo cáo Chính phủ về việc xây dựng chiến lược này.
Xin cám ơn ông!