Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, cho biết, Sở đã từng đặt hàng các nhà khoa học thiết kế các chương trình, dự án nghiên cứu dài hơi 5-10 năm với kinh phí khoảng vài trăm tỷ/chương trình, nhưng 3 năm nay chưa nhận được đề xuất nào.
Tại sự kiện Kết nối Sáng tạo tháng 12/2020 với chủ đề “Công nghệ sinh học phục vụ y tế và nông nghiệp: Phát triển công nghiệp dược với nguyên liệu là dược liệu trong nước” do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 18/12, TS. Nguyễn Hoài Nghĩa, Viện Di truyền y học - Đại học Y Dược TPHCM cho biết, xét nghiệm và sàng lọc nhóm người từ 40 tuổi trở lên nhằm tầm soát nguy cơ, sàng lọc sớm và hỗ trợ điều trị ung thư đang là một thị trường khổng lồ và hấp dẫn, tạo nên cuộc đua công nghệ trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực dành cho những dự án như trên tại Việt Nam còn rất hạn chế. Đó là thiếu chuyên gia công nghệ sinh học hỗ trợ, nguồn chi cho hóa chất dùng trong nghiên cứu rất đắt vì phải nhập ngoại. Vì vậy, TS. Nghĩa kiến nghị Sở KH&CN TPHCM tăng nguồn kinh phí đầu tư cho những dự án này. Đồng thời, có giải pháp tập hợp các nhà nghiên cứu tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau, để thực hiện các nghiên cứu mang tính mới, tính sáng tạo ở quy mô lớn.
Trước đề xuất của TS. Nghĩa, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, cho biết, từng nhiều lần đặt hàng các nhà khoa học, giảng viên ở trường, viện về việc thiết kế các chương trình, dự án nghiên cứu dài hơi 5-10 năm với kinh phí khoảng vài trăm tỷ/chương trình, nhưng đã 3 năm nay, Sở KH&CN TPHCM vẫn chưa nhận được đề xuất nào. Nguyên nhân, theo ông Dũng, là do chưa có người làm “chỉ huy trưởng” đứng ra kêu gọi, tập trung các nhóm chuyên gia để cùng nhau xây dựng một mạng lưới cùng nghiên cứu một đề tài lớn.
Hiện nay, đa phần các đề tài nghiên cứu có quy mô rất nhỏ, là sự kết hợp giữa một vài nhà khoa học và sinh viên, thiếu sự gắn kết cần có giữa các nhóm, chứ chưa nói đến sự gắn kết giữa các trường, viện trong khu vực và trong cả nước. “Nếu không có sự hợp tác, sự tin tưởng lẫn nhau thì sẽ không có cơ hội nào để các nhà khoa học cùng nhau xây dựng và thực hiện những dự án lớn”, ông Dũng nói và đưa ra khuyến nghị, trong khi chờ sự hợp tác thực hiện các dự án lớn, các nhà khoa học nên tập trung nghiên cứu các công nghệ sinh học mà thực tế đang cần. Những nghiên cứu này là hướng đi phù hợp với đề tài nghiên cứu ứng dụng có nguồn kinh phí không cao, nhưng dễ tạo niềm tin về tiềm lực KH&CN.
Điều này đã được chứng minh qua nhiều đề tài được Sở KH&CN TPHCM hỗ trợ kinh phí thực hiện trong những năm qua. Điển hình như đề tài xây dựng quy trình sản xuất cây giống in vitro chuối già xuất khẩu chất lượng cao do Viện Sinh học nhiệt đới thực hiện đã góp phần tạo chuỗi giá trị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tiến đến hình thành nhiều sản phẩm cuối cùng mang tính thương mại cao, sản xuất hàng triệu cây giống cung cấp cho thị trường mỗi năm. Hay đề tài xây dựng quy trình nhân giống ba loài cây thủy sinh phục vụ thị trường cá cảnh vừa đưa vào nghiên cứu cách đây 6 tháng đã được một số doanh nghiệp đặt vấn đề chuyển giao công nghệ ngay sau khi nghiệm thu.
Một giải pháp khác được ông Dũng đưa ra là liên kết với các chuyên gia hoặc viện nghiên cứu nước ngoài, nhằm triển khai ứng dụng thành quả của các dự án quốc tế nhưng có điều chỉnh phù hợp với đặc điểm của TPHCM. Điển hình như hệ thống nuôi cấy vi tảo 2 lớp màng phiên bản “made in Vietnam”, do Đại học Nguyễn Tất Thành phát triển dựa trên công nghệ được chuyển giao từ Đức.
Hoàng Anh