Đề án tái cơ cấu ngành Khoa học và Công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một trong những nội dung quan trọng của Đề án tái cơ cấu là quy hoạch lại mạng lưới phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
Mục đích của việc tái cơ cấu là nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, tăng hiệu quả hoạt động, tạo ra và đưa nhanh các thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật vào đời sống.
Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia - Viện Di truyền Nông nghiệp - được thành lập năm 2001. Nguồn kinh phí đầu tư là 53 tỷ đồng. Phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động theo mô hình khá đặc biệt. Thay vì chỉ hoạt động độc lập, Viện có chủ trương liên kết với 3 tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế Mỹ, Nhật, Pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của phòng thí nghiệm trọng điểm. Nhờ vậy, số công bố quốc tế của phòng đã tăng gấp 3 lần so với thời gian đầu thành lập.
Theo lãnh đạo Viện, mỗi năm, để duy trì hoạt động cho toàn bộ nhân lực và hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm, Viện chỉ được cấp nguồn kinh phí từ ngân sách là 1 tỷ đổng, quá ít để níu kéo nguồn nhân lực ở lại Viện.
Để giải quyết vướng mắc này, Viện Di truyền Nông nghiệp có chủ trương khuyến khích nhà khoa học tìm kiếm các dự án để tăng nguồn kinh phí hoạt động. Ngoài nguồn ngân sách cố định mỗi năm là 1 tỷ đồng, nguồn kinh phí nhiều hay ít phụ thuộc vào sự tìm kiếm các dự án của các nhà khoa học.
Khó khăn của Viện Di truyền Nông nghiệp cũng là khó khăn chung của nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm khác. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, cả nước hiện có 16 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn những phòng thí nghiệm hoạt động chưa hiệu quả.
Trong Đề án tái cơ cấu, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tính đến phương án tăng hiệu quả, quy mô và vốn đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm. Cũng theo Đề án tái cơ cấu, từ nay đến năm 2017, những phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động chưa hiệu quả sẽ bị giảm bớt, nhằm tập trung nguồn lực cho những phòng thí nghiệm hoạt động hiệu quả trong thời gian qua.
Theo VTV