Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với chu trình nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.


Theo đó, việc hoạch định chính sách quốc gia về chu trình nhiên liệu hạt nhân, nhất là đối với các nước mới phát triển điện hạt nhân được cộng đồng quốc tế, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hết sức quan tâm, chú ý.

Đặc biệt việc công khai, minh bạch các chính sách về nội địa hóa, làm giàu hay tái chế nhiên liệu, xử lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng có ý nghĩa quan trọng, tác động tới sự ủng hộ, hợp tác của các nước đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Hình ảnh cục phóng xạ bị mất tại Nhà máy thép Pomina 3 hồi năm 2015. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)
Hình ảnh cục phóng xạ bị mất tại Nhà máy thép Pomina 3 hồi năm 2015. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Mặt khác, việc xác định chính sách về chu trình nhiên liệu hạt nhân có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở nước ta; cũng như lập kế hoạch xây dựng, phát triển năng lực quản lý, xử lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2241/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 về Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân giai đoạn đến 2020...

Để tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với chu trình nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện hành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đưa những nội dung cần thiết vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật năng lượng nguyên tử.

Một số vấn đề dài hạn, cần được tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước để báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo cụ thể sau.