Tháng 9 tới, lần đầu tiên, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ tổ chức sự kiện "Lãnh đạo Chính phủ gặp mặt các nhà khoa học trẻ".
Sự kiện này một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ KH&CN đối với các nhà khoa học trẻ - tương lai của nền KH&CN Việt Nam cũng như tương lai của nước nhà trong thời đại hội nhập và cạnh tranh. Nhân sự kiện sắp diễn ra nói trên, phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có phỏng vấn Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc.
Thưa ông, được biết Bộ KH&CN đã ban hành chính sách sử dụng, trọng dụng các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học trẻ tài năng. Ngoài các cơ chế, chính sách đãi ngộ với nhà khoa học trẻ tài năng, thì với một nhà khoa học trẻ nói chung hiện nay, Nhà nước có những chính sách đãi ngộ nào, thưa ông?
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, hiện có nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ nhân lực là các nhà khoa học trẻ
- Nghị định 40 ban hành về việc sử dụng và trọng dụng các cán bộ khoa học và công nghệ. Đây là một bước tiến bộ trong việc quản lý. Trong đó, có các điều 23, 24, 25 tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ tài năng tham gia được hưởng một số ưu đãi như: được xét tuyển dụng đặc cách không qua thi vào làm việc trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và được hưởng hệ số lương 5,08; được ưu tiên cử tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ chuyên ngành khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài; được tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ xem xét giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước để thành lập hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ; được hỗ trợ kinh phí công bố kết quả khoa học và công nghệ; được xem xét hỗ trợ kinh phí sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; được hưởng các chính sách quy định tại chương II Nghị định này và các ưu đãi khác quy định tại Điều 23 Luật KH&CN... Bên cạnh đó, Nghị định 141 hướng dẫn một số điều luật Giáo dục cũng có liên quan đến việc trọng dụng và ưu tiên
Hiện nay, Bộ KH&CN đang xây dựng Viện nghiên cứu Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST) giống với mô hình viện KIST của Hàn Quốc. Vậy viện này sẽ nghiên cứu trên những lĩnh vực gì? Cơ hội cho các nhà khoa học Việt kiều về nước làm việc có nhiều không, thưa ông?
- Trong chuyến thăm chính thức tại Hàn Quốc vào năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc lúc đó đã thỏa thuận Hàn Quốc viện trợ cho Việt Nam khoảng 35 triệu đô la Mỹ để giúp nước ta xây dựng một viện nghiên cứu theo mô hình Viện KIST.
Viện KIST là một trong những viện nổi tiếng trên thế giới được thành lập cách đây khoảng nửa thế kỷ và đã có đóng góp rất lớn cho phát triển của đất nước Hàn Quốc. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 18/5/2015, Thủ tướng chính phủ đã ký nghị định số 50 về việc thành lập viện này, gọi là V-KIST. Hiện nay, phía Việt Nam đang phối hợp với Hàn Quốc triển khai các công tác chuẩn bị cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và thành lập viện. Trong giai đoạn tới, những lĩnh vực ưu tiên của viện V-KIST đó là cơ điện tử, công nghệ sinh học phục vụ y tế và nông nghiệp, và tiếp theo là công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ năng lượng - môi trường...
Việc thành lập viện này sẽ tạo cơ hội cho các nhà khoa học ở trong và ngoài nước. Bộ KH&CN khuyến khích các nhà khoa học là Việt kiều về làm việc tại viện V-KIST
Gần đây, Bộ KH&CN đã bước đầu triển khai thành công Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon của Hoa Kỳ. Đề án này giúp một số nhóm bạn trẻ đam mê sáng tạo khởi nghiệp thành công. Trong thời gian tới, đề án này sẽ được triển khai như thế nào? Có nhiều cơ hội cho những người trẻ tham gia vào đề án không, thưa ông?
- Đề án theo mô hình này là để giúp các em học sinh - sinh viên và các nhà khoa học trẻ có ý tưởng về công nghệ, bước đầu tư vấn về mặt pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức giới thiệu về ý tưởng, đào tạo huấn luyện, mời chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá, chọn ra những ý tưởng khả thi để kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vốn,... nhằm đưa ý tưởng thành sản phẩm hàng hóa để đưa ra thị trường.
Năm 2014, Bộ Khoa học và công nghệ, cụ thể là Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã chọn được 10 nhóm và kêu gọi đầu tư khoảng 10.000 đô la cho mỗi nhóm. Đến nay đã bước đầu thu được thành công. Những năm tiếp theo, chúng tôi tiếp tục triển khai mô hình này.