Chia sẻ điều này trong hội thảo “Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thúc đẩy phát triển CNHT và cơ khí chế tạo” được tổ chức tại TPHCM ngày 10/8, ông Nguyễn Thế Hà - Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ - muốn khẳng định rằng, Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để đưa công nghiệp phục vụ chế biến nông sản đạt tiêu chuẩn thế giới.
Sản phẩm cơ khí nông nghiệp xuất khẩu đi toàn cầuTheo ông Hà, thời gian qua, Công ty cơ khí Bùi Văn Ngọ đã sử dụng các thành tựu của CNHT toàn cầu để phục vụ cho các nghiên cứu của mình. Nhờ vậy, mỗi sản phẩm của công ty đều có giá cả phải chăng và dễ dàng toàn cầu hóa.
“Tính chi phí, các nguyên vật liệu chế tạo chỉ chiếm khoảng 60% giá thành và khi được xuất khẩu đi các nước như Brazil, Ý, Campuchia, Thái Lan..., các sản phẩm dễ dàng đạt tiêu chuẩn chất lượng của các quốc gia này. Thậm chí, nhiều nước ở châu Phi cũng đã có đơn đặt hàng, nhưng do hạn chế về nhân lực lắp đặt nên công ty buộc phải từ chối” - ông Hà chia sẻ.
Có cùng quan điểm với ông Hà về việc sử dụng CNHT, PGS-TS Nguyễn Chỉ Sáng - Chủ nhiệm một đề tài thuộc chương trình KC.03/11-15 - cho biết, “hệ thống công nghệ và chế tạo các thiết bị phục vụ tự động hóa dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu” mà chương trình thực hiện đã “đánh bại” máy xay xát của Nhật Bản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
“Máy của Nhật Bản không chiếm lĩnh được thị trường bởi đặc tính gạo Việt Nam khác Nhật Bản. Thành tựu này đã chứng minh được rằng chúng ta hoàn toàn có thể thiết kế, chế tạo và lắp đặt một dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu hoàn chỉnh với công suất 10-12 tấn/giờ. Dây chuyền này cũng đạt trình độ tương đương với các sản phẩm từ những nước phát triển” - ông Sáng nói. Dây chuyền trên được ứng dụng công nghệ điều khiển số, các thông số được vận hành từ phòng điều khiển trung tâm. Hiện đã có 5 dây chuyền được lắp đặt tại 5 doanh nghiệp.
Tháo gỡ vướng mắc bằng luậtMặc dù CNHT và cơ khí chế tạo đang có vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm của doanh nghiệp nhưng thực tế, theo ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN, hiện còn nhiều hạn chế trong sự phát triển của hai ngành này.
“Cụ thể, chính sách thu hút công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào Việt Nam còn hạn chế; thiếu chính sách đặc thù, giải pháp mạnh mẽ, định hướng ưu tiên phù hợp từ Nhà nước. Cơ chế hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn nhiều bất cập. Hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học cho các doanh nghiệp còn hạn chế” - ông Hậu nói.
Ông Nguyễn Thế Hà cũng cho rằng, thời gian qua, việc đầu tư cho CNHT và nông nghiệp của Chính phủ còn hạn chế. Biểu hiện là mỗi năm, Nhà nước chỉ dành 1-2% GDP cho nông nghiệp. Về quyết tâm cơ giới hóa nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, mới đây ông đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Xuân Cường về vấn đề phối hợp giữa hai bộ để thực hiện việc này.
Cũng theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, ở một góc nhìn hẹp, công nghệ có tư cách là hàng hóa, ẩn chứa trong các dự án đầu tư, sản phẩm của từng lĩnh vực. Vì thế, một mình Bộ KH&CN không thể làm được mà cần có sự phối hợp với các bộ khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Bộ KH&CN đang chuẩn bị các dự thảo luật để báo cáo trước Quốc hội, như dự thảo sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...
“Khi những dự thảo này được thông qua, những vấn đề vướng mắc trong thời gian qua về cơ bản sẽ được xử lý” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.
Theo phản ánh tại hội thảo, hiện chỉ 0,03% số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNHT (với 1.383 doanh nghiệp), và năng lực ngành cơ khí chỉ đáp ứng được 32,12% nhu cầu trong nước. Tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước cho một số ngành trọng điểm như ôtô chỉ đạt từ 20-30%, da - giày, dệt - may trên 10%... Ngành cơ khí chế tạo có khoảng 3.100 DN, với 53.000 cơ sở sản xuất nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước. Hằng năm, Việt Nam phải chi hàng chục tỷ USD nhập khẩu máy móc, thiết bị.
|