Thông tư 121 của Bộ KH&CN quy định, các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng được ngân sách nhà nước cấp kinh phí. Tuy nhiên, thông tư 29 lại không xác định nhiệm vụ đó là gì, khiến các trung tâm gặp nhiều khó khăn.

Thực tế này được các địa phương nêu tại hội nghị về hoạt động của các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN (gọi tắt là trung tâm) trong khuôn khổ TechDemo 2016.

Lúng túng vì cơ chế tài chính

Ông Ngô Hoàng Linh - Giám đốc Trung tâm Nghệ An - cho rằng, một trong những vấn đề mà bộ cần giải quyết đầu tiên là xác định rõ nhiệm vụ thường xuyên. Hiện các trung tâm hoạt động theo cơ chế tài chính điều chỉnh bởi thông tư 121/2014/TTLTBTC-BKHCN hướng dẫn xây dựng dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH&CN công lập, có nghĩa là làm công tác quản lý của Nhà nước mới được trả lương.

Thông tư 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV ra đời sau đó hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc UBND cấp tỉnh, nhưng chỉ chốt lại “làm các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng phục vụ công tác quản lý nhà nước”. Ở địa phương, các cơ quan quản lý rất lúng túng khi xác định nhiệm vụ đó là gì.

Nông dân thu hoạch hành và rau cải cục trong dự án sử dụng công nghệ tưới Irasel của Trung tâm Ứng dụng KH&CN Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Đình Ngân

Ông Chu Văn Tiến - Giám đốc trung tâm Lạng Sơn - kể khó: “Chúng tôi như vác rá ăn đong. Trung tâm đề xuất 15 nhiệm vụ, đủ chia việc cho nhân sự. Nếu bị cắt 3-5 nhiệm vụ, số người thừa ra làm gì? Chúng tôi phải co lại, dồn tiền và người cho các nhiệm vụ được duyệt để đảm bảo cuộc sống anh em”.

Một vấn đề khác là việc chuyển đổi thành công ty cổ phần theo Quyết định 317 của Thủ tướng về đề án nâng cao năng lực của các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng tỉnh. Bà Phạm Thị Hòa - Phó Giám đốc trung tâm Sơn La - bày tỏ: “UBND tỉnh đã có quyết định chuyển đổi trung tâm thành công ty cổ phần vào năm 2018. Trở thành công ty cổ phần là vấn đề rất khó đối với các trung tâm. Rất may là chúng tôi vừa nhận được công văn của Bộ KH&CN về việc không chuyển đổi”.

Phân tích thêm về khả năng tự chủ, ông Nguyễn Văn Chức - Giám đốc trung tâm Sơn La - nói: “Ở các tỉnh miền núi phía bắc, nguồn thu có hạn nên rất khó tự chủ. Trung tâm nào có hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hay sản phẩm thương mại hóa được thì đỡ, còn lại rất khó khăn”.

Sẽ xây dựng khung nhiệm vụ

Chia sẻ với các trung tâm, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng: “Trung tâm ứng dụng có vai trò rất quan trọng ở địa phương, là cánh tay nối dài của Bộ KH&CN. Tự chủ chỉ là một phần của bài toán để các trung tâm ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Vấn đề này nói thì dễ nhưng nhìn vào nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất thì cần phải nhận thức cho đúng. Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cần phải sát cánh, hỗ trợ các địa phương trong mọi vấn đề”.

Theo Bộ trưởng, tinh thần chung của Thủ tướng Chính phủ là các bộ, ngành cần phối hợp để công việc quy về một mối, có người chịu trách nhiệm, tạo điều kiện cho các trung tâm hoàn thành nhiệm vụ. Việt Nam đang chuyển dịch mạnh theo hướng nghiên cứu ứng dụng.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu chủ yếu chỉ đến phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm, còn các khâu tiếp theo như đưa ra thị trường, sản xuất công nghiệp vẫn là vấn đề. “Phải tìm cách biến ý tưởng, kết quả nghiên cứu thành hàng hóa mộtcách nhanh nhất” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về kiến nghị xây dựng nhiệm vụ thường xuyên cho các trung tâm, ông Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - nói: “Cục đang phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng khung nhiệm vụ thường xuyên nhằm đảm bảo tất cả các trung tâm đều có nội dung về chức năng và nhiệm vụ cụ thể. Từ đó, các trung tâm vận dụng vào thực tế của mình để xây dựng danh mục nhiệm vụ theo chức năng”.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chỉ đạo thêm: “Xung quanh các vấn đề về thông tư 29, 121, nếu có khó khăn gì, lãnh đạo địa phương cần báo cáo trực tiếp với lãnh đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ để được hỗ trợ. Việc xây dựng khung nhiệm vụ cần linh hoạt để từng địa phương có thể điều chỉnh và giải quyết được các vấn đề cụ thể. Khi hoàn thành dự thảo, cục gửi lãnh đạo sở, trung tâm để xin ý kiến xem nội dung có trúng vấn đề không nhằm thống nhất và đưa vào ứng dụng”.