Thiếu một quy hoạch cụ thể, các viện, trung tâm nghiên cứu công lập trong vài thập kỉ qua đã “trăm hoa đua nở”, khiến số tiền đầu tư cho khoa học vốn eo hẹp lại càng manh mún. Liệu có cách nào để khắc phục vấn đề này?

Hiện nay, các trường đại học buộc phải đánh giá để có "thương hiệu" nhằm tăng số lượng sinh viên đăng ký đầu vào nên sức công bố lớn hơn nhiều so với các viện nghiên cứu công lập. Ảnh: Trung tâm giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
Hiện nay, các trường đại học buộc phải đánh giá để có "thương hiệu" nhằm tăng số lượng sinh viên đăng ký đầu vào nên sức công bố lớn hơn nhiều so với các viện nghiên cứu công lập. Ảnh: Trung tâm giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

“Khi mà giáo sư Tạ Quang Bửu và giáo sư Lê Văn Thiêm nghĩ đến chuyện xây dựng nền Toán học Việt Nam, đó không phải là vì nhu cầu thực tế. Họ nghĩ rằng có thể một lúc nào đó sẽ cần. Tôi nghĩ bây giờ bắt đầu cần rồi đấy. Trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì Toán học thực sự cần thiết. Nhưng bây giờ hỏi các nhà Toán học có đóng góp được gì không, thì tôi trả lời là không. Chưa đóng góp được. Vì không có năng lực, không có tiềm lực để đóng góp” – GS. Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học nói, trong buổi tọa đàm về Nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực cho các tổ chức KH&CN do Tia Sáng tổ chức.

Điều GS. Hải nói đáng lẽ phải khiến nhiều người ngạc nhiên: Nếu không phải Toán học thì lĩnh vực nào có khả năng đóng góp cho Việt Nam? Ngành toán học trong nửa thế kỉ qua chẳng phải luôn là lĩnh vực đi đầu trong công bố quốc tế hay sao? Chẳng phải gần đây, tổng kết 10 năm chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học cho thấy Toán học Việt Nam đang xếp thứ nhất Đông Nam Á và trong top 40 thế giới về công bố quốc tế hay sao?

Nhưng ở buổi tọa đàm, không ai giật mình trước lời GS. Hải nói. Bởi lẽ, việc đầu tư cho khoa học Việt Nam quá phân tán, manh mún, không có một chiến lược rõ ràng đã là chuyện được nói đi nói lại. Hậu quả của điều này là Việt Nam không có những sản phẩm khoa học “ra tấm ra món”, một đội ngũ khoa học đủ mạnh để bắt kịp với thời đại công nghệ đang phát triển chóng mặt, dường như ai cũng đều thấy từ lâu.

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, nguyên phó Viện trưởng Viện Đánh giá Khoa học và Định giá Công nghệ, Bộ KH&CN, Việt Nam có khoảng 700 tổ chức khoa học và công nghệ công lập, nhiều tới mức các chuyên gia nước ngoài phải thốt lên là “khủng khiếp”. Bà Oanh ví Việt Nam như một “nhà nghèo đông con” bởi chi thường xuyên cho khoa học công nghệ chỉ 1.5%, (chưa bao giờ đạt được con số 2%) như quy định của Luật KH&CN, tương đương khoảng 13.000 tỷ đồng trong năm 2019. Nhưng không chỉ vậy, “số lượng các tổ chức mà lớn thì số lượng cán bộ làm bộ phận hành chính nó sẽ lớn”, thậm chí có thể lớn hơn cả số cán bộ làm nghiên cứu nên số tiền thực chi cho khoa học công nghệ còn eo hẹp hơn nữa.

Tiếp đó, làm sao nguồn tài trợ đó đến tay các nhà khoa học cũng là điều rất “khó nói”. Doanh thu chính của các tổ chức khoa học công nghệ công lập là từ đề tài, dự án, chương trình cấp nhà nước (vì các đề tài dự án ở cấp thấp hơn gần như là giao đích danh, không có cạnh tranh). Việt Nam xét duyệt các đề tài còn “chặt” hơn cả quốc tế: Trong khi nhiều nước thường chỉ có một hội đồng gồm hai người đánh giá một nhóm đề tài cùng lĩnh vực một lúc thì ở Việt Nam mỗi đề tài lại có một hội đồng gồm ít nhất là bảy người xét duyệt. Nhưng các hội đồng này, tiếc thay, chủ yếu lại “duy tình” chứ không “duy lí”, theo lời ông Trần Ngọc Ca, Học viện Khoa học Công nghệ & Đổi mới Sáng tạo. Vì thế nên GS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam không gọi “nộp đơn xin xét duyệt” đề tài mà gọi là “chạy” đề tài. Nhưng có được đề tài rồi, làm sao để người làm khoa học giải trình việc chi tiêu và kết quả đầu ra cho khớp đến từng lọ hóa chất với đề xuất ban đầu là một yêu cầu bất khả với các nghiên cứu mới đầy tính rủi ro.

Thế là, vì những bất cập trong phân phối đề tài, quản lý tài chính như trên, số tiền dành cho khoa học và công nghệ nước nhà dù khiêm tốn nhưng hằng năm không tiêu hết, phải trả lại nhà nước, còn phần tài trợ được thì lại không hiệu quả. Có trường hợp phòng thí nghiệm trọng điểm mua một thiết bị hiện đại đến mức không có người đủ năng lực sử dụng. Có trường hợp cả một viện nghiên cứu hàng chục người nhưng một năm chỉ “sống” dựa vào một đề tài gần ba tỉ đồng do vài ba người làm. Cả hệ thống các tổ chức khoa học công nghệ Việt Nam vì vậy loay hoay vừa trong nhiều lớp vòng kim cô, không tìm ra một con đường để bứt phá.

Con đường “quốc tế hóa” mọi thứ

“Nhà nước muốn một lĩnh vực đóng góp cho đất nước thì phải nuôi cho người ta trưởng thành, Khoa học Việt Nam chưa trưởng thành, kể cả Toán học” – GS. Phùng Hồ Hải nhận định.

Một ngành trưởng thành, tạm hiểu là khi ngành đó được đầu tư “tới ngưỡng” cả về cơ sở vật chất và con người với một chiến lược và mục tiêu rõ ràng để phục vụ đất nước. Trong tương lai, ít nhất là không thể tiếp tục duy trì hệ thống nghiên cứu khoa học cồng kềnh như hiện nay mà cần một bộ máy tinh gọn với nguồn lực tinh nhuệ hơn.

Ảnh: PV
Ảnh: PV

Một trong những giải pháp nhiều người đồng tình, đó là phải “quốc tế hóa” việc phân bổ nguồn lực cho khoa học và công nghệ bao gồm từ quy trình tài trợ, tiêu chí đánh giá cho đến hội đồng đánh giá năng lực và hiệu quả năng lực của các tổ chức khoa học và công nghệ.

Trong đó, các cơ chế tài trợ cho khoa học hiện nay nên được chuyển sang cơ chế quỹ, vốn là phương thức tài trợ chính cho khoa học ở các nước châu Âu và Mỹ. Quy trình từ nộp hồ sơ, xét duyệt đề tài, đánh giá kết quả dự án sẽ minh bạch, rõ ràng: đề xuất đều được nộp online với biểu mẫu đăng ký cụ thể, thời gian xét duyệt rõ ràng, đúng hạn và lí lịch của thành viên hội đồng xét duyệt được công bố công khai. Các nhà khoa học và nhóm nghiên cứu sau khi nhận tài trợ cũng không phải đau đầu về quá trình thủ tục hành chính để hợp thức hóa việc chi tiêu của mình bởi Quỹ chỉ nghiệm thu dựa trên kết quả cuối cùng chứ không phải quản lý bám sát trên từng bước thực hiện. Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia – Nafosted vốn là một hình mẫu “quốc tế hóa” như vậy, không chỉ trong quy trình hoạt động mà trong cả tiêu chí đánh giá khi yêu cầu đầu ra cho mỗi đề tài, dự án nghiên cứu cơ bản phải là các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Điều đáng tiếc là mô hình Nafosted chưa được mở rộng lẫn nhân rộng để khuyến khích các nghiên cứu ứng dụng cũng như các nghiên cứu cơ bản nhưng dài hơi hơn, hướng đến những mục tiêu khám phá lớn hơn.


Một trong những giải pháp nhiều người đồng tình, đó là phải “quốc tế hóa” việc phân bổ nguồn lực cho khoa học và công nghệ bao gồm từ quy trình tài trợ, tiêu chí đánh giá cho đến hội đồng đánh giá năng lực và hiệu quả năng lực của các tổ chức khoa học và công nghệ.


Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng các hội đồng đánh giá, đặc biệt là đánh giá hồ sơ năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ nhận các khoản tài trợ lớn - để tạo những sản phẩm nghiên cứu có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cần sự tham gia của các chuyên gia quốc tế. Tốt hơn hết là có hai hội đồng: một hội đồng gồm các nhà nghiên cứu, chuyên gia người Việt Nam và một hội đồng có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài để đảm bảo tính khách quan, loại bỏ tâm lý “nể nang”, “một trăm cái lí không bằng một tí cái tình” trong đa số các hội đồng xét duyệt đề tài ở Việt Nam hiện nay. Điều này đã từng được thực hiện đối với một số đề tài thuộc khuôn khổ Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (FIRST) với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới. Theo đó, mỗi đề tài được các chuyên gia Việt Nam đánh giá trên thang điểm của Ngân hàng Thế giới đặt ra và so sánh với kết quả chấm bởi một tổ chuyên gia độc lập tại Mỹ. Gần đây, VinIF, Quỹ đổi mới sáng tạo của Vingroup cũng áp dụng phương thức gần giống như vậy: mỗi đề tài có giá trị từ 5-10 tỉ (gấp 2 – 3 lần với tài trợ của Nafosted hiện nay), được xét duyệt qua ba vòng, vòng sơ loại ban đầu do ba nhà khoa học trong nước thực hiện và hai vòng phản biện về sau có sự tham gia của các nhà khoa học nước ngoài để đánh giá tính khả thi của dự án.

“Vấn đề của nước mình là có quá nhiều nhà khoa học không làm được việc, nhà nước không thể tăng lương cho tất cả các nhà khoa học được” – GS. Nguyễn Ngọc Châu, viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết. Ông cho rằng, cơ chế quỹ sẽ giúp hệ thống chỉ giữ lại những người nghiên cứu “tầm cỡ”, có năng lực cam kết các kết quả nghiên cứu khoa học tiệm cận với tiêu chí quốc tế mà thôi.

“Quốc tế hóa” quy trình tài trợ khoa học như trên ít nhiều được hình dung như một “cây đũa thần” giúp phân bổ nguồn lực khoa học công nghệ hiệu quả và xa hơn là tái cấu trúc lại hệ thống các tổ chức nghiên cứu một cách “tự nhiên”. Về lý thuyết, các tổ chức, cá nhân có năng lực sẽ có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng, giành lấy những nguồn lực tài trợ lớn, giúp nâng cao năng lực nghiên cứu và thu hút những người tài về phía mình, đặc biệt là nâng đỡ cho những nhà nghiên cứu được đào tạo bài bản từ nước ngoài về đang “hừng hực khí thế đóng góp cho đất nước”, như GS. Trần Đức Viên nói. Những tổ chức và cá nhân có năng lực nghiên cứu yếu hơn, không tiệm cận được quốc tế dần dần sẽ tự bị loại ra khỏi hệ thống. Dưới góc nhìn của GS. Viên, quá trình “quốc tế hóa” sẽ phần nào tạo ra những hội đồng đánh giá công tâm, “trả khoa học trở về với khoa học”.

Cần một “luật chơi” có tính khích lệ hơn

Nhưng có thực sự “quốc tế hóa” quy trình tài trợ là con đường duy nhất để tái cấu trúc lại hệ thống? “Bàn tay sắt” đưa hàng trăm tổ chức khoa học công nghệ ở Việt Nam theo một khuôn khổ tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế có đủ để tạo ra các sản phẩm đột phá và lực lượng khoa học công nghệ phục vụ đất nước như GS. Hải đề cập ở trên?

Vấn đề không đơn giản như vậy. Dù có “quốc tế hóa” thì cũng mới chỉ giải quyết được các vấn đề kĩ thuật. Cơ chế quỹ cũng không thể giải quyết được thực trạng mỗi tổ chức phải “chạy ăn từng bữa”, chỉ được làm những đề tài ngắn hạn (trong cùng lắm là hai năm), thậm chí “ôm” nhiều lĩnh vực thì mới đủ đề tài, đủ thu nhập. Theo chia sẻ của GS. Phùng Hồ Hải, “đơn vị nhỏ như chúng tôi hiện nay (Viện Toán học) hiện đang thực hiện hàng trăm cái đề tài, rất nhiều, hồ sơ thủ tục xếp một cột phải đến hàng chục mét giấy. Rất lãng phí, nó là sự chia nhỏ cái đầu tư ra và chẳng (cái nào) đi đến đâu cả”. Các tổ chức có thể có kinh phí tồn tại, nhưng cũng không có thời gian và cam kết với một mục tiêu nghiên cứu để “trưởng thành”.

Đúng là các biện pháp “quốc tế hóa” có thể giúp duy trì các tổ chức có năng lực và loại bỏ các tổ chức hoạt động không hiệu quả. Nhưng nếu các tổ chức không hiệu quả đó lại thuộc những lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì sao? Nếu nhìn vào danh sách kết quả nhận tài trợ của Nafosted theo lĩnh vực, các tổ chức khoa học xã hội và nhận văn chỉ có 15 công bố ISI (trong khi con số này của khối khoa học tự nhiên là gần 4000). Vậy số phận của các viện KHXH&NV sẽ đi về đâu?

Theo bà Thu Oanh, không thể áp dụng một biện pháp cứng rắn, một chế tài mạnh mẽ ngay lập tức để phân bổ nguồn lực và từ đó tái cấu trúc các tổ chức khoa học công nghệ. Điều đó có thể không công bằng với hệ thống các viện đang phải chật vật tồn tại trong nền khoa học chưa được “đầu tư để trưởng thành” và nó cũng chưa chắc đã xây dựng được những lĩnh vực khoa học mũi nhọn phục vụ cho phát triển đất nước. Dưới quan điểm của bà, việc sắp xếp 700 tổ chức khoa học công nghệ hiện giờ nhất thiết cần một “luật chơi”, một “lộ trình” được mọi người chấp nhận. Trong đó, cần phải đầu tư để có một “bức tranh”- một bản đánh giá khách quan năng lực, điểm mạnh, điểm yếu trong hiệu quả hoạt động của mỗi tổ chức. Từ đó đưa ra khuyến cáo và kiến nghị để từng tổ chức thay đổi và điều chỉnh trong một thời hạn nhất định để hoạt động hiệu quả hơn, có thể là trong vòng năm năm với một mức đầu tư phù hợp. Sau đó, nhà nước cần có chiến lược cụ thể hơn về các lĩnh vực cần tập trung và sau có những biện pháp sáp nhập, giải thể phù hợp đồng thời đầu tư tới hạn, xứng đáng cho tổ chức viện mới theo các tiêu chí đánh giá và tài trợ nghiêm cẩn của quốc tế.

Không thể áp dụng một biện pháp cứng rắn, một chế tài mạnh mẽ ngay lập tức để phân bổ nguồn lực và từ đó tái cấu trúc các tổ chức khoa học công nghệ. Điều đó có thể không công bằng với các viện vốn phải chật vật tồn tại trong nền khoa học chưa được “đầu tư để trưởng thành” và nó cũng chưa chắc đã xây dựng được những lĩnh vực khoa học mũi nhọn phục vụ cho phát triển đất nước.

Việc sắp xếp 700 tổ chức khoa học công nghệ hiện giờ nhất thiết cần một “luật chơi”, một “lộ trình” được mọi người chấp nhận.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Nguyên Phó viện trưởng Viện Đánh giá Khoa học và Định giá Công nghệ, Bộ KH&CN