Thiếu các chính sách toàn diện, đến nay, các trường phổ thông, đặc biệt là khối công lập, chưa có đủ căn cứ và các điều kiện để bắt tay vào thực hiện hoặc phát triển giáo dục STEM dựa trên các “phong trào” đã được nhen nhóm trong thời gian qua.

Format của Ngày hội STEM không khác biệt nhiều so với thế giới, gồm ba phần chính: trưng bày các dự án STEM, hội thảo về giáo dục STEM, và các bài giảng khoa học dành cho đại chúng. Trong ảnh: Các học sinh nữ cấp 1 tìm hiểu về lập trình robot tại Ngày hội STEM 2019. Ảnh: Ngô Hà
Format của Ngày hội STEM không khác biệt nhiều so với thế giới, gồm ba phần chính: trưng bày các dự án STEM, hội thảo về giáo dục STEM, và các bài giảng khoa học dành cho đại chúng. Trong ảnh: Các học sinh nữ cấp 1 tìm hiểu về lập trình robot tại Ngày hội STEM 2019. Ảnh: Ngô Hà

Xuất hiện nhiều nhân tố mới

Cho đến thời điểm hiện tại, có lẽ, không cần phải bàn cãi nhiều về vai trò quan trọng của giáo dục STEM. Nó vừa là tác nhân, vừa là cú hích để thay đổi cơ bản tư duy và phương pháp giáo dục từ nặng về hình thức sang giáo dục thực tiễn, gắn với cuộc sống hằng ngày. Trong vài năm qua, giáo dục STEM đã và đang dần đi vào các hoạt động của một số nhà trường tại các địa phương theo cả hình thức chính khóa và ngoại khóa. Các hoạt động phong trào truyền thống của ngành giáo dục như: Ngày hội xuân, Kỉ niệm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên… đã được nhiều trường chuyển đổi thành Ngày hội STEM. Một số địa phương cũng quan tâm và bước đầu đã tổ chức Ngày hội STEM.

Không chỉ các trường phổ thông chủ động triển khai các hoạt động giáo dục STEM mà một số trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, công ty công nghệ… cũng bắt đầu tích cực tham gia thúc đẩy các hoạt động này, thể hiện rõ nhất qua hai sự kiện: Ngày hội STEM quốc gia và Ngày hội Toán học Mở.

Ngày hội STEM quốc gia là sáng kiến của tạp chí Tia sáng và Liên minh STEM từ năm 2015, đến nay vẫn được duy trì tổ chức hằng năm trong khuôn viên các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội hay ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Có thể coi đây là hoạt động cộng đồng tiên phong về giáo dục STEM, huy động được sự tham gia hào hứng của học sinh, giáo viên, phụ huynh từ nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Format của Ngày hội STEM không khác biệt nhiều so với thế giới, gồm ba phần chính: trưng bày các dự án STEM, hội thảo về giáo dục STEM, và các bài giảng khoa học dành cho đại chúng. Tuy nhiên, sau 5 năm tổ chức, Ngày hội STEM quốc gia đang thật sự cần chuyển đổi sang một format mới, để giống như một lễ tổng kết hoạt động giáo dục STEM trong năm dành cho các trường và cùng với đó là các hoạt động khuyến khích dành cho học sinh như các cuộc thi STEM do các đơn vị uy tín tổ chức và được công nhận, thay vì chủ yếu là những hoạt động trải nghiệm vốn chỉ phù hợp trong giai đoạn sơ khai.

Sau 5 năm tổ chức, Ngày hội STEM quốc gia đang thật sự cần chuyển đổi sang một format mới, thay vì chủ yếu là những hoạt động trải nghiệm. Trong ảnh: Học sinh trường làng Nam Định lập trình robot đua xe chạy theo đường kẻ đen tại Ngày hội STEM 2019. Ảnh: Ngô Hà
Sau 5 năm tổ chức, Ngày hội STEM quốc gia đang thật sự cần chuyển đổi sang một format mới, thay vì chủ yếu là những hoạt động trải nghiệm. Trong ảnh: Học sinh trường làng Nam Định lập trình robot đua xe chạy theo đường kẻ đen tại Ngày hội STEM 2019. Ảnh: Ngô Hà

Cùng trong năm 2015, còn có sự ra đời của một ngày hội khác với tính chất chuyên môn cao hơn là Ngày hội Toán học Mở do Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) tổ chức với sự đồng hành của Học viện Sáng tạo S3 và Trung tâm Toán POMATH. Tại đây, các hoạt động trải nghiệm cung cấp cho học sinh và giáo viên cách nhìn khác về việc dạy và học Toán học; còn các hội thảo cập nhật cho giáo viên, phụ huynh và những người quan tâm về các hoạt động giáo dục Toán học ở Việt Nam và trên thế giới, đồng thời hướng đến việc trả lời một câu hỏi quan trọng cho học sinh: Học Toán để làm gì?

Khác với mô hình Ngày hội STEM, Ngày hội Toán học Mở do đơn vị chuyên môn đứng ra tổ chức, huy động sự đồng hành của các tổ chức giáo dục STEM. Đến nay, hoạt động này đã trở thành nhiệm vụ của VIASM, được triển khai tại nhiều nơi trên cả nước như Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Quy Nhơn,… theo mô hình chuyển giao phối hợp: Các trường đại học hoặc tổ chức giáo dục địa phương đứng ra đăng cai và tổ chức, VIASM hỗ trợ chuyên môn và kết nối các đơn vị đồng hành.


Ba điều kiện cần thiết để triển khai giáo dục STEM tại các trường công lập hiện nay, đó là nhận thức của giáo viên, quản lý các cấp, và phụ huynh học sinh; tập huấn, hướng dẫn xây dựng chương trình có tính địa phương hóa để tận dụng được cơ sở vật chất sẵn có; thay đổi cách đánh giá học sinh dựa vào các hoạt động STEM chứ không chỉ thông qua các bài thi lý thuyết.


Điểm sáng nữa trong các hoạt động giáo dục STEM cộng đồng là sự tham gia của các công ty công nghệ với vai trò nhà tài trợ dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ như Samsung tài trợ phòng công nghệ phục vụ cộng đồng cho TPHCM, và STEM lab cho một số trường phổ thông trên cả nước từ năm 2018. Một công ty nước ngoài khác tham gia hoạt động khuyến giáo dục STEM từ rất sớm tại Hà Nội là Panasonic từ năm 2010. Trung tâm Panasonic Risupia là mô hình trải nghiệm STEM dành cho công chúng, đặc biệt là học sinh, được nhập nguyên từ Nhật Bản về.

Về phía các công ty công nghệ Việt Nam, đến nay mới có Tập đoàn Vingroup tiên phong trong việc phổ biến và khuyến khích các hoạt động giáo dục STEM. Thông qua trường Đại học VinUni, Vingroup đã tài trợ cho chương trình đưa giáo dục STEM về các trường THPT trên cả nước, từ cơ sở vật chất, giáo trình đến đào tạo giáo viên. Đồng hành về mặt chuyên môn trong dự án này có Học viện Sáng tạo S3, Học viện Kidscode STEM và Trung tâm Toán POMATH. Đây là chương trình hỗ trợ cho giáo dục STEM phổ thông lớn nhất tại Việt Nam tính đến nay do một công ty tư nhân tài trợ. Chương trình đã kéo dài 2 năm và được triển khai ở khoảng gần 100 trường THPT từ Hà Giang cho tới mũi Cà Mau.

Nhưng vẫn thiếu điểm tựa chính sách

Ngày hội STEME diễn ra tại trường ĐH VinUni, Hà Nội, 18/10/2020, là một hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ đưa Giáo dục STEM tới học sinh THPT do Vingroup tài trợ. Trong ảnh: Dù thắng hay thua, các đội thi đều vui vẻ bắt tay nhau. Nguồn: BTC
Ngày hội STEME diễn ra tại trường ĐH VinUni, Hà Nội, 18/10/2020, là một hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ đưa Giáo dục STEM tới học sinh THPT do Vingroup tài trợ. Trong ảnh: Dù thắng hay thua, các đội thi đều vui vẻ bắt tay nhau. Nguồn: BTC

Giáo dục STEM đã từng bước được triển khai tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau, khởi đầu từ những tổ chức, cá nhân yêu mến và nhận thấy sự cần thiết của giáo dục STEM cho việc phát triển đất nước; rồi đến chính sách triển khai thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa xuất hiện các chính sách toàn diện - từ các chính sách vĩ mô phát triển nguồn nhân lực đến các chính sách vi mô hướng dẫn triển khai và tiêu chuẩn hoá các hoạt động giáo dục STEM cho giáo viên và học sinh - phục vụ việc phát triển giáo dục STEM ở tầm cỡ quốc gia, mà chỉ dừng ở mức độ “ném đá dò đường”. Vì thế, giáo viên và nhà trường phổ thông, đặc biệt là khối công lập, chưa có đủ căn cứ và các điều kiện để bắt tay vào thực hiện, hoặc phát triển giáo dục STEM dựa trên các “phong trào” đã được nhen nhóm trong thời gian qua.

Trên tất cả, triển khai giáo dục STEM cần một tư duy mới nên nếu vẫn làm theo cách cũ, thiên về đầu tư trang thiết bị thay vì tập trung vào đào tào con người (giáo viên), thì khả năng thành công của giáo dục STEM ở bậc phổ thông là rất thấp. Một trong những cách mới đó là phải xây dựng được một hệ sinh thái hỗ trợ cho giáo dục STEM với sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội nghề nghiệp, công ty công nghệ, công ty giáo dục và chính phụ huynh học sinh cũng như cựu học sinh.

Thi thiết kế thuyền gắn động cơ tại Ngày hội STEME, trường ĐH VinUni, Hà Nội, 18/10/ 2020. Nguồn: BTC
Thi thiết kế thuyền gắn động cơ tại Ngày hội STEME, trường ĐH VinUni, Hà Nội, 18/10/ 2020. Nguồn: BTC

Việc xây dựng và phát triển một hệ sinh thái giáo dục STEM đã được tác giả đề cập từ năm 2016, nhưng cho đến nay vẫn chỉ dựa vào cộng đồng những người yêu mến giáo dục STEM trên cả nước, với những hoạt động lẻ tẻ, là chính, chứ chưa xuất phát từ chính sách phát triển giáo dục STEM.

Hệ sinh thái giáo dục STEM chính là môi trường cho giáo dục STEM phát triển bền vững. Tham gia vào hệ sinh thái này có nhiều tổ chức như: trường đại học, viện nghiên cứu, công ty công nghệ, tổ chức giáo dục và chính phụ huynh học sinh. Các tổ chức sẽ tương tác trong vai trò và vị trí khác nhau với nhà trường phổ thông, chẳng hạn, trường đại học và viện nghiên cứu có thể hỗ trợ tập huấn giáo viên, tổ chức các cuộc thi STEM cho học sinh, tổ chức các hoạt động phổ biến kiến thức cho cộng đồng, tổ chức mạng lưới Đại sứ STEM… ; các công ty công nghệ có thể tham gia tài trợ cho các hoạt động giáo dục STEM, tổ chức các hoạt động cộng đồng về giáo dục STEM…