Một nhóm các nhà khoa học Việt Nam vừa tiến hành nghiên cứu nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của các yếu tố như năng lực sử dụng máy tính, tác động bên ngoài, tương tác giữa thầy và trò… đến nhận thức của sinh viên về tính gần gũi người dùng và tính hữu dụng của hệ thống học trực tuyến.

Thanh Ngân, sinh viên Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, học online trong thời gian giãn cách xã hội. Nguồn: vnu.edu.vn
Thanh Ngân, sinh viên Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, học online trong thời gian giãn cách xã hội. Nguồn: vnu.edu.vn

Trước ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch COVID-19, nền giáo dục toàn cầu đã buộc phải chuyển mình từ hình thức học tập trực tiếp truyền thống sang trực tuyến nhằm đối phó với tình trạng đóng cửa trường học kéo dài. Tuy nhiên, không phải trường đại học nào cũng có khả năng ứng dụng mô hình này do thời gian chuẩn bị quá gấp gáp cũng như sự thiếu hụt về đào tạo chuyên môn cho giảng viên.

Trong bối cảnh đó, nhóm các nhà khoa học Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của 4 yếu tố đối với nhận thức và thái độ của sinh viên về tính gần gũi người dùng (perceived ease of use – PEOU) và tính hữu dụng (perceived usefulness – PU) của hệ thống học trực tuyến, gồm:

(1) năng lực sử dụng máy tính (computer self-efficacy – CSE);

(2) tác động từ mối quan hệ xã hội (interpersonal influence – INI), gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp;

(3) tác động bên ngoài (external influence – EXI), gồm các báo cáo phân tích từ truyền thông đại chúng và ý kiến chuyên gia, và

(4) tính tương tác của môi trường (system interactivity – SI), là sự trao đổi và hợp tác giữa giảng viên và sinh viên

Nghiên cứu có tiêu đề “Students’ adoption of e-learning in emergency situation: the case of a Vietnamese university during COVID-19” (Sinh viên học trực tuyến trong bối cảnh khẩn cấp: ví dụ từ một trường đại học Việt Nam trong dịch COVID-19), được công bố trên tạp chí Interactive Technology and Smart Education thuộc dữ liệu Emerald Insight (Q2 theo Scimago-Scopus và CiteScore 2.2 năm 2019).

Nghiên cứu sử dụng khung lý thuyết TAM (Technology Acceptance Model) và phương pháp định lượng để phân tích kết quả khảo sát. Bộ câu hỏi được phát trực tuyến cho 856 sinh viên của một trường đại học Việt Nam có bốn chi nhánh tại Hà Nội, Cần Thơ, TPHCM và Đà Nẵng.

Trong số 618 phản hồi hợp lệ nhận được, 80,9% số sinh viên cho rằng các em chưa từng trải nghiệm hình thức học trực tuyến như trong mùa dịch COVID-19. Tỉ lệ nam và nữ thực hiện khảo sát gần như ngang nhau (52,3% và 45,5%). Gần một nửa số sinh viên được khảo sát đang học năm thứ nhất, tiếp theo là sinh viên năm thứ hai (27,5%), năm thứ ba (12,8%) và năm cuối (11,3%). 36,2% đang theo học ngành Công nghệ Thông tin; 40,1% theo học ngành Kinh doanh; còn lại theo học các ngành Ngôn ngữ, Truyền thông đa phương tiện và Thiết kế đồ họa.

Kết quả phân tích cho thấy, năng lực sử dụng máy tính của sinh viên (CSE) và tính tương tác của môi trường (SI) ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức của các em về tính gần gũi người dùng của hệ thống học trực tuyến. Khi mọi hoạt động dạy và học được thực hiện trực tuyến, sự tự tin về năng lực sử dụng máy tính sẽ giúp các em dễ dàng làm quen với hình thức mới này trước và kể cả sau dịch COVID-19. Tương tự, tương tác giữa giảng viên với sinh viên và giữa sinh viên cũng rất quan trọng. Nếu hệ thống học trực tuyến mang tính tương tác cao, sinh viên sẽ được hỗ trợ giải quyết kịp thời những khó khăn trong quá trình học trực tuyến. Điều này dẫn tới đánh giá tích cực của sinh viên về độ gần gũi người dùng của hệ thống học trực tuyến; đồng thời cho phép các em giao tiếp hiệu quả hơn về những suy nghĩ cá nhân và chủ động tự thiết kế lộ trình học phù hợp sau khi trao đổi với giảng viên và bạn bè.

Bên cạnh đó, nếu sinh viên có thể duy trì giao tiếp hiệu quả trong điều kiện học trực tuyến, các em sẽ tin tưởng hơn vào tính hữu dụng của hệ thống này trong việc chuẩn bị nền tảng kiến thức phục vụ mục đích học và làm việc trong tương lai. Hơn nữa, nếu lợi ích của hình thức học tập trực tuyến được phổ biến rộng rãi thông qua các yếu tố xã hội như bạn bè, người thân, phương tiện truyền thông hay các nguồn tin tức, sinh viên sẽ dễ dàng chấp nhận phương án học trực tuyến hơn.

Tuy nhiên, trái với các phát hiện trước đây, nhóm tác giả không tìm được mối liên hệ trực tiếp giữa tính gần gũi người dùng đối với thái độ của sinh viên về việc học trực tuyến. Kết quả vẫn hợp lí bởi các sinh viên khảo sát tại trường đại học trong nghiên cứu này đã được tiếp xúc với việc sử dụng máy tính và mạng Internet thường xuyên trong quá trình học trên lớp và trong cuộc sống hằng ngày.

Gợi mở cho chương trình đào tạo hậu COVID

Từ những phát hiện trên, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị cho các trường đại học Việt Nam trong việc quản lí chất lượng đào tạo và phát triển hệ thống giảng dạy đáp ứng nhu cầu thực tế của tương lai.

Trước tiên, việc nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho sinh viên là vô cùng cần thiết, đặc biệt khi các trường đại học đang thí điểm những hướng đi mới trong dạy và học. Việc học trực tuyến trên diện rộng trong thời kì dịch bệnh cũng là bước đi đầu tiên gợi mở những thay đổi trong chương trình đào tạo hậu COVID, cụ thể là áp dụng nhiều yếu tố trực tuyến hơn và tăng cường chuyển đổi số các hoạt động giáo dục một cách hiệu quả.

Đồng thời, các trường đại học nên rà soát và thiết kế lại khung chương trình để tăng thời lượng và số lượng của các hoạt động trao đổi giữa giảng viên-sinh viên trong và ngoài lớp, trên cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Điển hình, cần có một hệ thống giao tiếp hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho giảng viên giúp đỡ sinh viên ngoài giờ lên lớp, hoặc sinh viên có thể tự giải đáp các thắc mắc bằng tính năng hỗ trợ tự động trực tuyến.

Mặt khác, do các yếu tố xã hội ảnh hưởng tới thái độ chấp thuận học trực tuyến của sinh viên, các trường đại học có thể mở rộng các kênh thông tin nhằm truyền đạt tính khả thi và hữu dụng của hình thức học tập này trong quá trình giãn cách xã hội hoặc các tình huống khẩn cấp tương tự. Nguồn ảnh hưởng có thể đến từ các giảng viên, nhân vật công chúng (KOLs), chuyên gia và mạng xã hội/phương tiện truyền thông đại chúng. Không chỉ dừng lại ở việc học trực tuyến trong thời kì COVID, sinh viên nên được ủng hộ tìm hiểu và làm quen dần với các khóa học trực tuyến mở (MOOCs).

Tóm lại, những giải pháp nêu trên sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách và nhà quản lí giáo dục bậc đại học chuẩn bị tốt hơn để đối phó với tình hình hiện tại và trau dồi kĩ năng cho những tình huống khẩn cấp trong tương lai.

Dù đã bao quát các khía cạnh của vấn đề học trực tuyến, nghiên cứu vẫn không thể tránh khỏi một số điểm hạn chế. Thứ nhất, nghiên cứu chỉ tập trung khảo sát chương trình đại học, bởi vậy cần cẩn trọng trong việc áp dụng kết quả nghiên cứu để phân tích chương trình của các cấp học khác, ví dụ như bậc phổ thông, đào tạo nghề, hoặc sau đại học. Thứ hai, phương tiện học trực tuyến được nghiên cứu chỉ giới hạn trong một ứng dụng là Google Meet. Vì vậy, cần những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai, hướng tới so sánh và phân tích những ứng dụng/hình thức khác của hệ thống học trực tuyến. Cuối cùng, các nghiên cứu sau nên sử dụng thang đo Likert gồm 5 và 7 mức độ trong câu trả lời và bổ sung các câu hỏi đảo ngược để giảm thiểu những thiên kiến phổ biến trong thiết kế khảo sát. Những chỉnh sửa này sẽ ngăn chặn được việc người thực hiện khảo sát đưa ra đáp án giống nhau cho toàn bộ các câu hỏi.

Nguồn tham khảo:

Nguyen, T. T. H., Sivapalan, S., Pham, H. H., Nguyen, L. T. M., Pham, A. T. V., & Dinh, H. V. (2020). Students’ adoption of e-learning in emergency situation: the case of a Vietnamese university during COVID-19. Interactive Technology and Smart Education. Advance online publication. https://doi.org/10.1108/ITSE-08-2020-0164