Các cam kết khắt khe về bảo hộ (SHTT) trong EVFTA và CPTPP đã đặt ra yêu cầu đánh giá, rà soát và sửa đổi Luật SHTT nhằm tạo điều kiện tối ưu cho người dân và doanh nghiệp.

Đó là những nội dung được thảo luận tại “Hội thảo Phổ biến chính sách, pháp luật SHTT và tham vấn Báo cáo đánh giá tác động chính sách sửa đổi Luật SHTT” do Bộ KH&CN, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, Bộ NN&PTNT đồng tổ chức ngày 7/10 tại Hà Nội.

Các diễn giả tại Hội thảo. Ảnh: Bảo Như

Hiện nay đa phần tài sản trí tuệ như sáng chế được tạo ra từ các đề tài, dự án thuộc ngân sách nhà nước chưa được thương mại hóa hiệu quả và gây lãng phí nguồn ngân sách. Một phần nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này, theo ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng phòng Pháp chế, Cục SHTT, Bộ KH&CN là do quy định hiện hành, đó là sở hữu công của nhà nước và các đơn vị chủ trì chỉ được giao sử dụng mà không có động lực phải đi thương mại hóa các kết quả đó. Điều này không phù hợp trong bối cảnh thúc đẩy kinh tế tri thức dựa vào thành quả của các nghiên cứu khoa học.

Tương tự, những quy định về SHTT đối với giống cây trồng cũng làm khó người tạo ra giống và chưa phù hợp trong hội nhập quốc tế. Chẳng hạn, quy định về việc cho nông dân giữ giống ở Việt Nam (VN) trái với công ước UPOV về Bảo vệ quyền tác giả đối với giống cây trồng mà VN đã tham gia từ năm 2006, theo ông Nguyễn Thanh Minh, Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT. Cụ thể, Luật SHTT cho phép “nông dân được tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích của mình” vì trước đây nền nông nghiệp VN còn manh mún, việc “trì hoãn” để người nông dân được hưởng lợi hơn. Nhưng trong bối cảnh nông sản VN đang ngày càng tham gia thị trường khó tính có nhiều quy định chặt, không thể vẫn tiếp tục “lờ đi” điều ước quốc tế này.

Hai câu chuyện trên cho thấy, có nhiều vấn đề cần phải sửa đổi trong Luật SHTT. Không thể phủ nhận rằng cho tới nay Luật SHTT đã tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ nhưng sau hơn chục năm cũng đã phát sinh những vướng mắc, theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT chia sẻ. Mặt khác Luật cũng chưa tương thích để để bảo đảm thi hành các cam kết về SHTT trong các FTA mà VN đàm phán ký kết, mà theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhận xét, nếu “tham gia vào cuộc chơi với thế giới mà không theo luật chơi chung thì chúng ta sẽ thua, thua ở nhà, thua khắp nơi”.

Bảo vệ quyền sở hữu

Lần sửa đổi bổ sung cho Luật SHTT này được thực hiện trên ba lĩnh vực: Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý; Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa; và Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.

Nhìn chung, những sửa đổi mới có xu hướng bảo hộ, tạo điều kiện hơn cho những người muốn đăng ký bảo hộ SHTT cũng như sẽ làm rõ những khái niệm mới, chưa rõ trong luật. Điều này thể hiện ở việc tính mới của sáng chế vẫn được công nhận ngay cả khi đã bị bộc lộ, hay bảo hộ quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, mở rộng các tiêu chí để bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu (trước đây, nhãn hiệu chỉ là dấu hiệu có thể nhìn thấy bằng mắt thì bây giờ mở ra thêm là các dấu hiệu âm thanh, mùi vị), mở rộng đối tượng bảo hộ (bảo hộ sản phẩm chế biến từ vật liệu thu hoạch) giới hạn quyền về việc giữ giống... Về quy trình nộp hồ sơ thì giờ đây, các tác giả có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu công nghiệp, bản quyền tác giả qua mạng…

Ví dụ, trong trường hợp các sáng chế là sản phẩm của các đề tài, dự án nhà nước như trên, thì quy định mới sẽ cởi mở hơn ở chỗ, mặc dù sáng chế đó vẫn là “tài sản của nhà nước theo Luật quản lý tài sản công”, nhưng sẽ “cho phép đơn vị chủ trì sẽ đứng tên văn bằng bảo hộ, sẽ có hàng loạt các quyền gần giống quyền của chủ sở hữu, trừ một số quyền nhất định như mua bán”, ông Nguyễn Văn Bảy nói. Đối với quy định giữ giống, cần phải “giới hạn nông dân giữ giống trong phạm vi diện tích là bao nhiêu, loại giống cây trồng nào”, ông Nguyễn Thanh Minh nói. Mặt khác, VN cũng cần bổ sung quy định về bảo hộ sản phẩm chế biến từ vật liệu thu hoạch, để nhằm ngăn chặn hành vi đưa nguyên liệu bất hợp pháp chế biến ở nước ngoài nhập về VN.


Xác định vi phạm SHTT ở mức độ nào được coi là “quy mô thương mại” còn chưa rõ ràng. Ảnh: Tuvanluat.vn

Tính khả thi

Đây đều là những vấn đề hết sức thiết thân tới người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập nhưng còn ít được quan tâm, ý thức chấp hành luật pháp, tôn trọng và bản vệ quyền SHTT của người dân còn yếu; còn để các quan chức từ cấp tỉnh tới trung ương quan tâm cũng là “rất vất vả”, và cũng có phần do “tác động từ đàm phán thương mại quốc tế”, theo chia sẻ của nhiều đại biểu ở Hội thảo. “Thậm chí có những bộ phim được đầu tư nhiều tỉ đồng nhưng không thuê luật sư hay người có chuyên môn về SHTT chuẩn bị “đầu vào” cho phim, để đến lúc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói.

Vì thế, việc sửa đổi lần Luật phải tính đến khả năng thực thi trong thực tế, “làm sao để chính sách, chiến lược [về sở hữu trí tuệ] đi vào đời sống, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội” là điều mà “chúng tôi rất trăn trở”, như ông Đinh Hữu Phí chia sẻ.

Trên thực tế “luật trên giấy không phải là vấn đề quá lớn”, vì “tất cả các văn bản mà chúng ta đang có đều tương đối tương thích vởi quốc tế nhưng tính thực thi rất yếu”, theo luật sư Lê Xuân Lộc. Với tư cách một luật sư chuyên xử lý tranh chấp về các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông nhận thấy “các cơ quan thực thi chưa có đủ kiến thức để hiểu, để diễn giải ngay cả những điều đơn giản nhất cũng cứ chạy đến giám định, đến Cục SHTT để hỏi”.

Mặt khác, việc thảo luận sửa đổi bổ sung cũng không thể chỉ dừng lại trong giới hạn của Luật SHTT mà đây cũng là lúc phải bàn tới những quy định được đặt ra trong các luật, lĩnh vực hoạt động có liên quan. Chẳng hạn, quy định hình sự hiện nay đặt ra là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý ở quy mô thương mại, nếu gây thiệt hại trên 300 triệu thì xử lý hình sự, nhưng Luật hình sự, được tham khảo từ Hiệp định Trips lại “không có giải thích để thực hiện, và cũng chưa rõ là thiệt hại do vi phạm gây ra sẽ được tính trên cơ sở nào”, theo luật sư Nguyễn Minh Hương. “Mà khi không xác định được giá trị vi phạm thì không biết là ở vi phạm dân sự hay xử phạt hành chính”, bà nói. Đây cũng là kẽ hở luật pháp mà các đối tượng vi phạm có thể tìm cách để lợi dụng để được nhận khung hình phạt nhẹ hơn.

Nối tiếp Hội thảo này, ban tổ chức sẽ tiến hành một hội thảo tiếp theo ở TP Hồ Chí Minh để truyền đạt nội dung sửa đổi trong Luật và lấy ý kiến góp ý. Nhận được những thảo luận, đóng góp chi tiết của các đại biểu tham gia hội thảo, ông Bùi Nguyên Hùng cho biết “sẽ tiếp thu các ý kiến, hoặc nếu không tiếp thu thì sẽ giải trình cụ thể”. Và có thể sẽ có riêng một hội thảo để mời các luật sư, những người thường xuyên hoạt động trong lĩnh vực SHTT góp ý.