Các chiến lược từng rất thành công ở châu Á -Thái Bình Dương từ năm ngoái, có thể không bền vững, về lâu về dài.

Năm ngoái, Trung Quốc, Úc, New Zealand, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) đều theo chiến lược “Không COVID” và nhìn chung thu được kết quả tốt hơn các quốc gia chọn giảm thiểu tác động của COVID.

Người biểu tình đòi mở cửa, nới lỏng các biện pháp chống dịch ở Melbourne, Australia vào 24 tháng 7. Ảnh: AFP.

Nhưng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn hẳn, gánh nặng kinh tế của biện pháp đóng cửa, sự mệt mỏi của người dân vì đóng cửa và giãn cách cũng như ngày càng có nhiều vaccine hơn đang khiến cho các chiến lược “Không COVID” có thể phải đổi chiều.

Úc đang có một đợt bùng phát nghiêm trọng, chỉ sau khi bắt đầu bằng một ca nhiễm virus duy nhất ở Sydney vào giữa tháng sáu, giờ đây là gần 2000 trường hợp mắc mới hằng ngày. Biến thể Delta “cố thủ” trong cộng đồng ở New South Wales and Victoria sẽ khiến mục tiêu đưa tình trạng xã hội trở về “Không COVID” không khả thi. Trong khi đó, các đợt giãn cách và các hạn chế khác ảnh hưởng đến khoảng một nửa dân số của đất nước đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn và thậm chí đã có bạo lực nổ ra.

Vào ngày 6/8, Chính phủ Úc đã phê duyệt kế hoạch mới, loại bỏ chiến lược “Không COVID”. Một nghiên cứu mô hình của Viện Peter Doherty về Nhiễm trùng và Miễn dịch tại Đại học Melbourne cho thấy rằng có thể dần dần nới lỏng các hạn chế mà không làm quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe sau khi 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ (tỷ lệ hiện tại của Úc là 60%.) Sau đó có thể nới lỏng hơn nữa khi tiêm được 80%.

Tám tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc đang dần thực hiện kế hoạch. Tới đây, những người đã tiêm đủ hai liều sẽ không còn phải ở nhà, nhưng hiện tại thì người dân vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và hạn chế tụ tập đông người. Nhưng cũng có những ví dụ cho thấy cách tiếp cận khá cứng nhắc, như một số bang khác sẽ áp dụng các biện pháp cấm du khách từ các khu vực khác đến. Một số nhà dịch tễ học đã nhìn nhận vấn đề một cách thực tế hơn, rằng Úc rồi cũng sẽ phải chấp nhận có sự gia tăng số ca bệnh nặng và tử vong ở một mức độ nhất định nào đó.

Ngược lại, New Zealand đang gắn bó với chiến lược loại trừ COVID của mình, chiến lược này đã thành công hơn của Úc. Michael Baker, một nhà khoa học y tế công cộng tại Đại học Otago, Wellington cho biết quốc gia này đã thực hiện “cách tiếp cận nhanh chóng, dứt khoát” trong việc “áp dụng các biện pháp ngăn chặn tối đa ngay khi phát hiện các ca COVID-19”. New Zealand đang ở cao điểm của đợt bùng phát dịch, bắt đầu vào ngày 17/8 và sau đó cả nước lại giãn cách xã hội. Tỷ lệ nhiễm từng lên tới 84 ca vào ngày 28/8 và một lần lặp lại mốc cao vào ngày 2/9, nhưng sau đó có xu hướng giảm kể. Nick Wilson, nhà khoa học sức khỏe cộng đồng tại Otago dự đoán: “Vài tuần tới sẽ quay trở lại được tình trạng ‘Không COVID”. “Bất chấp những lần giãn cách đóng của đầy đau đớn, chiến lược ‘Không COVID’ vẫn được ưa chuộng”.

Với nước này, việc tiếp tục chiến lược “Không COVID” đang là “lựa chọn tốt nhất trong giai đoạn này của đại dịch.” Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm chủng đang tăng lên, cũng như khả năng truy vết tiếp xúc đang được cải thiện có thể cho phép nới lỏng một số biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Hiện tại, khoảng 35% người New Zealand trên 12 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, dự kiến ​​tỷ lệ bao phủ từ 80% đến 90% vào cuối năm nay.

Hội đồng tư vấn y tế đang đề xuất về việc cho phép những người đã được tiêm vaccine có thể nhập cảnh trong năm 2022 mà không phải chịu các biện pháp kiểm dịch cách ly bắt buộc chặt chẽ hiện chẽ hiện nay, nếu họ đồng ý với các điều kiện xét nghiệm và theo dõi. Vì những người được tiêm chủng vẫn có thể bị nhiễm SARS-CoV-2, nên “không thể tránh khỏi việc những người mang virus sẽ nhập cảnh vào New Zealand”, dẫn tới “một số đợt lây lan trong cộng đồng”. Nhưng khả năng dập hoặc để các đợt bùng phát không gây hậu quả là khả thi.

Các quốc gia khác đã theo chiến lược “Không COVID” đang nằm giữa hai cực này của Úc và New Zealand. Trung Quốc không công bố kế hoạch thay đổi chiến lược của mình và có lẽ vẫn quyết định tiếp tục loại trừ COVID. Quốc gia này vẫn bóc tách các ca nhiễm, kiểm soát được đợt bùng phát biến thể Delta bắt đầu vào cuối tháng bảy ở Nam Kinh cũng như ở một số thành phố khác; các ca lây nhiễm hằng ngày đã giảm từ gần 150 xuống 0 ca vào đầu tháng chín. Nhưng các ca nhiễm Delta lại xuất hiện ở một vài nơi khác: tỉnh Phúc Kiến đã báo cáo 59 trường hợp mắc mới vào ngày 13/9.

Chiến lược “Không COVID” của Đài Loan cũng đã chịu thách thức vào tháng năm, khi ​​số ca nhiễm virus tăng đột biến lên hơn 700 ca mỗi ngày, nhưng giờ đây đã kiểm soát được - trong tuần này, trung bình chỉ có dưới 10 ca nhiễm mới hằng ngày. Tuy nhiên, một số người đang kêu gọi Đài Loan nới lỏng các hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt và chuẩn bị cho một chiến lược ứng phó dịch bệnh cho phép chấp nhận mức độ ca nhiễm ở một ngưỡng nào đó. Lin Hsien-Ho, nhà dịch tễ học tại Đại học Quốc gia Đài Loan cho biết: Có thể sẽ phải chấp nhận số ca nhiễm ở mức hai con số để người dân bắt đầu thay đổi, chấp nhận [việc có một số ít ca nhiễm trong cộng đồng]. Đã có quá ít ca nhiễm COVID-19 trong một thời gian dài, Đài Loan “kỳ vọng quá mức vào việc sẽ có rất ít ca nhiễm”, ông nhận xét.

Còn Singapore đang thận trọng nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới. Bắt đầu từ ngày 8/9, Singapore bắt đầu cho phép những du khách đã được tiêm chủng từ Brunei và Đức nhập cảnh mà không cần kiểm dịch, như một bước thử nghiệm. Nhưng việc thử nghiệm và mở rộng kế hoạch này có thể bị đình lại vì giờ đây đang có một đợt bùng phát cao điểm, với hơn 450 ca nhiễm được ghi nhận vào ngày 9/9, mặc dù gần 80% cư dân đã được tiêm chủng đầy đủ.

Vào năm ngoái, việc theo đuổi chiến lược loại bỏ COVID đã giúp giảm thiểu các tác động của đại dịch đến sức khỏe cộng đồng và kinh tế và giúp các quốc gia có thời gian “câu giờ” chờ vaccine, chờ thuốc. Nhưng chúng ta có thể chắc một điều rằng, việc từ bỏ chiến lược loại trừ COVID bằng không gần như là con đường một chiều, mặc dù các quốc gia này đều rất thận trọng trong việc mở cửa, nới lỏng các biện pháp chống dịch ở các mức độ khác nhau.

Nguồn: Science doi: 10.1126/science.acx9109