Khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, hàng nông sản Việt Nam sẽ phải đối diện với rào cản về chỉ dẫn địa lý, còn doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm, ghi âm… sẽ gặp bất lợi trong việc bảo hộ nhãn hiệu.
Đó là điều PGS-TS Trần Văn Hải - Chủ nhiệm môn Sở hữu trí tuệ (SHTT), Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - nhấn mạnh khi bàn về vấn đề đổi mới và phát triển doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.
Danh mục nông sản nổi tiếng không có Việt Nam
Việt Nam sẽ ký kết tham gia TPP vào tháng 2 tới và thực hiện các thủ tục pháp lý trình Quốc hội phê chuẩn để hiệp định có hiệu lực. Theo ông Trần Văn Hải, khi TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với các rào cản về chỉ dẫn địa lý.
Ông Hải dẫn một thực tế: Là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam không có sản phẩm nào được Tổ chức SHTT thế giới nhắc đến trong danh mục các nông sản nổi tiếng thế giới. Danh mục này có trà Darjeeling, phomát Parmigiano, rượu vang Bordeaux, thịt bò Kobe, rượu Tequila Mexico…
Đến cuối năm 2015, Việt Nam đã bảo hộ 47 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp, nhưng hiệu quả của việc bảo hộ này trong thương mại quốc tế rất khiêm tốn.
Hiện Cục SHTT của Thái Lan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” cho sản phẩm càphê của Việt Nam, trước đó là chỉ dẫn “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ ở Liên minh châu Âu. Trong khi Việt Nam bảo hộ rượu Pisco của Peru thì ngược lại, Peru không bảo hộ bất kỳ một chỉ dẫn địa lý nào cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
“Chỉ dẫn địa lý chính là điểm bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Họ sẽ phải để các quốc gia còn lại dẫn dắt cuộc chơi trong giao lưu thương mại liên quan đến nông sản, ít nhất là trong nội bộ các quốc gia thành viên TPP” - TS Hải nhấn mạnh.
Theo TS Hải, việc bảo hộ nhãn hiệu đối với các doanh nghiệp mỹ phẩm, âm thanh, dược liệu cũng căng thẳng không kém do một điều khoản của TPP: “Không bên nào được quy định rằng dấu hiệu phải được nhìn thấy là điều kiện để đăng ký nhãn hiệu, cũng không được từ chối việc đăng ký nhãn hiệu là một âm thanh. Ngoài ra, mỗi bên phải nỗ lực để cho phép đăng ký nhãn hiệu có mùi”. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chỉ quy định dấu hiệu nhìn thấy có thể được đăng ký nhãn hiệu và điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kể trên.
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới để hội nhập
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Việt Nam đã hội nhập một cách toàn diện và sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt đối với các nước châu Á - Thái Bình Dương. Chính vì thế, doanh nghiệp cần thể hiện được ý chí của mình, còn cơ quan quản lý nhà nước cũng thấy trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ để hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới.
“Đổi mới công nghệ được xem là vấn đề sống còn của doanh nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn sắp tới, chúng ta không thể cạnh tranh được với thế giới nếu như không đổi mới một cách toàn diện” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ hàng loạt chương trình quốc gia về KH&CN, trong đó tập trung vào doanh nghiệp. Bộ luôn xác định doanh nghiệp là trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ, là địa chỉ để chuyển giao công nghệ.
Trong quá trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, Bộ KH&CN đã thể hiện vai trò hỗ trợ của mình thông qua các chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Thủ tướng cũng đã cho phép thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
“Chúng tôi sẽ đầu tư cho các doanh nghiệp chủ lực, mũi nhọn để đổi mới công nghệ. Ngoài các chương trình quốc gia dành cho doanh nghiệp còn có các chương trình khác được Chính phủ phê duyệt, như chương trình quốc gia Phát triển công nghệ cao, trong đó phần hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ cao, chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia với phần hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam như lúa gạo, vắcxin…” - Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.