Vừa qua, trong khuôn khổ Hội thảo về Phát triển Thị trường Khoa học Công nghệ, Ông Cố Vân Tường – Chuyên gia cao cấp từ Sàn Giao dịch công nghệ Trung Quốc (Ctex) đã tới chia sẻ kinh nghiệm trong 8 năm xây dựng và phát triển Ctex.

Vào thời điểm Ctex thành lập, Trung Quốc đã có hàng chục sàn giao dịch công nghệ trên khắp cả nước, như Thượng Hải, Thẩm Dương, Vũ Hán, Nam Quảng Tây, Thạch Gia Trang (Hà Bắc),… Tuy nhiên, chỉ trong 8 năm xây dựng và phát triển, đến nay Ctex đã vươn lên vị trí số 1 trên thị trường, trở thành sàn giao dịch cấp quốc gia duy nhất. Mỗi năm Ctex thực hiện các thương vụ chuyển giao có giá trị tới 25.000 vạn tệ, và thu phí 20% tổng giá trị giao dịch thành công. Lợi nhuận năm 2016 là 20 tỷ NDT

Mạng lưới hội viên vững mạnh

Với tham vọng “trụ sở ở Bắc Kinh nhưng phục vụ cả nước”, Ctex đã tìm cách vượt qua chướng ngại về rào cản địa lý bằng cách đưa “tai mắt” tới tận địa phương, kết nối từng cơ sở khoa học tiềm năng và các doanh nghiệp với Ctex thông qua đội ngũ hội viên kinh tế - thường là các cơ quan quản lý khoa học, hiệp hội doanh nghiệp, trường đại học… Họ sẽ tổng hợp các công trình khoa học ở đơn vị mình hoặc môi giới khách hàng tới Ctex, từ đó tạo thành hệ thống thông tin cung – cầu đa dạng và luôn cập nhật.

Ctex hiểu rằng nguồn lực của cá nhân Sàn không đủ để cung cấp trọn vẹn các dịch vụ trong quá trình chuyển giao, thay vào đó Ctex đã thuê các công ty chuyên nghiệp về đấu giá, kiểm toán, pháp lý, sở hữu trí tuệ,.. làm hội viên dịch vụ - đảm nhiệm vai trò tư vấn, giải quyết các thủ tục trong quá trình chuyển giao công nghệ.

Ctex còn có đội ngũ hội viên năng lực là các cơ sở nghiên cứu khoa học sẽ thực hiện công việc R&D, đơn đặt hàng theo yêu cầu riêng từ khách hàng của Ctex. Ctex mang việc đến cho hội viên và là khách hàng mua dịch vụ theo chuyên môn của hội viên. Nhưng đồng thời cũng cộng tác cùng hội viên để mang đến dịch vụ chuyển giao công nghệ hoàn chỉnh tới cho các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp, bên cấp vốn,.. có nhu cầu chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, Ctex cũng xây dựng cho mình đội ngũ chuyên gia cao cấp về kinh tế, kỹ thuật, pháp lý, phụ trách định giá sáng chế đồng thời hợp tác với hơn 400 tổ chức chuyển giao công nghệ trên thế giới.

Phiên đấu giá bằng sáng chế đầu tiên của Ctex. Nguồn: Ctex.cn

Hiện nay Ctex chỉ có khoảng 70 nhân viên nhưng Sàn hiện đang quản lý tới 2 vạn nguồn thông tin về nhân lực tại các trường đại học và viện nghiên cứu, 5 nghìn thông tin về các đơn vị có năng lực tài chính. Ctex cũng nắm trong tay 10 vạn bản quyền cần chuyển giao, 15 vạn sáng chế đang được đặt hàng hoặc có nhu cầu.

Tiên phong đổi mới sáng tạo

Nằm ở trung tâm con phố khởi nghiệp Trung Quan Thôn nổi tiếng nhất Trung Quốc, Ctex đã tiên phong thực hiện cuộc đấu giá bằng sáng chế quy mô lớn đầu tiên tại Trung Quốc – đấu giá 64 sáng chế của Viện Công nghệ Máy tính (thuộc CAS) và chuyển giao thành công 28 sáng chế, với tổng doanh thu là gần 3 triệu NDT (16/12/2010).

Dù đã phổ biến từ lâu trên thế giới nhưng hoạt động đấu giá lại khó tổ chức tại Trung Quốc bởi tính chất phức tạp của mặt hàng đấu giá – bằng sáng chế, do còn nhiều vướng mắc về khả năng phối hợp cũng như tính trung lập của các bên tham gia.

Giải pháp của Ctex là thiết lập nền tảng bên thứ 4 gồm nhiều nhóm phụ trách các hạng mục khác nhau của công việc đấu giá và chuyển giao, nhằm kiểm soát lẫn nhau. Nhờ mạng lưới hội viên và đối tác có sẵn, Ctex có thể tập hợp đầy đủ được nhóm làm việc cần thiết cho công tác tổ chức, bao gồm: trung gian chuyển giao, nhà cung cấp dịch vụ pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ và nhà đấu giá chuyên nghiệp. Qua nhiều phiên đấu giá, những kinh nghiệm thực tiễn của Ctex đã được tóm tắt và trở thành tiêu chuẩn hay quy định trong nhiều chính sách quốc gia, bao gồm Luật Khuyến khích Chuyển giao Công nghệ 2015.

Thành công lớn nhất của Ctex phải kể đến nền tảng thương mại công nghệ trực tuyến (E-Net), hỗ trợ đấu giá trực tuyến và thực hiện các giao dịch niêm yết sẵn giá. E-Net của Ctex còn được tích hợp kỹ thuật tự động đánh giá sáng chế dựa trên trên 3 khía cạnh: luật – công nghệ - kinh tế, giống như trong thực tế, có giá trị tham khảo cho khách hàng. Nhờ vậy, khách hàng của Ctex không cần phải đến gặp mặt trực tiếp, từ đó giúp giải quyết rào cản địa lý – vướng mắc lớn nhất để kết nối cung cầu ở mọi miền đất nước. Đối với các chứng chỉ sáng chế phổ thông, người mua có thể mua trực tiếp mà không phải qua nhiều bước trung gian, vì thế Ctex có thể bán được hàng vạn chứng chỉ sáng chế mỗi năm.

Sau khi xây dựng E-Net, các thủ tục đều được thực hiện trên mạng và Ctex đang tiến dần đến chuẩn hóa và hoàn thiện mô hình, quy trình chuyển giao, điều này đã giúp giải quyết một khối lượng lớn công việc mà trước đây nhân viên phải thực hiện bằng tay. Tận dụng công nghệ đã giúp Ctex công khai số lượng giao dịch lên tới 7,5 tỷ USD tính đến năm 2016 – 2017.

Thành công của Ctex còn đến từ năng lực cung cấp dịch vụ một cửa – Ctex thực hiện toàn bộ các dịch vụ từ cấp bằng sáng chế, tìm đối tác chuyển giao, hỗ trợ tài chính,… xuyên suốt quá trình chuyển giao. Đồng thời, Ctex cũng phát triển nhiều hình thức chuyển giao đa dạng: ươm tạo, hợp tác chuyển giao, trao đổi năng lực,… đáp ứng được hầu hết các nhu cầu cơ bản của khách hàng cũng như sẵn sàng làm việc theo đơn đặt hàng riêng thuộc nhiều lĩnh vực: dược phẩm, nông nghiệp, IoT, hóa học, vật liệu mới, điện thông minh, phần mềm,…

***

Như nhận xét của Quách Thư Quý, tổng giám đốc Ctex: “Ctex được thành lập không phải vì Trung Quốc không có thị trường công nghệ hay tổ chức trao đổi công nghệ. Sứ mệnh của Ctex là thực hiện các nỗ lực sáng tạo và cách tiếp cận hiệu quả hơn để thương mại hóa công nghệ.” - Tận tâm với tôn chỉ luôn đổi mới để đem đến cách thức chuyển giao hiệu quả nhất đã giúp Ctex trở thành sàn giao dịch công nghệ thành công nhất Trung Quốc, góp phần thay đổi không chỉ thị trường chuyển giao công nghệ mà cả chính sách khoa học thúc đẩy thương mại hóa ở quốc gia này.