GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đã thông tin như vậy tại hội thảo “Nữ trí thức và công cụ sở hữu trí tuệ trong đổi mới, sáng tạo”.

Hội thảo do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội, Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức ngày 12/4, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho biết, cùng với Thông điệp của Tổng giám đốc WIPO, mỗi năm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới đều có một chủ đề riêng xoay quanh hoạt động sáng tạo và đổi mới. Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay được WIPO lựa chọn là “Tiếp sức cho những thay đổi – Phụ nữ với hoạt động đổi mới sáng tạo”. Chiến dịch kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới năm nay tôn vinh tài năng, sự khéo léo, ham học hỏi và sự can đảm của phụ nữ - những người bằng lao động sáng tạo của mình đang thay đổi thế giới và định hình tương lai chung của chúng ta.

“Những sáng chế mới lạ và những sáng tạo mà những người phụ nữ tạo ra từ hoạt động nghiên cứu cũng như xuất phát từ việc thực hiện những thiên chức hàng ngày của họ đã làm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong mọi lĩnh vực. Những đóng góp đầy cảm hứng và quan trọng của vô vàn phụ nữ trên khắp thế giới đang tạo ra thay đổi trong thế giới của chúng ta. Thái độ "có thể làm được" của phụ nữ là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta ” – ông Phí dẫn thông điệp và cho rằng chủ đề kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là cơ hội để nêu bật cách thức mà hệ thống sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ những phụ nữ vốn luôn có tố chất đổi mới và sáng tạo trong nỗ lực tìm kiếm nhằm đưa những ý tưởng mới lạ của họ ra thị trường.

Ông Đinh Hữu Phí phát biểu tại hội thảo.
Ông Đinh Hữu Phí phát biểu tại hội thảo.

Đánh giá cao ý nghĩa của buổi tọa đàm, GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, cho biết, hiện Hội có tới 3.100 hội viên, trong đó 70% hội viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên và rất nhiều GS, PGS, TS. Trong số này nhiều hội viên đã có rất nhiều cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và phát triển và họ đã có bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích… Thế nhưng không ít chị chưa phát huy được tài nguyên trí tuệ của mình một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là thông qua việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT.

Theo đó GS Trân Châu kỳ vọng Hội có thể kết nối chặt chẽ hơn giữa cơ quan Cục SHTT và Hội Nữ trí thức Việt Nam nhằm hỗ trợ các hội viên - các nhà khoa học nữ hiểu hơn vai trò của SHTT đối với hoạt động nghiên cứu triển khai cũng như cách thức đăng ký, bảo vệ quyền SHTT của các nhà khoa học.

Đông đảo nhà khoa học nữ tham dự tại buổi hội thảo.
Đông đảo nhà khoa học nữ tham dự tại buổi hội thảo.

Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học nữ đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như những băn khoăn về quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ SHTT đối với kết quả nghiên cứu của mình. Những thắc mắc này đã được ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục SHTT giải đáp chi tiết.

Cũng tại hội thảoông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội đã chia sẻ nhiều thông tin về tình trạng vi phạm SHTT tại Hà Nội đồng thời đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ.

Đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học khi họ phải đánh đổi, hy sinh rất nhiều để dành thời gian cho nghiên cứu, ông Tuấn khẳng định Sở KH&CN Hà Nội luôn hỗ trợ tối đa để nhà khoa học nữ yên tâm với công việc của mình.

Còn ông Đinh Hữu Phí kỳ vọng, hội thảo sẽ là cầu nối giữa các nhà khoa học với các nhà quản lý cũng như sẽ mở ra những hướng hợp tác trong tương lai giữa Cục Sở hữu trí tuệ với Hội Nữ trí thức trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của nữ trí thức trong hoạt động đổi mới sáng tạo dựa trên công cụ sở hữu trí tuệ.