Phát triển sàn giao dịch KH&CN: Nhà nước không nên cho tiền, hãy cho việc là chia sẻ củ ông Cố Vân Tường – chuyên gia cao cấp của Sàn giao dịch công nghệ Trung Quốc tại hội thảo Phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) sáng 18/1 tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham dự của GS-TS Hoàng Văn Phong – nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN và đại diện các cục, vụ, đơn vị trong và ngoài Bộ KH&CN.
Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cơ quan xây dựng chính sách và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, cá nhân nghiên cứu KH&CN trong và ngoài nước, hoạt động phát triển thị trường KH&CN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng: “Môi trường pháp lý thời gian qua đã được cải thiện. Năng lực nguồn cung và cầu công nghệ đã tăng lên, từ các phía các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mạng lưới các tổ chức trung gian được hình thành, đa dạng về loại hình, từ các tổ chức truyền thống như khu công nghệ cao, công viên phần mềm, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ, sàn giao dịch công nghệ, các sự kiện kết nối cung cầu cho đến các tổ chức mới như tổ chức thúc đẩy kinh doanh và không gian làm việc chung”.
Trên cả nước, hiện đã có 4 khu công nghệ cao (Hòa Lạc, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đồng Nai) cùng với 8 công viên phần mềm, 13 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Công tác phát triển hệ thống các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN trong 5 năm trở lại đây đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, sàn giao dịch công nghệ vẫn chưa thể hiện được vai trò cốt lõi trong việc tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học và định giá công nghệ.
Trước những vấn đề được Thứ trưởng Trần Văn Tùng đặt ra, ông Cố Vân Tường đã chia sẻ các kinh nghiệm trong xây dựng sàn giao dịch công nghệ Trung Quốc và không quên nhấn mạnh: “Trong vận hành hoạt động, nhà nước không được cho tiền mà nên cho việc”.
Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2013, sàn giao dịch công nghệ Trung Quốc được xác định là sàn giao dịch quốc gia, phục vụ xây dựng thị trường giao dịch có tầm ảnh hưởng quốc tế, không ngừng tìm kiếm mô hình chuyển giao công nghệ mới.
“Bộ KH&CN Trung Quốc là đơn vị thành lập và xây dựng mô hình của sàn giao dịch công nghệ Trung Quốc. Khi thành lập, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã xác định, Bộ không cho tiền mà sẽ cho nhiệm vụ. Lý do của chủ trương này là, thời kỳ sàn giao dịch được thành lập, có 2-3 đơn vị khác được nhà nước cấp kinh phí hoạt động nhưng không hiệu quả. Sau 5 năm hoạt động, chúng tôi thấy đây là quyết định đúng hướng” – ông Cố Vân Tường khẳng định.
Theo ông Tường, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 và 12 của nhà nước, mọi dự án về KH&CN đều được nhà nước giao cho sàn giao dịch thực hiện. Nhưng, không có bất cứ sự ưu tiên nào. Nhà nước thực hiện đánh giá về trình độ công nghệ, khả năng đáp ứng nhiệm vụ khắt khe giống các đơn vị khác.
Nếu có hỗ trợ tiền trực tiếp, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần 2-3 năm để đánh giá sự hoạt động hiệu quả của các đơn vị nói chung và sàn giao dịch nói riêng mới quyết định. Điển hình là năm 2012-2013, khi sàn giao dịch công nghệ Trung Quốc đầu tư 200 nghìn vạn tệ để xây dựng một sàn giao dịch nhỏ. Lúc đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN Trung Quốc cho rằng ý tưởng này trùng với ý tưởng của Bộ và quyết định hỗ trợ thêm 700 vạn tệ nữa để xây dựng sàn cấp quốc gia, với quy mô hoạt động lớn hơn.
Thực tế, đến thời điểm này, Trung Quốc đang có 1 sàn giao dịch nhà nước và 29 sàn giao dịch cấp tỉnh. Tuy nhiên, các sàn giao dịch này hoạt động hoàn toàn độc lập và cạnh tranh với nhau. Mỗi sàn giao dịch được hình thành và phát triển theo nhu cầu của thị trường tại chính địa phương đó.