Tiềm năng tiêu thụ robot
Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ robot đầu tiên tại Việt Nam nằm trong khuôn viên Trường Cao đẳng nghề Viglacera tại Khu Công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. Hiện tại, 2 khách hàng lớn nhất của ABB tại Việt Nam là VinFast với 1.000 robot trong dây chuyền lắp ráp ô tô và một công ty điện tử hàng đầu tại Việt Nam với khoảng 3.000 robot khác trong dây chuyền sản xuất linh kiện.
Tổng Giám đốc ABB Việt Nam, ông Brian Hull, cho biết sản lượng của ABB tại Việt Nam trong 3 năm gần đây đã tăng 2 con số mỗi năm, riêng năm 2018, ABB dự kiến doanh thu vượt con số 200 triệu USD. Tập đoàn này đã dành 50% sản lượng tại Việt Nam để xuất khẩu, phần còn lại phục vụ tại thị trường nội địa.
Sự xuất hiện của ABB cho thấy, Việt Nam đang hội tụ đủ những yếu tố về tiềm năng tiêu thụ robot, khi trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm tới, Chính phủ Việt Nam đã “nghĩ nhiều hơn” đến động lực xuất khẩu, thậm chí, đặt mục tiêu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 tăng khoảng 7-8%.
Hiện nay, Chính phủ đang tập trung vào việc phát triển các sáng kiến và ban hành pháp luật để đẩy nhanh quá trình tự động hóa. Đây là xu hướng bắt buộc khi giá nhân công của Việt Nam không còn rẻ và đang ngày một cao hơn, trong khi giá công nghệ đang xu hướng giảm dần, kéo giá bán robot xuống mức thấp hơn.
Thực tế, nhiều nhà máy của Việt Nam đang dịch chuyển dần sang tự động hóa thay cho hoạt động sản xuất gần như thủ công trước đây. Chẳng hạn, Vinamilk đã chi hàng ngàn tỉ đồng cho tự động hóa. Xu hướng này không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp tư nhân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng bắt đầu tìm hiểu các giải pháp kỹ thuật số cho các trạm biến áp và nhà máy điện.
Hai thách thức lớn
Theo ông Brian Hull, có 2 thách thức lớn tại thị trường Việt Nam. Thứ nhất, rất thiếu nhân lực, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư giỏi. Rất khó tìm được đúng người để giao đúng việc. Thứ 2, thuyết phục khách hàng về giá trị thực mà robot mang lại. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào tự động hóa của doanh nghiệp cũng phụ thuộc nhiều yếu tố như chính sách của Nhà nước, định giá của tiền đồng Việt Nam và việc tiếp cận vốn.
Ước tính của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương mới đây cho thấy, đến năm 2030, cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5-62,1 tỉ USD, tương đương mức tăng GDP 7-16% tùy theo từng kịch bản.
Tuy nhiên, báo cáo của World Bank mới đây cho thấy, robot được sử dụng trong sản xuất của Việt Nam thuộc nhóm thấp trong khối ASEAN-6. Mặc dù vậy, đây lại là cơ hội cho thị trường robot mở ra khi Việt Nam muốn thúc đẩy năng suất, chất lượng hàng hóa lên mức cao hơn. Ngày một nhiều thương hiệu tự động hóa đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, trong đó 3 trong 4 thương hiệu hàng đầu trên thị trường robot thế giới đã có mặt tại Việt Nam là ABB, Yaskawa và Kuka.
Thậm chí, Giám đốc Junji Tsuda thuộc Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), cho hay nhiều nhà sản xuất toàn cầu đang trong tư thế chờ đợi, tự hỏi xem liệu họ có nên đưa sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đến những nơi như Việt Nam hay Mỹ hay không. Thực tế, Công ty Kuka đã mở văn phòng đầu tiên tại Hà Nội. Đây là một công ty tự động hóa của Đức đã bị mua lại bởi công ty Trung Quốc vào năm 2017 trong hợp đồng lên tới hàng tỉ USD.
Theo bà Shermine Gotfredsen, Tổng Giám đốc khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương của Universal Robots (UR), robot của UR đang được một số doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực điện tử, giày dép, đồ gỗ nội thất sử dụng. UR dự đoán lĩnh vực tự động hóa của Việt Nam sẽ trị giá 184,5 triệu USD vào năm 2021.
Bộ Công Thương mới đây dự báo, áp lực tự động hóa tại khu vực doanh nghiệp Việt Nam đang ngày một lớn, bởi tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, khách hàng đưa ra những yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm cũng như thời gian giao hàng. Những quy định về an toàn thực phẩm trở nên nghiêm ngặt hơn đối với ngành thực phẩm và đồ uống.
Với nền kinh tế phát triển nhanh và dân số trẻ, Việt Nam đang chuyển mình trở thành một cơ sở sản xuất toàn cầu. Đi cùng với đó, nhu cầu về robot được ước tính sẽ lên tới 1 triệu con vào năm 2020. Theo ước tính của HBS, năm 2019, số lượng robot tại Việt Nam sẽ tăng lên 414.000 con. “Miếng bánh robot tại thị trường Việt Nam có thể sẽ chia ra nhiều phần nhỏ hơn, nhưng Kuka đang là một trong những đối thủ chính của ABB”, ông Brian Hull nhận định.
Tổng Giám đốc ABB Việt Nam tin rằng ABB có thể cạnh tranh được với các đối thủ Trung Quốc, châu Âu và Nhật bằng cách đặt trọng tâm vào việc mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng Việt Nam.