Để xây dựng được phương án công nghệ mà trong đó doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ cần môi trường pháp lý thuận lợi, phương án định giá công nghệ phù hợp, mà các chính sách ưu đãi tài chính cũng cần phải tốt hơn.
Cách đây không lâu (tháng 10/2018), tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI do Bộ Kê hoạch và Đầu tư tổ chức, bên cạnh việc ghi nhận những đóng góp to lớn của FDI đối với nền kinh tế, Hội nghị cũng thừa nhận những tồn tại, hạn chế về việc chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội.
Theo Bộ Khoa học và công nghệ, từ 2010-2017, có 115 hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, với tổng giá trị ước tính khoảng 447.000 tỷ đồng.
Hạn chế cố hữu
Hiện nay, các dự án FDI vẫn chủ yếu là lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, và giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam chưa cao. Nguyên nhân do FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa được như kỳ vọng...
Điều này cũng là dễ hiểu khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã nhận định rằng, Việt Nam có hiệu quả chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI rất thấp và đang có xu hướng tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc…, thậm chí xếp sau cả Lào, Campuchia.
Trong bối cảnh hội nhập, chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng, việc thu hút các dòng vốn trở nên ngày càng cạnh tranh gay gắt đòi hỏi tự thân doanh nghiệp trong nước phải có sự chuyển đổi sâu sắc, theo hướng chủ động tiếp nhận, đầu tư, nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Kinh nghiệm từ Thái Lan
Thời gian gần đây, khi nhắc đến những bài học về chuyển giao công nghệ, chúng ta thường nghe nhiều tới kinh nghiệm từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… Trong đó, Thái Lan là một trong những quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam.
Nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuyển giao công nghệ, Thái Lan đã xây dựng nhiều kế hoạch, trong đó có thể kể đến Kế hoạch phát triển khoa học công nghệ, giai đoạn 1997-2006, Quy hoạch ngành ô tô xe máy (2002 – 2006), Chiến lược Quốc gia về khoa học và công nghệ (2004-2013)…
Những kế hoạch này góp phần nâng cao vai trò của khoa học và công nghệ trong việc phát triển kinh tế nhằm hoàn hiện các mục tiêu cụ thể. Trong đó, có thể kể đến mục tiêu tăng tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ để phát triển kinh tế, xã hội hướng tới sự cân bằng giữa ba khu vực: công nghiệp, kinh tế cộng đồng và xã hội.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử bao gồm phần mềm và vi mạch cũng được tập trung đầu tư để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Để hiện thực hoá mục tiêu này, Thái Lan đã thiết lập các cơ quan quản lý theo cụm nhằm hỗ trợ các hoạt động liên kết và hợp tác, từ đó từng bước nâng cao năng lực công nghệ nhờ áp dụng các thành tựu tiên tiến và phù hợp với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ Thái cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua chính sách thu hút các chuyên gia công nghệ từ nước ngoài...
Bài học cho Việt Nam
Theo nhiều doanh nghiệp FDI, sở dĩ họ chưa chủ động chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam là do chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp được yêu cầu trong chuỗi giá trị của họ. Bởi vậy, để nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, trước hết cần phải cải thiện hệ thống đánh giá, định giá chuyển giao công nghệ. Bởi, hiện nay, các kết quả định giá của các tổ chức có chức năng thẩm định và định giá chưa được các bên chấp nhận cao trong quá trình chuyển giao công nghệ. Do đó, các bên thường tự thoả thuận với nhau, tự đánh giá, định giá, nên chưa mang lại hiệu quả cao trong hoạt động chuyển giao công nghệ.
Mặc dù Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ tham gia vào hoạt động đánh giá, định giá, nhưng giá trị pháp lý chưa cao, chưa giúp doanh nghiệp, các chủ sở hữu công nghệ vay vốn, góp vốn. Chính vì vậy, việc nâng tầm các tổ chức định giá sáng chế là cần thiết để có thể hỗ trợ các bên tham gia trong quá trình tiếp nhận và chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi tài chính phải phù hợp cho hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là hoạt động chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Trước tiên, doanh nghiệp cần được Nhà nước hỗ trợ tiếp nhận công nghệ dưới dạng máy móc, thiết bị, dây chuyển công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ, sau đó là hỗ trợ các doanh nghiệp tự thực hiện nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra các công nghệ mới phục vụ cho hoạt động đổi mới công nghệ.
Đặc biệt, cần xem xét tăng mức hỗ trợ vay không lãi suất cho doanh nghiệp trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển từ mức 30% như hiện nay lên mức 80% cho tất cả các lĩnh vực đối với công nghệ, chứ không nhất thiết phải nằm trong danh mục các dự án đổi mới công nghệ được ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để đưa Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc gia đi vào hoạt động một cách có hiệu quả. Quỹ này phải hoạt động như một tổ chức tài chính, không gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi cho việc nhận, chuyển giao và đổi mới công nghệ.
TS Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp