Từ ý tưởng “người làm nghiên cứu, giống như người chơi thể thao, cũng cần huấn luyện viên để tiến lên chuyên nghiệp”, TS Phạm Hiệp đã khởi xướng Chương trình Research Coach (researchcoach.edu.vn) với mục tiêu hỗ trợ các bạn trẻ muốn tìm học bổng du học sau đại học hoặc dấn thân vào con đường nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV.

TS Phạm Hiệp, người khởi xướng chương trình “huấn luyện nghiên cứu” Research Coach. Ảnh: NVCC
TS Phạm Hiệp, người khởi xướng chương trình “huấn luyện nghiên cứu” Research Coach. Ảnh: NVCC

Ý tưởng về Research Coach được TS Hiệp ấp ủ từ cách đây gần 8 năm, khi anh bắt đầu làm nghiên cứu sinh ở Đài Loan. Ý thức được “phần đào tạo phương pháp nghiên cứu ở Việt Nam khá yếu”, việc đầu tiên Hiệp làm khi sang Đài Loan là vùi đầu vào đọc sách về phương pháp nghiên cứu để phục vụ cho luận án của chính mình mà không ngờ nó lại đưa anh đến một hướng đi mới về sau: công việc “huấn luyện nghiên cứu”. Quãng thời gian này, khá nhiều người Việt sang học thạc sĩ cùng trường với anh tìm đến nhờ hỗ trợ khi làm khóa luận tốt nghiệp. Để tiết kiệm thời gian, anh đã tổ chức một số buổi seminar hướng dẫn các bạn và nảy sinh tâm nguyện, khi trở về Việt Nam sẽ tìm cách triển khai một hoạt động gì đó tương tự các buổi trình bày trước bạn bè ở đây.

Tri thức, kỹ năng và hơn thế nữa

Hiệp thừa nhận, Research Coach không phải là sáng kiến gì mới mà chỉ áp dụng và bản địa hóa mô hình đào tạo trong các chương trình nghiên cứu sinh ở các nước phát triển vì “nó hay quá”. “Các môn liên quan đến phương pháp nghiên cứu nói chung rất nhiều, thường từ 4-6 môn. Cách dạy của họ cũng rất lớp lang và gắn với thực hành nghiên cứu. Ngoài ra, khi gặp riêng giáo sư hướng dẫn, nếu thấy mình hổng ở đâu, họ sẽ chỉ cho mình thấy và yêu cầu tự học thêm hoặc đến nơi có thể trợ giúp,” Hiệp giải thích.

Khởi sự vào năm 2017, thoạt đầu Research Coach chỉ là “những lớp học manh mún, chưa phải công việc chính, thích thì làm không thích thì thôi, địa điểm thậm chí cũng không cố định, thuê ở các co-working space hoặc của người quen”. Thế nhưng, sau khi kết thúc những lớp học “cố gắng có những yếu tố giống chương trình nghiên cứu sinh ở nước ngoài”, nhiều học viên phản hồi muốn được tìm hiểu sâu hơn về phương pháp nghiên cứu. “Điều đó khiến tôi không thể không nghĩ về việc tiếp tục phát triển các lớp học này, thôi thúc tôi toàn tâm toàn ý cho nó.”

Kết quả là Research Coach chính thức ra đời, có địa điểm học cố định, được những nhà KHXH&NV hàng đầu Việt Nam hiện nay như TS Vương Quân Hoàng (ĐH Phenikaa), TS Trần Quang Tuyến (ĐH Quốc gia Hà Nội), GS Trần Thị Lý (ĐH Deakin) cố vấn về chuyên môn và được TS Đàm Quang Minh (ĐH Phú Xuân), PGS Lê Anh Vinh (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) tư vấn về mô hình hoạt động. Một số nhân sự mới cũng được tuyển dụng từ chính các cựu học viên. “Research Coach không choán hết thời gian nhưng choán hết tâm trí tôi. Những việc khác tôi làm tại thời điểm này cũng chỉ để hỗ trợ hoạt động của Research Coach,” TS Hiệp chia sẻ.

Quan trọng nhất là, bên cạnh nội dung đào tạo, các khóa học bổ sung nội dung huấn luyện (coaching), theo đó, học viên tham gia các dự án nghiên cứu do Hiệp làm trưởng nhóm, hoặc được gửi gắm đến các nhóm nghiên cứu phù hợp của đồng nghiệp. “Đôi khi có một vài bạn khá thì họ tự lập nhóm với nhau, lúc đó tôi không phải làm người hướng dẫn nữa mà chỉ làm cố vấn.”

Đứng lớp chủ yếu là Hiệp, các nhân sự khác hỗ trợ huấn luyện theo nguyên tắc chia nhỏ việc dạy và học thành những cấp độ khác nhau; trong đó, ở những cấp độ thấp, các học viên/cựu học viên có thể tự “huấn luyện” lẫn nhau.

Chương trình Research Coach gồm hai loại khóa học: Khóa cơ bản (‘Nhập môn về phương pháp nghiên cứu’ hoặc ‘Kỹ năng đọc và viết khoa học’ ) và Khóa nâng cao (phương pháp bảng hỏi, phương pháp phân tích dữ liệu thứ cấp, phương pháp hỗn hợp định tính và định lượng …). Học viên được tư vấn học những môn phù hợp chứ không khuyến khích học tất. Hết mỗi khóa sẽ có một số giờ coaching nhất định, khi nào học viên sử dụng quá số giờ đó mới phải trả thêm phí. Các giờ coaching được tiến hành theo hình thức một thầy một trò hoặc một thầy hai – ba trò. “Khi học theo kiểu 1-2 hoặc 1-3, số giờ coaching sẽ được nhân 2, nhân 3 tương ứng,” TS Hiệp giải thích thêm về mô hình “huấn luyện” của mình.

Theo định kỳ, Research Coach còn tổ chức những buổi seminar bên lề với diễn giả đến từ các chuyên ngành khác nhau trong suốt thời gian diễn ra khóa học. “Nan đề của nghiên cứu là ‘hôn nhân cận huyết’. Khi chỉ có một thầy một trò hướng dẫn nhau thì sau một gian sẽ cho ra phiên bản giông giống mà kém hơn thầy; bởi vậy cần mở rộng sự tương tác, trao đổi học thuật với bên ngoài,” TS Hiệp nói.

Bên cạnh tri thức và kỹ năng, Research Coach muốn truyền đạt tới học viên một thái độ phù hợp trong nghiên cứu. TS Hiệp luôn nhấn mạnh với tất cả các học viên rằng, đã “dính nghiệp nghiên cứu” thì không nên chờ được giao dự án, chờ có kinh phí mới làm mà phải tự giao việc cho mình. “Cũng như nghề thợ mộc, phải đục đẽo hàng ngày; nghề nghiên cứu phải suy nghĩ, đọc sách/báo, viết lách, thu thập và phân tích dữ liệu liên tục,” anh thường xuyên nói với học viên như vậy. Sự cẩn trọng và chuyên nghiệp sẽ giúp tạo ra sản phẩm tốt và TS Hiệp tin rằng khi đó các dự án, đề tài lớn hơn sẽ tự đến.

Từ khóa học offline đến online

Năm 2019 đánh dấu một năm thành công của Research Coach với 15 khóa khai giảng và 135 lượt học viên mới từ 85 trường/viện/cơ quan theo học. Trong số đó, 3 học viên giành được học bổng thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài; 8 học viên tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ; 11 bài báo của các học viên được công bố trên các ấn phẩm ISI/SCOPUS...

Đặc biệt, xuất phát từ nhu cầu của chính người học, các khóa học online đã ra đời, với học viên đến từ các tỉnh/thành phố Hải Phòng, Hà Nam, Thái Nguyên, Đà Nẵng, TPHCM, Đồng Tháp… và cả từ các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Anh, Mỹ, Pháp. “Nhiều bạn Việt Nam học ở nước ngoài cũng gặp vấn đề. Chương trình không hỗ trợ tốt sinh viên quốc tế hoặc do chưa có nền tảng vững vàng từ lúc học trong nước nên làm thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài rất vất vả, cứ bơi ra, bài nộp lên thầy đều bị lắc đầu trả về mà không rõ nguyên nhân tại sao. Những bạn như vậy tìm đến hỗ trợ từ phía chúng tôi.”

TS Hiệp tỏ ra khá lạc quan về những giá trị mà khóa học mang lại dù “khó khăn chưa bao giờ hết”. “Khó khăn thì nhiều lắm: thiếu nguồn lực, thiếu kinh phí, thiếu nguồn dữ liệu tin cậy để làm nghiên cứu... Nhưng đều là những khó khăn đã hình dung ra trước nên tốt nhất cứ bình tĩnh mà đương đầu thôi,” anh nói.

Bản thân Hiệp cũng rơi vào thế lưỡng nan khi bị cuốn theo việc hướng dẫn các chủ đề nghiên cứu của học viên nên quỹ thời gian cho những đề tài của riêng anh trở nên hạn hẹp.

Nhưng đọng lại sau rốt vẫn là niềm vui khi học viên có được những bước tiến mới như có bài công bố quốc tế, xin học bổng thành công hoặc đơn giản là tìm thấy niềm đam mê trong nghiên cứu. “Có bạn sinh viên năm cuối sau khi tham gia khóa học trở nên hết sức tự tin, xin tham gia nghiên cứu cùng thầy bằng được. Kết quả, bạn đã làm thông Tết để hoàn thành bản thảo, bài viết đang được gửi đi một tạp chí rất uy tín thuộc danh mục ISI,” Hiệp kể. “Lúc đầu mình làm Research Coach với mục đích giúp các bạn trẻ xin học bổng hay có bài báo nghiên cứu đầu tiên. Nhưng khi làm mới thấy có những giá trị cao hơn, đó là giúp các bạn tự tin trong việc định vị nghề nghiệp, xác quyết có tiếp tục theo đuổi nghề nghiên cứu hay coi nghiên cứu là một phần hỗ trợ cho công việc khác. Đó có thể là quyết định thay đổi cả định hướng cuộc đời.”

Về Research Coach, có lần TS Trần Quang Tuyến (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói, “Tôi từng nghĩ để làm nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực KHXH, các bạn trẻ chỉ có một cách là đi học nước ngoài. Nhưng sau khi dự hội thảo của Research Coach tại Trường ĐH Phú Xuân hồi cuối năm 2019 với sự tham gia của các học viên của TS Phạm Hiệp thì tôi đã suy nghĩ lại.”

Trong khi đó, TS Hồ Hữu Lộc (ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore) đánh giá, “Các trường đại học ở Việt Nam có thể học hỏi mô hình Research Coach của TS Hiệp để đổi mới mô hình đào tạo sau đại học của mình.”