Bên cạnh những doanh nghiệp lo lắng vì Nghị định 87/2016/NĐ-CP quy định chặt về dây chuyền thiết bị, có những doanh nghiệp cho biết sẵn sàng đầu tư dây chuyền hiện đại nếu cơ quan quản lý dẹp được nạn mũ bảo hiểm (MBH) giả nhờ nghị định này.

Điều kiện khắt khe

Tại hội nghị triển khai Nghị định 87/2016/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm - được tổ chức mới đây tại TPHCM, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng - cho biết, Nghị định 87 (có hiệu lực từ 1/7) quy định, doanh nghiệp sản xuất MBH phải có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế ISO 9001; phải có địa điểm sản xuất với địa chỉ rõ ràng. Trang thiết bị của dây chuyền phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật sản xuất MBH có chất lượng phù hợp quy chuẩn quốc gia.

Trước quy định này, ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn - chia sẻ, hãng lớn nào cũng thuê gia công; cái họ quan tâm là kiểm soát chất lượng thành phẩm. “Không thể bắt doanh nghiệp có mọi loại thiết bị, bởi nếu đầu tư ban đầu lớn, sản xuất dư thừa, họ sẽ lỗ. Doanh nghiệp không thể đầu tư lớn phải liên kết để gia công. Việc kiểm soát để chất lượng đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật mới là quan trọng” - ông Tý nói.

Một cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phượng Hằng

Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Công ty Tiger Team Industry (Bình Dương) - cho biết, công ty đã sản xuất MBH 10 năm ở Việt Nam và 20 năm ở Pháp, tuy không trang bị máy ép đùn và khuôn mẫu để sản xuất lớp mút xốp nhưng sản phẩm vẫn đạt tiêu chuẩn châu Âu. Vì vậy theo bà, thay vì bắt doanh nghiệp đầu tư tất cả thiết bị sản xuất, gây lãng phí, nên tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm.

Bảo vệ người làm ăn chân chính

Trái với lo lắng trên, ông Hồ Huy Phong - Câu lạc bộ các Nhà sản xuất MBH TPHCM - cho rằng, điều quan trọng là nghị định có được triển khai tốt để giải quyết tận gốc vấn đề hay không: “Nếu nghị định được thực thi một cách công tâm, sòng phẳng, dẹp được nạn mũ giả thì doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư dây chuyển sản xuất. Việc thắt chặt điều kiện kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp chân chính yên tâm đầu tư phát triển”.

Bà Hương cũng giải thích, nếu chưa có đủ dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp có thể thuê, nhưng phải kiểm soát được chất lượng mũ theo đúng quy chuẩn quốc gia. Các đại lý bán mũ phải có địa điểm rõ ràng, hạn chế tình trạng bán mũ không đạt chuẩn.

Còn ông Phạm Hữu Cát - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Nam - cho rằng, tuy Nghị định 87 đã quy định khá chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm theo một chuỗi, cơ quan quản lý vẫn cần chú trọng kiểm tra quá trình sản xuất, đảm bảo điều kiện đầu vào và đầu ra; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để thông tin về nghị định đến toàn xã hội, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.


Một của hàng bán mũ bảo hiểm trên đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phượng Hằng