"Bộ NN&PTNT cần đầu tư để đánh giá an toàn đập cho tất cả các hồ chứa và trên cơ sở đó đưa ra quy trình vận hành hợp lý, cung cấp các hướng dẫn để vận hành an toàn công trình đó" - GS-TS Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng Đại học Thủy Lợic, nói.
GS-TS Trịnh Minh Thụ - Phó hiệu trưởng Đại học Thủy Lợi.
"Trên thế giới, công trình thủy lợi nào cũng có hệ thống quan trắc đầy đủ, toàn diện để cung cấp dữ liệu tạo ra các kịch bản cảnh báo. Nhờ dự báo được cường độ mưa và mức nước dâng, họ thiết kế hệ thống cửa cống tự động mở ở mức đủ ổn định lượng nước" - GS-TS Trịnh Minh Thụ nói. "Ở Việt Nam hiện nay, những công trình thủy lợi lớn mới xây dựng đều có hệ thống quan trắc, thu thập số liệu; nhưng các công trình nhỏ hoặc cũ thường không có, khiến số liệu hạn chế, dự báo không khớp thực tế".
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đầu tư để đánh giá an toàn đập cho tất cả các hồ chứa và trên cơ sở đó đưa ra quy trình vận hành hợp lý, cung cấp các hướng dẫn để vận hành an toàn công trình đó. Những người làm công tác quản lý hồ chứa có vai trò giống như bác sỹ khám bệnh của đê đập để biết sắp tới chúng có bị ốm không".
"Đại học Thủy lợi cũng sẽ là một trong những đơn vị chủ trì thực hiện công tác đào tạo để đánh giá, cảnh báo về an toàn đập, hồ chứa của Việt Nam. Trường có nhóm chuyên gia đào tạo cán bộ địa phương, những nơi quản lý hồ chứa để đánh giá hệ thống quan trắc, quy trình vận hành" - ông Thụ cho biết.
Châu Long (Ghi)