Ngày 21 tháng 6 là Ngày nhà Báo chí cách mạng Việt Nam. Không thể không nói đến vai trò quan trọng của nhà báo khoa học trong việc đánh thức mối quan tâm khoa học của dân chúng, của học sinh và sinh viên, các doanh nhân, và những nhà làm chính sách.
Khoa học và người anh em của nó là công nghệ là yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại.
Thế giới trong trăm năm qua đã biến đổi cơ bản hơn bất cứ thế kỷ nào khác trước đó. Không phải do những học thuyết chính trị hay kinh tế mới nào, mà do những sự phát triển như bão táp của khoa học và công nghệ, được tạo điều kiện bởi những tiến bộ trong nghiên cứu cơ bản như Stephen Hawking viết trong tác phẩm Vũ trụ trong hạt dẻ. Các cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh không cần phá ngục Bastille, hay đổ máu như cách mạng Pháp, hoặc các cuộc cách mạng đổ máu khác, nhưng lại thực sự là những cuộc cách mạng, đem lại phúc lợi cho nhân dân.
Vì thế, trong công cuộc chấn hưng quốc gia mà khoa học và công nghệ đóng vai trò cốt lõi, (và hiện nay vai trò đó còn lâu mới được thể hiện một cách thỏa đáng), vai trò truyền đạt khoa học cho đại chúng của nhà báo khoa học Việt Nam hết sức quan trọng.
Thứ nhất, mọi cuộc chấn hưng quốc gia từ Tây sang Đông không thể thành công một cách bứt phá để quốc gia vượt lên những dãy ghế hàng đầu của cộng đồng các quốc gia phát triển thế giới nếu nó không được xây dựng trên nền tảng của khoa học, công nghệ và giáo dục phát triển. Thứ hai, Việt Nam chưa có truyền thống khoa học trong lịch sử của mình, trong bối cảnh khoa học thế giới đã phát triển mạnh mẽ trong bốn thế kỷ qua tính từ cuộc cách mạng khoa học thế kỷ 17, và đặc biệt từ đầu thế kỷ 20 đến nay khi khoa học có những bước phát triển bùng nổ, và gần nhất là cuộc cách mạng thông tin diễn ra tại Thung lũng Silicon vào những thập niên cuối thể kỷ 20. Sự hụt hẫng quá lớn trong quá khứ hiện là gánh nặng hết sức to lớn trên vai các thế hệ hiện tại.
Một dân tộc không được truyền cảm hứng về khoa học, và về tác dụng cải tạo xã hội của nó, làm tăng trưởng GDP, đem lại phúc lợi, phồn vinh và an ninh quốc gia thì khó có tương lai hạnh phú và an ninh dài hạn. Bẫy thu nhập trung bình thấp hiện nay của Việt Nam chính là lỗ hổng khoa học, công nghệ của đất nước, lỗ hổng của chính sách phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào nền kinh tế quốc dân từ phía những người làm chính sách từ mấy thập niên qua.
Việt Nam hiện nay chưa có trường lớp đào tạo ngành báo chí khoa học ở các đại học như ở phương Tây. Chưa có những nhà báo đam mê khoa học để chuyên môn hóa nghiệp vụ của mình thành những nhà báo chuyên nghiệp về khoa học như ở phương Tây. Cũng chưa có nhiều nhà khoa học xung phong trên mặt trận “tuyên truyền” cho khoa học, vì tương lai phát triển khoa học của Việt Nam, vì trách nhiệm đối với công chúng và các thế hệ sau, trong khi đó ở các quốc gia phát triển nhiều nhà khoa học hàng đầu dấn thân viết sách, biết báo, truyền bá khoa học một cách rất chuyên nghiệp, và họ hãnh diện làm điều đó. Chúng ta có thể thoát nạn mù chữ, nhưng vẫn có nguy cơ “mù khoa học”, không hiểu khoa học và vai trò xung kích của nó trong đời sống kinh tế-văn hóa quốc gia. Đầu óc không được dẫn dắt bằng tư duy và hiểu biết khoa học thì sẽ có nguy cơ bị thống lĩnh bởi thần linh và mê tín. Ở các quốc gia phát triển, các tờ báo lớn, đài truyền hình lớn đều có các chuyên gia, hay nhà báo khoa học chuyên nghiệp của họ. Khoa học là đề tài thường xuyên được đề cập đến, là đời sống văn hóa của quốc gia, nhất là khi có những sự kiện lớn, như sự khám phá sóng hấp dẫn và lỗ đen những năm qua. Trong khi đó chưa có những tờ nhật báo lớn ở Việt Nam thường xuyên có những feuilleton hàng tuần đầy ắp những tin khoa học hấp dẫn, những mục điểm sách khoa học. Các đài truyền hình cũng chưa có trang khoa học riêng của mình. Nhìn chung, khoa học cho đại chúng còn rất kém phát triển, mặc dù có những nỗ lực từ một số cá nhân, nhưng chỉ một số ít vì sao thì không thể làm bầu trời sáng lên được.
Chúng ta có thể thoát nạn mù chữ, nhưng vẫn có nguy cơ “mù khoa học”, không hiểu khoa học và vai trò xung kích của nó trong đời sống kinh tế-văn hóa quốc gia. Đầu óc không được dẫn dắt bằng tư duy và hiểu biết khoa học thì sẽ có nguy cơ bị thống lĩnh bởi thần linh và mê tín. Vì vậy, một trong những việc cấp thiết là cần có chính sách đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực báo chí khoa học, biên dịch sách khoa học, như một bộ phận không thể thiếu của văn hóa hiện đại.
Nhà báo khoa học là “người trung gian” giữa nhà khoa học và công chúng. Họ có nhiệm vụ diễn đạt khoa học cho công chúng, và cho những nhà làm chính sách, nhà giáo dục, hiểu những khám phá và ý nghĩa của chúng. Khoa học và kỹ thuật từ lâu không còn là một ngành học chuyên môn của các chuyên gia, mà ngày càng có vai trò văn hóa. Các đề tài lớn về khoa học hiện nay đã trở thành bộ phận thường xuyên của ngành văn hóa. Nhà báo khoa học cũng không phải chỉ có vai trò tường thuật đơn thuần mà sâu xa hơn, có vai trò của các essayist, nhà bình luận và diễn giải, cũng như là tác giả của những tác phẩm lịch sử khoa học có giá trị cho đại chúng. Người Việt cần chứng tỏ mình hiểu thế giới khoa học thế nào thì khoa học mới thâm nhập được vào tinh thần quốc gia.
Năm nay, 2019, kỷ niệm đúng 100 năm thuyết tương đối rộng của Einstein được kiểm chứng khi người ta thực hiện đo đạc độ lệch ánh sáng đi ngang Mặt trời. Một trăm năm trước, Einstein và thuyết của ông nổi tiếng vang trời khắp thế giới. Ở phương Đông, hai đất nước ngưỡng mộ rất sôi động, đó là Nhật Bản trước nhất, và đến Trung Hoa. Họ có những lực lượng vật lý hiện đại đầu tiên. Nhật Bản có những nhà vật lý đã được đào tạo tại Đức và châu Âu. Trung Hoa cạnh đó học hỏi lại từ Nhật Bản. Họ đã dịch tác phẩm Thuyết tương đối hẹp và rộng của Einstein, được ông viết cho đại chúng 5 năm trước đó, 2016, ngay trong hai năm 1921 (Nhật Bản) và 1922 (Trung Hoa). Khoa học đã đánh thức các nhà cải cách Minh Trị mạnh mẽ, Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, như được ghi trong Năm điều thề ước được Nhật Hoàng Minh Trị công bố trong những ngày đầu đổi mới. Rồi cuộc Cải cách Minh Trị thành công đã ảnh hưởng sâu sắc lên giới tinh hoa Trung Hoa để phong trào Ngũ Tứ năm 1919 đi đến nhận thức sâu sắc rằng chỉ có khoa học và dân chủ mới thực sự có thể đổi đời một đế chế Trung Hoa đang rệu rã. Đó là di chúc của giới trí thức Trung Hoa để lại cho đời sau. Họ đã nhìn thấy tầm quan trọng không thể thiếu của khoa học cho việc canh tân đất nước. Họ cũng đã sôi nổi ngưỡng mộ Einstein như một nhà cách mạng khoa học vĩ đại.
Vậy mà tác phẩm Thuyết tương đối hẹp và rộng, một viên ngọc bích của vật lý hiện đại, gần 100 năm sau mới được dịch sang tiếng Việt! Năm 2014 quyển sách mới nhìn thấy được ánh sáng ở Việt Nam. Sao lại có một sự lệch giờ khủng khiếp như thế? Các tờ báo lớn của người Việt Nam vào những năm sôi động nhất 1920 và 1930 của thế giới dường như đã không tỏ ra quan tâm gì về thuyết tương đối, lại càng với thuyết lượng tử. Một sự “lầm lạc” trong định hướng phát triển văn hóa tinh thần của Việt Nam mà đến nay vẫn chưa được điều chỉnh. Nội điều trên nói lên một lỗ hổng văn hóa khoa học rất lớn của người Việt Nam. Năm 2005 thế giới kỷ niệm rất lớn năm thần kỳ của Einstein và 100 năm Thuyết tương đối hẹp ra đời. Nhưng ở Việt Nam đã không có những sinh hoạt tương xứng. Và năm nay, kỷ niệm 500 ngày mất của Leonardo da Vinci, được cả thế giới ngưỡng một như một thiên tài vĩ đại và đa dạng, từ hội họa đến khoa học, có thể xem như tiền thân của các nhà khoa học và công nghệ hiện đại, nhưng cũng chưa thấy có những sinh hoạt gì tương xứng. Văn hóa khoa học còn quá mỏng, chưa đủ sức để truyền cảm cho cả dân tộc tiến lên để nắm lấy khoa học phục vụ cuộc chấn hưng.
Hiện nay nhu cầu cấp bách của Việt Nam là đổi mới nhận thức về vai trò của khoa học, công nghệ, và cần có chính sách đầu tư mạnh mẽ vào ngành báo chí khoa học, biên dịch sách khoa học, và tinh thần học hỏi khoa học, thúc đẩy óc tò mò, sáng tạo, khám phá, như một bộ phận không thể thiếu của văn hóa hiện đại, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Không có một nền khoa học phát triển là không thể có mẫu số chung, nền tảng chung với các quốc gia tiên tiến, và không có cơ may thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam nên đầu tư và khuyến khích thành lập những tủ sách khoa học, chương trình khoa học đại chúng trên truyền thông, cho nhiều lứa tuổi, phát triển mạnh mẽ lực lượng báo chí, nhà dịch thuật sách khoa học như những lực lượng xung kích, xây dựng các thư viện công với nhiều sách vở khoa học tại các tỉnh thành để các em học sinh vào đó đọc, nhất là trong những kỳ hè. Nên xem tất cả những đầu tư cho khoa học là quốc sách. Các bộ máy nhà nước, ban ngành từ trung ương đến địa phương cũng cần có nhiều nhà khoa học độc lập để xây dựng chính sách trên cơ sở khoa học. Chính trị cần được hỗ trở bởi khoa học. Các nhà khoa học cần có nhiều tiếng nói hơn trong việc xây dựng chính sách, và cả trong sự phản biện để tránh những nguy cơ sai lệch. Họ cần có vị thế độc lập, và không bị chính trị lấn át, để đóng đúng vai trò một cách trung thực, và khoa học chỉ phục vụ được chính trị đắc lực khi chính trị biết lắng nghe nó.
Sự lạc hậu kinh tế bắt nguồn từ lạc hậu ý tưởng mới, lạc hậu về khoa học, công nghệ. Nhà báo khoa học có vai trò đánh thức mối quan tâm khoa học của dân chúng, của học sinh và sinh viên, các doanh nhân, và những nhà làm chính sách, thông tin cho đại chúng có tính cách giáo dục, và truyền cảm hứng. Không thể để đất nước tiếp tục lạc hậu trong một thế giới mà kinh tế và chính trị đều được quyết định từ những đổi mới sáng tạo công nghệ và những phát minh khoa học. Chúng ta không thể tiếp tục phát triển kinh tế một cách mò mẫm như đi trong bóng tối mà không có chiếc la bàn khoa học để hướng tới cái đích mà các quốc gia phát triển đều hướng đến nhiều thế kỷ qua: thịnh vượng, văn minh và an ninh quốc gia, bảo đảm cho sự trường tồn của dân tộc.
Xem thêm các bài của tác giả Nguyễn Xuân Xanh
[1] Khoa học và sự truyền bá đại chúng: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/khoa-hoc-va-truyen-ba-dai-chung/
[2] Giá trị khai phóng của khoa học: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/gia-tri-khai-phong-cua-khoa-hoc/
[3] Giới thiệu Einstein, Thuyết tương đối hẹp và rộng: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/sach-einstein-thuyet-tuong-doi-hep-va-rong/