Cuộc khủng hoảng do COVID–19 đã hâm nóng những tranh luận về tương lai của nền kinh tế thị trường, và thôi thúc các quốc gia tìm kiếm một mô hình bền vững hơn để đương đầu với những thách thức của thế giới hậu đại dịch.
Trong giai đoạn suy thoái hiện nay, biện pháp thường được các chính phủ đồng loạt áp dụng là tăng cường can thiệp thông qua công cụ chính sách tiền tệ (monetary policty) và chính sách tài khóa (fiscal policy) nhằm kích thích tổng cầu – theo kiểu Keynes. Tuy nhiên, cạm bẫy đối với những động thái này là nguy cơ thâm hụt ngân sách, nợ công gia tăng, lạm phát, người dân và doanh nghiệp phải chịu thêm gánh nặng thuế má dẫn tới sụt giảm niềm tin,…
Khi quá coi trọng quản trị từ phía cầu (demand management), các nhà hoạch định đã vô tình hoặc hữu ý quên mất một thực tế rằng những khó khăn hiện tại là thách thức mang tính cấu trúc chứ không phải hệ quả của virus. Chúng ta phải làm gì để thu hẹp bớt khoảng cách giữa tăng trưởng thực và kỳ vọng? Các lãnh đạo kinh tế đang rất cần một hướng tiếp cận khác bền vững hơn.
Bài học Tây Đức thời hậu chiến chính là một ví dụ rất đáng để tham khảo. Trước vô vàn khó khăn chồng chất ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, nước này đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi phục hồi mạnh mẽ và phát triển thần kỳ để vượt mặt hầu hết mọi quốc gia phương Tây (1949 – 1969)1, sau đó tiếp tục vững vàng trước những xáo trộn trong quá trình tái thống nhất (1990) và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009. Thành tựu này ghi nhận dấu ấn của mô hình kinh tế thị trường xã hội (social market economy) do chính phủ Konrad Adenauer (thủ tướng thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo – CDU) cổ súy và thiết lập từ năm 1949, dựa trên học thuyết ordoliberalism (tự do trong trật tự) của các nhà tư tưởng trường phái Freiburg (ra đời trong giai đoạn giữa hai cuộc đại chiến) với những đại diện tiêu biểu là Walter Eucken, Franz Böhm, Hans Grossmann-Doerth, Alfred Müller-Armack và Ludwig Erhard (bộ trưởng kinh tế và thủ tướng thứ hai của Tây Đức sau Adenauer),…
Khái niệm “nền kinh tế thị trường xã hội” thực sự không hề khó hiểu. Về bản chất, đó là một nền kinh tế mở được vận hành dưới sự hướng dẫn của một bộ những quy tắc phổ quát để liên tục thích ứng cho mục tiêu cân bằng xã hội thay vì bị bó buộc bởi hoàn cảnh. Khác với kinh tế học cổ điển và tân cổ điển lẫn Marxist, cha đẻ của “nền kinh tế thị trường xã hội”, các nhà tư tưởng Freiburg vẫn ủng hộ một nhà nước mạnh nhưng lại đồng tình với Adam Smith về vai trò của nhà nước – cung cấp những hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu và xác lập luật lệ cho cuộc chơi, tức sắm vai trọng tài chứ không phải người chơi.2
Dựa trên niềm tin trong kinh tế học cổ điển về sự tương tác giữa những cá nhân tự do và có trách nhiệm trên thị trường, các nhà Freiburg lập luận: “Nền kinh tế thị trường chỉ thành công khi có đủ hạ tầng kinh tế, xã hội và pháp luật mà một nhà nước mạnh mới có khả năng cung cấp. Tuy nhiên, nhà nước mạnh chỉ có khả năng chịu lỗi (tolerate) khi vận hành trong một môi trường đa nguyên, dân chủ và tin cậy.” Trong khi vai trò của thị trường là dẫn dắt người mua đến với người bán, còn giá cả được định đoạt bởi quy luật cung cầu (khi cung lớn hơn cầu, giá giảm do dư thừa; ngược lại, khi cầu lớn hơn cung, giá tăng do khan hiếm). Bởi thị trường hoàn toàn có thể mắc sai lầm hoặc đi quá đà, cho nên nó sẽ chỉ vận hành hiệu quả khi được gắn với các thiết chế xã hội (social institution) lành mạnh và tích cực. Thị trường ấy cần duy trì được tính cạnh tranh để thúc đẩy động lực sáng tạo. Tuy nhiên, sự cạnh tranh đó lại phải được đảm bảo bởi những nguyên tắc – tức hệ thống luật lệ công bằng, chặt chẽ, minh bạch, ... (VD: luật về quyền sở hữu tài sản, bảo hộ trí tuệ, ...)
Các đại diện của trường phái Freiburg tin rằng mọi can thiệp từ nhà nước, dù chỉ nhất thời, cũng đều là mối đe dọa cực lớn đối với trật tự kinh tế. Hành vi can thiệp sẽ không chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn mà còn gây ra sự bất định, méo mó và tác động tiêu cực tới hoạt động lâu dài của cả hệ thống. Hơn ai hết, Ludwig Erhard đã từng rất nhiều lần cảnh báo về xu hướng “tha hóa và lạm quyền”. Ông kịch liệt lên án tình trạng lợi ích nhóm, tư bản thân hữu – luôn tìm cách trục lợi (rent seeking) với cái giá mà kẻ khác phải trả. Vì thế, Franz Böhm đề xuất nền kinh tế thị trường chỉ có thể thành công khi trung thành với nguyên tắc pháp trị3 (rule of law) – nhằm loại bỏ tất cả đặc quyền, đặc ân để duy trì một sân chơi bình đẳng mà tại đó các công dân tự do mới có động lực theo đuổi lợi ích riêng lẫn phát triển bản thân. Chỉ trong những môi trường như vậy, các sáng kiến cá nhân mới có điều kiện được phát huy và mang lại lợi ích cho toàn xã hội; đồng thời giúp thị trường khắc phục những khuyết tật như tình trạng lạm phát, thất nghiệp, bất bình đẳng, …
“Nền kinh tế thị trường xã hội được thiết kế để hỗ trợ bản năng con người trong sứ mệnh cải thiện đời sống. Nó tôn trọng bản năng và đề cao phẩm giá con người, thứ bị chính quyền Phát-xít và những chế độ độc tài kiên quyết chối bỏ,” Erhard nhấn mạnh.
Mặc dù nước Đức hiện nay vẫn chưa phải là một hiện thân hoàn hảo của mô hình kinh tế thị trường xã hội (vì một vài lý do, chính phủ Đức vẫn đang nắm cổ phần của hãng Volkswagen và nhiều tập đoàn lớn), tuy nhiên động lực sáng tạo và tăng trưởng của nền kinh tế hoàn toàn là do khu vực tư nhân dẫn dắt. So với nhiều quốc gia “công nghiệp hóa không triệt để bằng”, vị thế của nước Đức thực sự rất khác biệt, trở thành hình mẫu tham chiếu cho nhiều chính sách của Liên minh châu Âu (EU). Chẳng hạn, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) được thành lập dựa trên mô hình của Bundesbank, hay nguyên tắc thâm hụt (deficit rule) được Đức áp dụng để kiểm soát nợ công cũng trở thành nền tảng cho nguyên tắc Maastricht của cả Liên minh,…
Sở dĩ mô hình “kinh tế thị trường xã hội” bền vững bởi nó biết đặt lợi ích của người dân lên trước nhà nước, với trọng tâm là những cam kết xây dựng chính sách ở cấp độ thể chế và hệ thống chứ không phải ra quyết định một cách tùy nghi, phân mảnh. Trong bối cảnh cả thế giới đang lao đao vì đại dịch Covid-19, mô hình này hoàn toàn có thể trở thành chiếc la bàn tin cậy giúp các quốc gia vượt qua những thách thức và phát triển bền vững hơn.
Chú thích
1. Xem cuốn Vươn lên từ vực thẳm và Thần kỳ kinh tế Tây Đức của tác giả Tôn Thất Thông.
2. Theo các tác giả Lars P. Feld, Peter Jungen, Zhou Hong và Zhu Min trong cuốn The Social Market Economy: Compatibility among Individuals, Markets, Society, and the State (Nền kinh tế thị trường xã hội: Sự hòa hợp giữa cá nhân, thị trường, xã hội và nhà nước), giới lãnh đạo Trung Quốc gần đây đang rất say mê mô hình Tây Đức thời hậu chiến.
3. Hiện còn nhiều tranh cãi tại Việt Nam trong việc dịch khái niệm rule of law (tiếng Anh) và État de droit (tiếng Pháp) là pháp quyền hay pháp trị.
(*) Tham khảo bài viết Why the Social Market Economy Succeeds (Tại sao nền kinh tế thị trường xã hội thành công) của các tác giả Lars P. Feld, Peter Jungen và Ludger Schunkecht trên Austrian Economics Center (Trung tâm Kinh tế Áo).