Các mũi tiêm này nên dành cho các quốc gia còn chưa được tiêm những mũi đầu tiên để giúp hạn chế đại dịch trên toàn cầu, theo các nhà nghiên cứu.

Israel đã công bố kế hoạch bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ ba nhắc lại cho người lớn tuổi vào tuần tới, với hy vọng tăng cường khả năng kangs COVID-19 - và một số quốc gia giàu có khác cũng đang cân nhắc triển khai mũi tiêm thứ ba.

Nhưng các nhà nghiên cứu sức khỏe cảnh báo, chiến lược này có thể cản trở nỗ lực chấm dứt đại dịch trên toàn cầu. Họ cho rằng các mũi tiêm này nên để dành cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi hầu hết công dân chưa được tiêm mũi nào, và các biến thể nguy hiểm hơn của SARS-CoV-2 có thể sẽ xuất hiện khi số ca bệnh tăng cao.

Trong khi đó, theo các nhà nghiên cứu, chưa có dữ liệu cho thấy cần phải tiêm mũi thứ ba để tăng cường khả năng bảo vệ, ngoại trừ những người có hệ miễn dịch bị tổn thương và không tạo ra nhiều phản ứng kháng thể với hai mũi tiêm vaccine COVID-19 ban đầu.

Một phân tích nội bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, nếu 11 quốc gia giàu tiêm mũi thứ ba cho tất cả những công dân trên 50 tuổi - và họ đã có kế hoạch này - họ sẽ sử dụng khoảng 440 triệu liều trong nguồn cung vaccine toàn cầu. Nếu tất cả các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập trên trung bình đều làm như vậy, thì số liều tiêu tốn sẽ tăng gấp đôi.

WHO khẳng định, những mũi tiêm này sẽ có ích hơn trong việc kiềm chế đại dịch nếu chúng được gửi đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, nơi hơn 85% người dân - khoảng 3,5 tỷ người - chưa được tiêm mũi nào. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Ưu tiên bây giờ phải là tiêm vaccine cho những người chưa được tiêm mũi đầu tiên".

Quyết định của Israel tiêm tăng cường mũi vaccine COVID-19 thứ ba cho những người lớn tuổi đang gây tranh cãi trong cộng đồng y tế.

Tất cả các loại vaccine COVID-19 được hầu hết các quốc gia có thu nhập cao cấp phép sử dụng đều giảm hơn 90% nguy cơ nhập viện và tử vong của người tiêm. Các nhà khoa học vẫn chưa rõ liệu mũi thứ ba - thường là một mũi tiêm vaccine mRNA bổ sung sau khi đã tiêm hai mũi tiêu chuẩn - có giúp tăng tác dụng với người bình thường hay không. Trong khi đó, hệ quả của việc thiếu các mũi vaccine đầu tiên là rất rõ ràng: Tại châu Phi, nơi chỉ có 2% số người dân được tiêm chủng, tỷ lệ COVID-19 đang leo thang, với tỷ lệ tử vong cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu không có vaccine, các biện pháp tốt nhất để hạn chế dịch là đóng cửa các cơ sở kinh doanh và trường học, và sẽ kéo theo những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, 95 triệu người đã bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực trong đại dịch năm ngoái và con số này đang tăng lên.

Bên cạnh đó, các nhà sinh học tiến hóa cho biết, rất có thể đã đến lúc các quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng thấp sẽ xuất hiện các biến thể SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn nữa. Theo Nahid Bhadelia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Các bệnh Truyền nhiễm Mới nổi tại Đại học Boston, Massachusetts, hiện tại, việc kiểm soát dịch thành công hay không phụ thuộc vào việc phân phối vaccine để hạn chế lây nhiễm và phát triển biến thể.

Cân nhắc mũi tiêm thứ ba

Israel không đơn độc trong việc cân nhắc tiêm thêm mũi thứ ba cho người lớn tuổi. Dựa trên dữ liệu cho thấy mức độ kháng thể giảm dần theo thời gian, Vương quốc Anh đã vạch ra kế hoạch - nhưng chưa được chấp thuận - thực hiện chương trình tiêm mũi thứ ba tăng cường bắt đầu vào tháng 9 cho những người lớn tuổi, nhân viên y tế tuyến đầu và những người khác có nguy cơ mắc COVID-19 cao.

Vào đầu tháng 7, chính phủ Mỹ đã quyết định sẽ không tiêm mũi thứ ba vào lúc này, nhưng cho biết họ đã chuẩn bị triển khai mũi thứ ba khi có bằng chứng khoa học chứng minh mũi thứ ba là cần thiết. Tuần trước, Mỹ đã mua 200 triệu liều vaccine mRNA do công ty dược phẩm Pfizer và BioNTech sản xuất, số vaccine này có thể được sử dụng để tiêm mũi thứ ba nhắc lại nếu các nghiên cứu cho thấy cần thiết.

Mỹ và một số quốc gia khác vẫn đang do dự vì hai mũi vaccine COVID-19 tiêu chuẩn hiện tại vẫn đủ tác dụng bảo vệ, mặc dù không chắc chắn tác dụng sẽ kéo dài bao lâu. Mới đây, một báo cáo chưa được bình duyệt từ Pfizer cho thấy tỷ lệ hiệu quả của vaccine trong việc chống lại COVID-19 giảm xuống còn 84% trong sáu tháng sau khi tiêm đủ hai liều (so với mức 96% trong hai tháng sau tiêm). Nhưng hiệu quả chống lại bệnh nặng vẫn mức cao, 97%.

Bất công trong phân phối vaccine

Nếu có đủ vaccine cho những người trưởng thành trên thế giới, thì mũi thứ ba cho công dân ở các nước giàu sẽ không trở thành vấn đề đáng quan tâm. Nhưng sự chênh lệch vaccine ngày càng lớn.

Một báo cáo từ KFF, tổ chức chính sách y tế có trụ sở tại San Francisco, California, cho thấy, với tốc độ tiêm chủng như hiện tại, các quốc gia có thu nhập thấp sẽ không đạt được mức độ bảo vệ đáng kể trong cộng đồng ít nhất là cho đếnnăm 2023.

Theo công ty phân tích Airfinity có trụ sở ở London, Ohio, Mỹ, gần như tất cả 3,2 tỷ liều vaccine mRNA mà Pfizer – BioNTech và Moderna dự kiến sảnxuất trong năm nay đã được Mỹ và Châu Âu mua. Mặc dù một số trong số đó sẽ được tặng cho các quốc gia có nhu cầu, nhưng báo cáo của KFF chỉ ra, số vaccine tặng và hỗ trợ là không đủ. Báo cáo cho rằng tốc độ tiêm chủng ở các quốc gia có thu nhập thấp cần phải tăng 19 lần so với hiện nay để có thể tiêm chủng cho 40% dân số các quốc gia đó vào cuối năm nay.

Mục tiêu tiêm chủng khiêm tốn 40% này được WHO, Ngân hàng Thế giới và IMF xác nhận là ngưỡng để giảm đáng kể số ca tử vong và cho phép các nền kinh tế bắt đầu phục hồi. IMF cảnh báo, nếu virus phát triển các biến thể có khả năng lây nhiễm cao, thì dịch bệnh có thể làm mất trật tự phục hồi kinh tế trên toàn thế giới.

Các nhân viên y tế chuẩn bị tiêm một liều vaccine COVID-19 vào ngày 28/7 tại Tanzania, một trong những quốc gia cuối cùng bắt đầu tiêm chủng cho người dân.

Các quốc gia đang biện minh cho mũi tiêm thứ ba dựa trên cơ sở rằng ưu tiên hàng đầu của họ là bảo vệ công dân của mình. Giới chức Israel, nơi 62% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, lo ngại về sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 trong tháng qua. Eran Segal - nhà khoa học máy tính tại Viện Khoa học Weizmann, Rehovot, và là nhà tư vấn COVID-19 cho chính phủ Israel - nói, một lý do là khả năng bảo vệ của vaccine yếu đi. Mặc dù các yếu tố khác, chẳng hạn như người dân tụ tập nhiều hơn, bỏ đeo khẩu trang, v.v... cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ lây nhiễm. Về việc sử dụng mũi tiêm thứ ba ở Israel, thay vì cung cấp những mũi tiêm này cho những nơi khác, Segal nói rằng chương trình tiêm mũi thứ ba của Israel sẽ chỉ cần hơn một triệu liều. Số vaccine này “không đáng kể”, Segal nói, “và thế giới sẽ học hỏi được từ kinh nghiệm này".

Đối với nhiều người, lý luận này không thể xoa dịu được sự nhức nhối do bất bình đẳng vaccine. Các tổ chức bao gồm Médecins Sans Frontières (MSF, còn được gọi là Bác sĩ không biên giới) ở Geneva, Thụy Sĩ, và nhóm vận động Công dân ở Washington DC đã phản ứng dữ dội trước tin tức về mũi tiêm thứ ba. Achal Prabhala, nhà hoạt động y tế công cộng tại tổ chức phi lợi nhuận AccessIBSA project ở Bengaluru, Ấn Độ, nói: "Thay vì giải quyết đại dịch bằng cách tiêm chủng cho toàn thế giới và ngăn chặn việc phát triển các biến thể mới, các nước giàu có lại dành tiền cho mũi tiêm thứ ba".

Đối với Leena Menghaney, người đứng đầu khu vực Nam Á của một chiến dịch thuộc MSF, cuộc tranh luận này làm nản lòng người dân ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Menghaney đã bị kẹt trong một vụ đám đông giẫm đạp để tranh nhau tiêm vaccine vào đầu tháng này ở Uttar Pradesh, bang đông dân nhất của Ấn Độ. “Chúng tôi luôn biết rằng chúng tôi là công dân hạng hai”, Menghaney nói, “nhưng trong khoảnh khắc đó, bạn cảm nhận được điều này rõ ràng nhất".

Nguồn: