Tuy nhiên, tình hình này có thể được cải thiện đáng kể khi vào ngày 10/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định 39 về việc sửa đổi giá điện gió tăng từ 7,8 lên 8,5 cent Mỹ/kWh. Báo Khoa học và Phát triển đã phỏng vấn ông Tobias Cossen, Giám đốc Dự án “Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam” thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ/Bộ Công Thương về tác động của quyết định này.
Quyết định số 39 này có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện thái độ của chính phủ đối với việc cải thiện thị trường điện gió nói riêng và thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam?
Quyết định số 39/2018 ngày 10/09/2018 là một động thái tích cực của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển thị trường điện gió nói riêng và ngành năng lượng tái tạo nói chung.
Việt Nam sở hữu nguồn năng lượng gió dồi dào và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nhưng do biểu giá điện gió cũ được áp dụng từ năm 2011 quá thấp nên nó trở thành một trong những lý do chính cản trở dự án của các nhà đầu tư.
Quyết định mới cho thấy chính phủ đã cam kết mở đường cho sự phát triển nhiều dự án điện gió hơn và thúc đẩy năng lượng tái tạo trên phạm vi toàn quốc.
Khi Chính phủ chấp thuận tăng biểu giá điện gió, chúng tôi hi vọng nhiều dự án sẽ được triển khai và chính thức đi vào hoạt động. Đồng thời, với mức giá mới, điện gió có thể đóng góp vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, và hỗ trợ gián tiếp cho phát triển kinh tế đất nước, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đối khí hậu một cách hiệu quả hơn.
Giá điện gió theo quyết định mới này vẫn thấp hơn so với đề xuất của GIZ cách đây 4-5 năm, giá một kWh điện gió nên nằm trong khoảng từ 10.4 US Cents – 11.2 US Cents và theo anh nhận xét, giá điện gió ở Việt Nam vẫn “thấp hơn so với các thị trường khác” ở Đông Nam Á. Với giá điện hiện giờ, thị trường điện gió có thể thu hút được những nhà đầu tư dạng nào (nhà đầu tư có vốn vay ưu đãi, nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư thương mại) và thu hút ở mức độ nào?
Biểu giá mới được cho là một tín hiệu tích cực đối với tất cả các bên liên quan nhằm thu hút nhiều nguồn đầu tư hơn vào thị trường điện gió ở Việt Nam.
Các nhà đầu tư có vốn vay ưu đãi và nhà đầu tư chiến lược sẽ quan tâm nhiều hơn đến thị trường. Biểu giá sửa đổi sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho các dự án điện gió có khả năng tiếp cận các điều kiện tài chính tốt, sở hữu tiềm năng điện gió dồi dào và gần lưới điện hoặc các trục giao thông chính. Một khi các dự án này đi vào hoạt động, thị trường sẽ chuyển sang giai đoạn ổn định hơn, tạo điều kiện các dự án khác bao gồm cả dự án đầu tư thương mại xâm nhập thị trường.
Khi đầu tư vào điện gió ở Việt Nam, các doanh nghiệp nên chọn hình thức liên doanh. Quan trọng là các nhà đầu tư nước ngoài và nhà phát triển dự án điện gió cùng hợp tác với các nhà phát triển dự án/tư vấn đủ năng lực và đáng tin cậy tại Việt Nam, để giúp họ làm quen với hệ thống Việt Nam và giảm các rắc rối trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Có thể nói là với giá điện thấp như vậy trong khu vực, thì thị trường điện của Việt Nam còn có gì khác để hấp dẫn các nhà đầu tư?
Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú để phát triển điện gió. Ước tính, tiềm năng kỹ thuật của năng lượng gió ở Việt Nam là 27 GW (gigawatt). Hiện tại, xấp xỉ 200 MW lượng công suất lắp đặt đã đưa vào hoạt động (với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế) và khoảng 100 MW đang trong quá trình xây dựng sẽ được nối lưới vào năm 2018. Do vậy, điện gió còn rất nhiều tiềm năng chưa được phát triển.
Bên cạnh đó, với mức tăng trưởng kinh tế từ khoảng 6-7%/năm trong khi mức tiêu thụ điện cũng tăng 10%/năm, Việt Nam cần nhiều nguồn năng lượng thay thế trong bối cảnh tiềm năng thủy điện đang cạn kiệt và nhiệt điện than không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà cũng đắt đỏ do những diễn biến tăng giá than đá gần đây. Hơn nữa, để xây dựng và phát triển nhà máy nhiệt điện chúng ta cần một thời gian rất dài, đôi khi trên10 năm, trong khi thời gian cho nhà máy điện gió và mặt trời lại khá nhanh, từ 3 đến 5 năm.
Theo tài liệu của GIZ đề xuất lên Bộ Công Thương “Đề xuất một phương thức khả thi để thúc đẩy điện gió ở Việt Nam (Proposal of an Appropiate Support Mechanism for Wind Power in Vietnam), có chín yếu tố mà nhà nước cần cải thiện như: có một đơn vị một cửa hỗ trợ hành chính các dự án điện gió, cải thiện việc đo chất lượng gió cho nhà đầu tư, có một thông tin nhất quán về quy hoạch dự án điện gió cấp tỉnh và cấp quốc gia, đưa ra quy trình minh bạch về việc cấp giấy phép cho một dự án điện gió, đưa ra các quy chuẩn nối lưới và mua điện… Theo anh, điều kiện nào cần phải cải thiện một cách cấp bách để thu hút nhà đầu tư?
Theo Quy hoạch Phát triển Điện lực VII sửa đổi, Việt Nam đặt ra mục tiêu có 800 MW điện gió vào năm 2020 và 6.000 MW vào năm 2030. Chính phủ đã ban hành một số quyết định và thông tư nhằm thúc đẩy phát triển điện gió. Một số tỉnh có điều kiện gió thuận lợi đã hoàn chỉnh quy hoạch phát triển điện gió của mình hoặc đang chờ phê duyệt của chính phủ.
Tuy nhiên, sự phát triển ngành năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng gió tại Việt Nam vẫn còn mới mẻ và không dễ triển khai. Vì đây là một xu hướng tất yếu cho phát triển bền vững trong tình hình biến đổi khí hậu và cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam, chính phủ nên ưu tiên đặt lĩnh vực này vào một phương án phát triển toàn diện và lâu dài. Để đạt được mục tiêu này, cần loại bỏ những thách thức sau.
Những trở ngại lớn nhất bao gồm rủi ro kinh tế cao cho các nhà phát triển và nhà đầu tư dự án do Hợp đồng mua bán điện mẫu (được cho là khó khăn cho việc đầu tư), quy trình cấp phép và đầu tư không rõ ràng và chưa có sự đấu nối, hạn chế về hệ thống lưới điện. Các khoản vay tài chính dài hạn vẫn khó có thể tiếp cận, lãi suất vay thấp và gia hạn thời gian vay là các giải pháp tài chính cho dự án mà thị trường cần.
Cuối cùng, chính sách rõ ràng và minh bạch cho điện gió của Việt Nam trong tương lai sẽ giúp gây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư và trở thành động lực để họ tiếp tục phát triển vào lĩnh vực này.
Thông tin về 9 dự án điện gió tại Việt Nam. 6 dự án đầu tiên đã đi vào hoạt động.
Trong nhiều năm qua, GIZ đã làm việc với các cơ quan chính phủ liên quan đến việc phát triển thị trường điện. Vậy trong gần 10 năm vừa qua, chính phủ đã có những thay đổi về nhận thức như thế nào về năng lượng tái tạo?
Năng lượng tái tạo từng là một khái niệm mới mẻ với Việt Nam khoảng mười năm trước mặc dù đất nước có tiềm năng lớn về năng lượng gió, mặt trời và năng lượng sinh khối. Chính phủ đã bắt đầu chú trọng tới năng lượng tái tạo kể từ khi thực hiện Quy hoạch Phát triển Điện lực VII điều chỉnh cho giai đoạn từ 2011-2020 tầm nhìn tới năm 2030. Ngoài ra, Chính phủ cũng nhận thấy đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện ngày càng tốn kém do giá than đắt đỏ trong khi các nhà máy này lại gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu tới nền kinh tế, chẳng hạn như ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch.
GIZ tự hào hỗ trợ chính phủ phát triển ngành năng lượng tái tạo trong suốt những năm vừa qua. Hiện tại, GIZ đang hợp tác làm việc với rất nhiều các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA), Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (DEESD), Cục Điều tiết Điện lực (ERAV), và các viện nghiên cứu liên quan khác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), và các công ty thành viên. (ví dụ: Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia (NLDC) và Tổng Công ty Điện lực miền Nam (SPC) trong hợp tác điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối cũng như hiệu quả năng lượng, đẩy mạnh các quy định liên quan và tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến lưới điện.
Các dự án của GIZ tập trung vào ba lĩnh vực hành động: Cải thiện khung pháp lý và chính sách; Phát triển năng lực; và Hợp tác chuyển giao công nghệ.
Nói về sự thay đổi nhận thức của chính phủ về năng lượng tái tạo, tôi muốn lấy ví dụ cụ thể liên quan đến dự án điện gió của GIZ.
Mười năm trước, Việt Nam không có bất cứ đầu tư nào vào lĩnh vực điện gió do nhiều nguyên nhân, trong đó thiếu một biểu giá điện gió rõ ràng. GIZ đã hỗ trợ Bộ Công Thương trong việc thực hiện nhiều nghiên cứu về hệ thống lưới điện, quy hoạch điện gió và đo gió; và dựa trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã tham vấn cho chính phủ ban hành biểu giá điện gió đầu tiên năm 2011.
Tuy nhiên, biểu giá điện gió năm 2011 vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác nên GIZ cùng với các tổ chức và đơn vị khác đã không ngừng nỗ lực để kiến nghị chính phủ thực hiện việc điều chỉnh. Cụ thể, GIZ đã thực hiện việc tính toán lại về mức giá bán phù hợp dựa trên vốn thực tế và chi phí hoạt động và trình lên Bộ Công Thương. Kết quả là, chính phủ đã chấp thuận tăng giá điện gió như trong Quyết định số 39.
Có thể nói chính phủ nhận thức rất rõ về phát triển năng lượng tái tạo, thể hiện cam kết và hành động rõ ràng để thúc đẩy ngành này.
Tuy nhiên, sự phát triển của các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam và quy trình xét duyệt có liên quan cũng rất phức tạp và thiếu tính xác minh. Bên cạnh đó, trên thực tế, mặc dù những hướng dẫn chung về phát triển dự án đã được xây dựng nhưng các hướng dẫn đó không được áp dụng thống nhất giữa các tỉnh. Điều này làm cho quy trình xin cấp phép trở nên tốn thời gian, không rõ ràng và thiếu minh bạch.