Với các thế mạnh riêng về đa dạng sinh học, nguồn nhân lực dồi dào, nguồn vật liệu phong phú…, theo các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào một ngành công nghệ vũ trụ hiện đại của những năm 2015-2020 nếu có sắp xếp và quy hoạch hợp lý.

Thông tin này được đưa ra tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ - Ngày ngành vũ trụ do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức tối 12/4.

Phát triển công nghệ vũ trụ dựa vào thế mạnh riêng

Theo TS Hà Doãn Thắng - Chánh Văn phòng Ủy ban Vũ trụ Việt Nam, từ năm 2010, các quốc gia có nền công nghệ vũ trụ tiên tiến trên thế giới đã thay đổi chiến lược phát triển công nghệ này.


Vinasat-2 được Lockheed Martin (công ty của Mỹ) sản xuất và đã được phóng thành công  lên quỹ đạo ngày 16/5/2012. (Ảnh mô hình vệ tinh địa tĩnh Vinasat-2 tại trụ sở VNPT).
Vinasat-2 được Lockheed Martin (công ty của Mỹ) sản xuất và đã được phóng thành công lên quỹ đạo ngày 16/5/2012. (Ảnh mô hình vệ tinh địa tĩnh Vinasat-2 tại trụ sở VNPT). Ảnh: Thiên Thư

Nếu như trước đây công nghệ vũ trụ chỉ được hiểu là những công nghệ áp dụng từ trên vệ tinh xuống - bao gồm công nghệ vệ tinh, công nghệ tên lửa đẩy, công nghệ viễn thám thì hiện nay, khái niệm này đã được mở rộng ra rất nhiều ngành như công nghệ vật liệu, công nghệ nano, công nghệ vi sinh... Việt Nam đã chọn ra 23 ngành có thế mạnh để phát triển công nghệ vũ trụ.


Để bắt kịp với thế giới và để công nghệ vũ trụ phục vụ một cách thiết thực, có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 cũng đã xác định mục tiêu, hướng nghiên cứu ứng dụng.


Minh chứng là Việt Nam đã phóng thành công hai vệ tinh viễn thông Vinasat-1, Vinasat-2 và một vệ tinh viễn thám VNRDESat-1. Từ đây, các dịch vụ đường truyền vệ tinh và phát triển các dịch vụ ứng dụng như dịch vụ thoại, truyền hình, thông tin di động, truyền số liệu, Internet, các dịch vụ đào tạo và y tế từ xa, truyền tin cho ngư dân trên biển, dự báo thời tiết... đã được triển khai.


Theo ông Thắng, Việt Nam có thế mạnh về đa dạng sinh học, nguồn nhân lực dồi dào, nguồn vật liệu phong phú... Nếu biết sắp xếp và quy hoạch đầy đủ tất cả các ngành đó một cách đồng đều thì Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào một ngành công nghệ vũ trụ hiện đại của những năm 2015-2020.


“Chúng tôi đã lên phương án đi gặp tất cả các bộ, ban, ngành liên quan, cố gắng sử dụng các thế mạnh của Việt Nam để xây dựng nền móng cho những năm tiếp theo, cố gắng hoàn thành những nhiệm vụ mà chiến lược đã đặt ra” - ông Hà Doãn Thắng nói.

Đào tạo từ những việc cụ thể

Theo Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân, hiện chúng ta có mặt bằng khoa học - công nghệ chưa cao, nên muốn phát triển công nghệ vũ trụ thì cần tìm một hướng đi đúng đắn và phù hợp. Trước mắt, phải hợp tác với các nước đã có kinh nghiệm nghiên cứu vũ trụ và theo từng lĩnh vực cụ thể. Đầu tiên, có thể sử dụng các kết quả nghiên cứu của các nước phục vụ mục đích phát triển của chúng ta nhưng trên thực tế phát triển, tự mình phải tìm ra các ý tưởng nghiên cứu ring.


Mặt khác, để chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ phát huy một cách hiệu quả, ông Hà Doãn Thắng cho rằng Việt Nam cần có một đội ngũ nhân lực tốt nhất. Trong những năm qua, nhân lực của ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam đã được đào tạo rất nhiều, nhưng trên thực tế vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của ngành.


“Chúng ta cần đào tạo nhân lực một cách tập trung, hướng trọng điểm vào giải quyết một số vấn đề của quốc gia chứ không phải đào tạo tràn lan theo các hướng khác nhau. Hiện tại, việc đào tạo trong công việc cụ thể sẽ có hiệu quả cao nhất và bản thân những kỹ sư, thạc sỹ được đào tạo như vậy sẽ có kỹ năng tốt, hướng làm việc phát triển tốt và kết quả thu được đáp ứng những vấn đề mà xã hội yêu cầu” - TS Doãn Hà Thắng chia sẻ.


Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Vũ trụ Việt Nam Nguyễn Quân cũng thẳng thắn chỉ ra, thực tế về nguồn nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, ứng dụng thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở nước ta đang là một vấn đề lớn và cấp bách. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ người giỏi trong lĩnh vực này không có gì khác so với mặt bằng chung của công nhân, viên chức.


Về điều này, Trung tướng Phạm Tuân nhìn nhận: “Về mặt con người, chúng ta có rất nhiều nhân tài nhưng chưa phát triển được. Điều kiện để nhân tài phát huy khả năng trên đất nước chúng ta còn thiếu.


Vấn đề không phải là tiền bạc mà là phòng thí nghiệm còn chưa đủ, các điều kiện để họ nghiên cứu chưa đáp ứng được. Trong khi đó, muốn nghiên cứu thì cả tập thể cũng cần phải tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát triển; tức là cần phải có điều kiện nghiên cứu phù hợp và đồng bộ”.


Do đó, theo Trung tướng Phạm Tuân, Nhà nước cần có cơ chế bồi dưỡng và tạo điều kiện cho nhân tài về công nghệ vũ trụ phát triển trên đất nước mình và quan trọng là sự hợp tác để các nhà khoa học nhận thấy năng lực của họ được trân trọng và sử dụng đúng.


Là người có điều kiện tiếp xúc với học sinh, sinh viên, ông Phạm Tuân nhận thấy lớp trẻ rất hồ hởi, tích cực tìm hiểu về lĩnh vực vũ trụ, hàng không. Đây là xu hướng rất tốt để chúng ta định hướng nguồn lực từ bây giờ, để những người trẻ tài giỏi nghiên cứu, chinh phục vũ trụ cùng với các quốc gia khác nhằm tận dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích phát triển đất nước.