Ngày 12/04/1961, nhà du hành vũ trụ Nga Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, đánh dấu kỷ nguyên chinh phục không gian của loài người. Từ đó đến nay, ngành vũ trụ đạt nhiều thành tựu vượt bậc, giúp con người khám phá thêm vô số bí mật của không gian.

"Chuyến bay của Gagarin kéo dài chỉ 108 phút nhưng đã làm đảo lộn cả thế giới, làm thay đổi tất cả những khái niệm về điều có thể và không thể. Vũ trụ xa xăm và huyền bí đã cất lên tiếng nói - tiếng nói đó là tiếng Nga" - Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga Elena Roberttovna chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 55 năm ngày chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ ngày 12/04/2016.

Sau sự kiện này một năm Liên Xô đã công bố ngày 12/04 hàng năm là Ngày của ngành vũ trụ và tiếp đó được công nhân là Ngày hàng không vũ trụ thế giới.

Anh hùng Phạm Tuân - phi công vũ trụ đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Lê Loan.

Từ đó nên nay, đã có hơn 500 người đến từ nhiều nước trên thế giới đã bay vào vũ trụ. Với nhiều người trong số họ, ngành hàng không vũ trụ đã trở thành nghề nghiệp. Hiện nay trên Trạm vũ trụ quốc tế thường xuyên có phi hành đoàn làm việc đại điện cho các nước Nga, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Trong các chuyến bay ngắn ngày lên quỹ đạo với tư cách là các nhà du hành nghiên cứu và khách du lịch vũ trụ còn có các đại diện của gần 20 nước đến từ các châu lục kể cả châu Phi.

Đối với nhiều phi hành gia, những chuyến bay vào không gian không còn là một điều gì đó siêu nhiên, họ cảm thấy sự có mặt của mình trên quỹ đạo như là một công việc bình thường. Trên Trạm vũ trụ quốc tế họ sống và làm việc như những người bình thường, họ nghiên cứu vận hành các hệ thống đảm bảo sự sống, tiến hành các thí nghiệm về thiên văn học, kỹ thuật, y - sinh...

Những điều đó phần nào cho thấy sự phát triển của ngành vũ trụ và quá trình thực hiện ước mơ khám phá không gian của nhân loại. Không chỉ có vậy, ngày nay khoa học và công nghệ vũ trụ đã được ứng dụng hết sức rộng rãi và có hiệu quả trong phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng... của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ Việt Nam và Liên bang Nga đã có những hợp tác hữu nghị rất đáng kể, trong đó đặc biệt là chuyến bay ngày 23/07/1980 của anh hùng Phạm Tuân - phi công vũ trụ đầu tiên của Việt Nam và nhà du hành vũ trụ Nga Vichto Vaxileevich Gorobatco. Trong chuyến bay vào vũ trụ này, hai nhà du hành vũ trụ đã cùng nhau thực hiện nhiều thí nghiệm khoa học.

"Lĩnh vực vũ trụ là lĩnh vực rất rộng lớn. Chúng ta mới khai thác được phần nhỏ của vũ trụ nhưng ngày nay nó đang phục vụ trực tiếp đến đời đời sống của con người từ thông tin liên lạc, vô tuyến, dẫn đường, tàu biển..." - anh hùng Phạm Tuân chia sẻ.

Đến nay, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Hy vọng rằng Việt Nam và Liên bang Nga sẽ có nhiều sự hợp tác hơn nữa trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ vũ trụ.

Những kỷ lục về du hành vũ trụ
82 giờ: là số giờ kỷ lục mà một nhà du làm việc liên tục ngoài vũ trụ. Kỷ lục này thuộc về phi hành gia Anatoly Soloviov
438 ngày đêm: là kỷ lục về thời gian một nhà du hành vũ trụ sống liên tục trên Trạm Vũ trụ. Kỷ lục này thuộc về nhà du hành vũ trụ Valery Poliakov.
803 ngày: là tổng thời gian sống lâu nhất trên quỹ đạo của một nhà du hành vũ trụ. Kỷ lục này thuộc về phi hành gia Sergey Krikaliov.
878 ngày: Kỷ lục về tổng thời gian một phi hành gia sống trên vũ trụ. Nhà du hành vũ trụ Genady đã lập kỷ lục này sau 5 chuyến bay vào không gian.