Động cơ hạt nhân giúp ích rất nhiều cho công cuộc chinh phục vũ trụ là nội dung chính được đề cập tại Lễ kỉ niệm Ngày vũ trụ Liên bang Nga và 55 năm chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ của Y. Gagarin trong sáng 11/4 tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Đây được xem là dịp để các nhà khoa học, bạn trẻ yêu thiên văn Việt Nam tìm hiểu về sự ra đời của động cơ hạt nhân - thành tựu mới của ngành công nghệ vũ trụ Liên Bang Nga trong thời gian qua.

PGS,TS Huỳnh Quyết Thắng - Phó hiệu trưởng trường ĐH BKHN - phát biểu khai mạc.

Tháng 3 vừa qua, Nga đã thông báo kế hoạch sử dụng động cơ hạt nhân để đưa các phi hành gia lên sao Hỏa vào đầu năm 2018. Ưu điểm của động cơ hạt nhân là nó cho phép phi thuyền cơ động, linh hoạt trong suốt chuyến bay, trong khi với công nghệ hiện nay phi thuyền chỉ bay theo một quỹ đạo nhất định.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng - Phó hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội-nhấn mạnh: "Sự ra đời của động cơ hạt nhân sẽ giúp con người tiến gần hơn tới ước mơ chinh phục vũ trụ.

Trong công cuộc chinh phục vũ trụ, ví dụ như chinh phục sao Hỏa, với động cơ thường, phi thuyền phải mất 1 năm rưỡi mới tới nơi, nhưng với động cơ hạt nhân, thời gian này rút ngắn còn 6 tuần. Đây cũng là loại động cơ duy nhất giúp con người chinh phục dải Ngân hà. Nói vậy để thấy, ứng dụng của hạt nhân là vô cùng to lớn, kể cả trong lĩnh vực vũ trụ”.

Các đại biểu tham dự buổi lễ chụp ảnh lưu niệm với sinh viên.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, PGS Hà Mạnh Thư cũng đồng tình cho rằng động cơ hạt nhân mới là giải pháp hữu ích nhất hiện nay giúp con người tiết kiệm được thời gian lên vũ trụ.

“Động cơ hạt nhân là loại động cơ duy nhất có thể giúp con người chinh phục dải Ngân hà với hành trình ngắn nhất”.