Năm 1972, một trong những cuốn sách gây tranh cãi nhất thế kỷ XX – The Limits to Growth (Giới hạn của tăng trưởng, viết tắt LTG) – đã được xuất bản.

Trong sách, tác giả Donella Meadows1 và các đồng nghiệp tại MIT đã sử dụng mô hình máy tính để dự báo về sự sụp đổ không thể kiểm soát của nền kinh tế nếu nhân loại tiếp tục sử dụng tài nguyên và tàn phá môi trường theo cách đang diễn ra. Kinh tế không thể mãi tăng trưởng theo cấp số nhân, và đến một thời điểm nào đó (trong vòng 100 năm tới) chắc chắn sẽ xung đột với những giới hạn của môi trường Trái đất.

.

Cuốn sách ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích từ các nhà kinh tế, những người cho rằng tác giả của nó đã không hiểu gì về nguyên lý kinh tế học cơ bản. Họ lập luận: khi một nguồn tài nguyên trở nên khan hiếm, giá của nó sẽ tăng lên; các nguồn lực khác sẽ được sử dụng để thay thế và theo cách hiệu quả hơn. Hoạt động đổi mới công nghệ sẽ mang đến những phương pháp sản xuất mới, xanh và sạch hơn. Trái với thái độ bi quan về viễn cảnh sụp đổ, tăng trưởng kinh tế sẽ tự điều chỉnh, và đó cũng là cách duy nhất để các quốc gia nghèo vươn lên.

Quả quyết rằng TLG đã sai, một trong số những nhà kinh tế học chính thống – Julian Simon – đã đặt cược với nhà môi trường Paul R. Ehrlich về mức giá của 5 kim loại trong thập kỷ kế tiếp. Trong khi Ehrlich tin giá của chúng sẽ tăng khi trở nên khan hiếm, Simon lại dự báo chúng sẽ rẻ hơn khi các vật liệu thay thế ra đời; và ông đã thắng. Tuy nhiên, sự khan hiếm của kim loại – và cả nhiên liệu hóa thạch – không phải là điểm chính mà TLG muốn hướng đến. Nói như hai nhà kinh tế học sinh thái Nicholas Georgescu-Roegen và Herman Daly thì nguyên nhân lý giải cho sự tồn tại của các giới hạn vật lý đối với tăng trưởng là do sinh quyển Trái đất không thể phát triển theo cấp số nhân. Rừng bị phá nhanh hơn tốc độ mọc mới; nhiều loài biến mất khi đất được khai hoang để canh tác nông nghiệp; lượng khí thải CO2 xâm nhập vào bầu khí quyển dồi dào hơn khả năng hấp thụ của nó khiến hành tinh ngày càng nóng lên,…

.

Tương quan giữa GDP và lượng phát thải CO2 trên đầu người. Nguồn: OECD.

Trong nửa thế kỷ qua, những điều mà TLG dự báo đang ngày càng hiện hữu. Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây đã chỉ ra nhân loại đang tiến rất nhanh, hoặc trong một số trường hợp có thể đã vượt quá cái “ranh giới an toàn” của sự thịnh vượng chung. Các nhà kinh tế học chính thống tất nhiên cũng thừa nhận điều này, song họ lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế được đo lường bởi thu nhập và sản lượng quốc gia (GDP) – vốn chưa hoặc không có mối liên hệ rõ ràng với sự suy thoái môi trường. Xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo, tái chế rác thải và chuyển dịch tiêu dùng từ hàng hóa [hữu hình] sang dịch vụ [vô hình] có thể giúp tăng trưởng kinh tế ít gây tổn hại môi trường hơn. Do đó, chúng ta vẫn có thể đạt được “tăng trưởng xanh” (green growth) với mức sống cao và môi trường trong lành hơn. Và như thế, “tăng trưởng xanh” đã trở thành chủ đề thảo luận chính tại tất cả các diễn đàn và tổ chức kinh tế đa phương lớn như World Bank hay OECD,...

Những nước giàu thật sự đã cắt giảm được lượng khí thải CO2 trong khi vẫn tiếp tục tăng trưởng. Nhưng đó là kết quả của chính sách di dời hoạt động sản xuất chế tạo – vốn là nguồn phát thải chính – sang Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi. Còn đối với những vấn nạn khác như phá rừng, trữ lượng cá suy giảm hay đất đai thoái hóa thì sự khác biệt là không rõ ràng. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) và Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ thảm họa môi trường ngày càng lớn mà thế giới sẽ phải đương đầu.

Nhân loại cần phải làm gì để ngăn chặn điều đó? Đối với một số nhà môi trường như Jason Hickel và Giorgos Kallis, câu trả lời sẽ là: Các nền kinh tế, nhất là những nước đã phát triển, không nên chỉ biết chạy theo mục tiêu tăng trưởng mà hãy thực hiện cam kết hay khế ước môi trường, thậm chí hãy “giảm tăng trưởng” (de-growth) để cả thế giới được sống hài hòa cùng môi trường, và các nguồn tài nguyên được phân bổ hợp lý hơn. Ngoài ra, những đại diện của trường phái này còn lập luận: tăng trưởng kinh tế là chưa đủ để đảm bảo người dân có cuộc sống tốt đẹp, thể hiện qua tỷ lệ bất bình đẳng, tội phạm cao, cùng nhiều vấn nạn xã hội ở các nước giàu.

Không quá ngạc nhiên khi cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ green growth và de-growth cũng chính là mâu thuẫn của 2 hệ tư tưởng – ủng hộ (pro) và chống (contra) chủ nghĩa tư bản. Điều này đã góp phần vào sự trỗi dậy của một trường phái thứ ba – “hậu tăng trưởng” (post growth)3. Các đại diện của post growth phê phán cả green growth lẫn de-growth vì quá tập trung vào GDP – vốn không thể đo lường sự suy thoái môi trường hay phúc lợi xã hội, vì thế tăng hay giảm GDP không nên là mục tiêu chính của nền kinh tế. Một báo cáo mới đây của OECD chỉ ra rằng rằng chính sách kinh tế nên tập trung vào những mục tiêu xã hội tối quan trọng như đảm bảo môi trường bền vững, cải thiện phúc lợi, giảm thiểu bất bình đẳng và tăng cường năng lực chịu lỗi (resilient) của nền kinh tế. Để đạt được điều đó, các nhà hoạch định cần “tư duy vượt khỏi chiếc hộp”, tránh bị ám ảnh và rơi vào cạm bẫy GDP bởi “tăng trưởng là bất khả tri” – theo cách nói của Kate Raworth, tác giả cuốn Doughnut Economics (Nền kinh tế Doughnut).

Sau cùng, vì TLG từng bị chối bỏ cách đây nửa thế kỷ nên chúng ta hôm nay đang phải tranh luận lại về một vấn đề thực sự không hề mới. Nhân loại không thể tiếp tục tái diễn sai lầm đó.

Chú thích:

1. Donella H. Dana Meadows (1941 – 2001) là nhà nghiên cứu môi trường tại MIT, nổi tiếng với cuốn The Limits to GrowthThinking In Systems: A Primer (Tư duy trong hệ thống: Dẫn nhập).

2. Một trong những lý do chính dẫn tới sự trỗi dậy của post growth là thực tế tăng trưởng chậm chạp tại các nước giàu – nơi mục tiêu GDP tăng 2 – 3%/năm ngày càng nằm ngoài tầm với, chưa kể nó còn được duy trì bởi mức lãi suất rất thấp và lượng tiền khổng lồ do ngân hàng trung ương bơm vào nền kinh tế.

Tác giả:

Michael Jacobs là giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Sheffield, đồng tác giả cuốn Growth, Degrowth or Post-Growth?

Xhulia Likaj là nhà kinh tế tại Forum for a New Economy (Diễn đàn Kinh tế mới) ở Berlin,
đồng tác giả cuốn Growth, Degrowth or Post-Growth?