Theo báo cáo mới nhất “Báo cáo toàn cảnh bằng sáng chế - Các loại pin nhiên liệu ở lĩnh vực vận tải” của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Trung Quốc chiếm ưu thế về công nghệ liên quan đến pin nhiên liệu khi 69% bằng sáng chế nằm trong tay họ.

Pin nhiên liệu ngày càng sáng giá

Pin nhiên liệu sẽ hữu dụng trong lĩnh vực vận tải và là một phần không thể thiếu trong kế hoạch chuẩn bị cho tương lai không phát thải carbon của bất cứ quốc gia nào. Ai nắm được càng nhiều bí mật công nghệ của pin nhiên liệu, người đó càng có nhiều cơ hội dẫn dắt những cuộc đua công nghệ và kinh tế khác trên thế giới.
Triển lãm quốc tế Trung Quốc 2019 (CIIE 2019), diễn ra tại Thượng Hải có trưng bày nhiều công nghệ mới về pin nhiên liệu. Nguồn: mynewsdesk.com

Trong báo cáo của mình, WIPO nhận thấy làn sóng thứ ba về các bằng sáng chế về pin nhiên liệu, kể từ làn sóng thứ nhất vào những năm 1980 và làn sóng thứ hai vào năm 2005. Với làn sóng thứ ba, bắt đầu từ năm 2016, không chỉ là sự vươn lên về số lượng bằng sáng chế mà còn cả những ứng dụng của nó trong thực tế hoạt động của ngành vận tải. Theo số liệu của WIPO, có tất cả 52.433 bằng sáng chế về pin nhiên liệu có thể ứng dụng trong ngành vận tải, chiếm ¼ tổng số pin nhiên liệu của thế giới ở mọi lĩnh vực. Trong số này, 61% đã được cấp bằng bảo hộ và một nửa số lượng trong bộ dữ liệu của WIPO đã phát huy hiệu quả, tính đến tháng 3/2022. Một số lượng lớn các bằng sáng chế về pin nhiên liệu mô tả một mục đích sử dụng cụ thể trong giao thông vận tải và con số này đang tăng lên đáng kể, do đó làm nổi bật tầm quan trọng ngày càng tăng của lĩnh vực trong thế giới ngày nay.

Việc quốc gia nào đó bứt phá và chiếm lấy vị trí dẫn đầu về pin nhiên liệu không phải là chuyện ngẫu nhiên. Nó đòi hỏi một chiến lược đầu tư thực sự, cả về nguồn nhân lực lẫn kinh phí đầu tư. Nhiều quốc gia càng ngày càng thấy vai trò quan trọng của pin nhiên liệu nên càng có nhiều đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. WIPO ghi nhận, các sáng chế liên quan đến pin nhiên liệu trong giao thông vận tải được nộp để bảo hộ tới 88 văn phòng cấp bằng sáng chế còn các bằng sáng chế đang được bảo hộ có phạm vi hoạt động ở 80 khu vực pháp lý trên toàn cầu. Điều này cho thấy bên cạnh sự lan tỏa trên toàn cầu về hoạt động nghiên cứu, phát triển pin nhiên liệu ở rất nhiều quốc gia thì sự tập trung của các bằng sáng chế nằm ở năm khu vực quan trọng: 96% các bằng sáng chế được ứng dụng tại Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu. Các địa điểm sản xuất pin lớn nhất thế giới đang cố gắng định vị vị trí của chính mình ở năm vùng công nghiệp quan trọng, nơi bắt đầu sự trải rộng ra thị trường thế giới. Việc tập trung đầu tư của chính phủ các quốc gia này vào pin nhiên liệu đang hứa hẹn một tương lai ở phía trước: khả năng cung cấp cho thị trường toàn cầu một lượng pin nhiên liệu cực lớn trong vài năm tới. Điều này cho thấy, việc đầu tư nhân lực và nguồn lực vào pin nhiên liệu thời gian qua là những cú đầu tư đúng hướng.

Trung Quốc có “một mình một chợ”?

Khi nhìn sâu vào chủ sở hữu các bằng sáng chế của Trung Quốc, người ta thấy hơn một nửa là đóng góp của các nhà sáng chế trong nước. Trong năm 2019 có 42% hoàn toàn thuộc về các nhà sáng chế Trung Quốc, xếp trên Nhật Bản với khoảng 22%, Đức 14%. Về tổng thể trong số các quốc gia dẫn đầu về lượng sáng chế từ nội lực có những cái tên nổi bật như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Mỹ, chiếm 94% còn nếu mở rộng ra top 10 thì con số này còn khủng khiếp hơn, 98%.

Những quốc gia có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này đều thông qua các doanh nghiệp lớn. Top 30 doanh nghiệp lớn nhất thế giới chiếm 40% cơ sở dữ liệu sáng chế về pin nhiên liệu, trong đó có những cái tên sáng giá như Toyota, Hyundai, VW Group, GM, Daimler, Bosch, Honda và Nissan. Nhìn vào các bằng sáng chế về xe điện của họ, nhiều người cho rằng, họ đầu tư vào R&D với những sản phẩm công nghệ lõi thực sự chứ không phải chỉ sản phẩm cuối như lời đồn đại.

Tuy nhiên, WIPO nhận thấy, rất nhiều công ty mới đã bắt đầu bước vào cuộc cạnh tranh với những ông lớn tên tuổi trong một vài năm trở lại đây. Nó hứa hẹn vào khả năng sẽ đem lại những thay đổi trong danh sách top đầu trong tương lai. Tương phản với tình trạng diễn ra ở xe điện, nơi các công ty lớn chiếm ưu thế, có một số công ty là những tay chơi mới nổi còn chưa có được thị trường, một số công ty có trụ sở tại Trung Quốc, và một số công ty đã được thành lập từ lâu nhưng quy mô nhỏ. Họ đều tập trung vào sáng chế ứng dụng trong các lĩnh vực ngách của thị trường. Sự tăng trưởng của số lượng bằng sáng chế về pin nhiên liệu của Trung Quốc cũng phản ánh thêm số lượng của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc: vào năm 2019, có tổng số 783 công ty hoạt động trong lĩnh vực này trên toàn thế giới thì hơn một nửa có trụ sở tại Trung Quốc. WIPO nhận xét, nếu không có sự đóng góp của Trung Quốc, số lượng các công ty đang hoạt động về pin nhiên liệu sẽ vẫn ở mức tương tự trong hơn 15 năm qua, thậm chí đã giảm nhẹ trong vài năm gần đây.

Mặt khác, các bằng sáng chế của Trung Quốc cũng còn mang một nét đặc biệt, đó là cộng đồng nghiên cứu đóng một vai trò rõ ràng trong việc định hướng các nghiên cứu để vượt qua những thách thức công nghệ. Trong số này, Viện Hàn lâm KH&CN Trung Quốc đứng ở top 30 ứng dụng sáng chế. Riêng trong lĩnh vực tái chế pin nhiên liệu và ứng dụng công nghệ tái chế pin nhiên liệu, vốn bắt đầu gia tăng trong vài năm trở lại đây, Viện Hàn lâm KH&CN Trung Quốc cũng có mặt trong top 10 (hợp tác với nhiều trường đại học khác của Trung Quốc).

Mối hợp tác giữa các công ty và các trường đại học, viện nghiên cứu đã được chính phủ Trung Quốc khuyến khích từ lâu, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như pin nhiên liệu. Để dẫn dắt mối hợp tác này và để góp phần định hướng sự phát triển của các công ty về pin nhiên liệu đi đúng hướng, Trung Quốc đã thành lập Liên minh Hydro Trung Quốc, một nhóm công nghiệp do chính phủ hỗ trợ từ năm 2018. Tuy nhiên, sự tập trung nguồn lực cho phát triển pin nhiên liệu của Trung Quốc đã được khởi nguồn từ những năm 2000, khi những nhà hoạch định chính sách nhìn thấy tiềm năng của lĩnh lực ô tô điện và giải pháp hỗ trợ giải quyết vấn đề ô nhiễm không khi ở các đô thị. Với Lộ trình Công nghệ xe nhiên liệu hydro, được công bố vào năm 2016, Trung Quốc đang chuẩn bị cho sự lắp đặt khoảng 300 trạm xạc pin nhiên liệu hydro, phục vụ nhu cầu của hơn 50.000 xe ô tô điện vào năm 2025, và 1.000 trạm xạc, 1 triệu xe ô tô điện vào năm 2030. Theo đánh giá của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (Mỹ), riêng trong lĩnh vực pin hydro, trong Kế hoạch quốc gia năm năm lần thứ 13 (giai đoạn 2016–2020), đầu tư của chính phủ đã tăng gấp sáu giai đoạn trước.

Với lợi thế này, Trung Quốc đang chắc giành phần thắng trong cuộc chạy đua toàn cầu về các ứng dụng pin nhiên liệu trong lĩnh vực vận tải đường dài.

Nguồn: wipo.int - sciencebusiness.net