Nhìn nhận lại công tác chống dịch từ đầu cho đến nay, các nhà quản lý và các nhà khoa học đều cho rằng, các quyết sách lớn cho đến phản ứng trong từng trường hợp cụ thể đều phải dựa vào các căn cứ khoa học.

Đó là trọng tâm được trao đổi tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học để trao đổi và đề xuất định hướng các giải pháp khoa học, công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới, ngày 18/10.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chủ trì Hội thảo
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chủ trì buổi làm việc

Báo cáo một số kết quả chính của hoạt động KH&CN trong công tác chống dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, ngay từ những ngày đầu đại dịch, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy thành công SARS-CoV-2, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất bộ KIT chẩn đoán, sản xuất vaccine và nghiên cứu sâu hơn về virus. Nhiều tổ chức KH&CN và doanh nghiệp đã phối hợp để nghiên cứu sản xuất thành công các bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2, tự chủ được nhu cầu KIT chẩn đoán trong bối cảnh thế giới rất khan hiếm.

Các nghiên cứu vaccine Covid-19 cũng được tiến hành rất sớm, vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu đang chờ Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp, Vaccine Covivax của Viện vaccine và sinh phẩm Y tế nghiên cứu đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Ngoài ra, Bộ KH&CN đã cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-9 bằng công nghệ mRNA cho Công ty VinBioCare (vaccine ARCT-154).

Những kết quả tức thời này đều có được nhờ một nền tảng đầu tư cho nghiên cứu y sinh dược học nói riêng và cho khoa học cơ bản nói chung một cách bền bỉ, lâu dài và thầm lặng trong nhiều năm trước đó. Đó là công việc mà Bộ KH&CN đã thực hiện và điều phối trong nhiều năm qua với những chương trình KH&CN cấp nhà nước như KC10 “Nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, KC04 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học”… - những chương trình hướng tới việc có được những quy trình, mô hình, sản phẩm cụ thể và ứng dụng trong đời sống, hay Quỹ NAFOSTED – kênh đầu tư cho nghiên cứu cơ bản ở nhiều lĩnh vực, trong đó có y sinh dược học. Đặc biệt, được hình thành từ năm 2012, ngành y sinh dược học của Quỹ NAFOSTED đã có nhiều đề tài nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, “quy tụ nhiều chuyên ngành hẹp trước đây chưa có điều kiện thực hiện tại Việt Nam như mô phỏng sinh y dược học, tế bào gốc hay công nghệ nano y học.

Các nghiên cứu phát triển thuốc cũng là kế thừa kết quả từ các nhiệm vụ nghiên cứu, như thuốc PegLambda, là sản phẩm của nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia năm 2015, đang được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2; hoặc là của các doanh nghiệp khoa học công nghệ đã đầu tư cho nghiên cứu từ nhiều năm nay, như sản phẩm Thuốc kháng thể đơn dòng kháng SARS-CoV-2 đã được Nanogen sản xuất thành công. Trên cơ sở đó, Công ty Nanogen đã bào chế được 2 dạng: Thuốc tiêm, Thuốc xịt mũi họng. Cả 2 sản phẩm đang được tiến hành các thủ tục để thử lâm sàng trên bệnh nhân COVID-19.

Những đóng góp của KH&CN theo lời Thứ trưởng Bùi Thế Duy là “rất tiên phong, có ý nghĩa, nhưng luôn thầm lặng, ít khi truyền thông được trong quá trình thực hiện” còn được thể hiện qua việc vận hành Hệ tri thức Việt số hóa và Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19. Qua các đợt dịch thứ nhất, thứ hai và thứ ba, Tổ thông tin đã rà soát, truy vết, đưa mô hình dự báo. Thậm chí trong đợt bùng phát dịch tại Hải Dương, chúng ta chỉ cần tới 12 tiếng để khoanh vùng tâm dịch là công ty Poyun, nhanh chóng truy vết, góp phần không nhỏ vào kiểm soát dịch tại Hải Dương. Từ đợt bùng phát dịch thứ tư, Tổ Thông tin tiếp tục tham mưu cho Hà Nội kiểm soát dịch rất nhanh, thiết lập và vận hành Tổng đài Hỗ trợ khai báo y tế 18001119, đã tiếp nhận 110.750 cuộc gọi của người dân trên toàn quốc, triển khai hệ thống robot trí tuệ nhân tạo (Callbot) gọi điện hỗ trợ khai báo y tế cho gần 2,5 triệu người dân trong vùng dịch, vùng có nguy cơ cao nhằm sớm sàng lọc những người có nguy cơ để xét nghiệm.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các nhà khoa học cũng cho rằng, các quyết định, phản ứng chống dịch trong thời gian tới vẫn phải tiếp tục dựa vào các căn cứ khoa học. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết quan điểm của ông về việc ứng phó cho giai đoạn tới trên nguyên tắc khoa học, vừa đảm bảo giúp kiểm soát dịch bệnh, vừa sớm quay lại phục hồi kinh tế trong tình hình mỗi địa phương có độ phủ vaccine và tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng khác nhau; vaccine chỉ giúp bảo vệ người được tiêm tránh tăng nặng và tử vong thì chính sách chống dịch vẫn phải linh hoạt. Ví dụ, rõ ràng với TP HCM, đã có tỉ lệ tiêm chủng cao, tỉ lệ người mắc virus nhiều rồi thì có thể đi lại tự do trong nội vùng nhưng ra vùng khác là có nguy cơ lây lan ngay. Còn các tỉnh vẫn đang sạch dịch như Phú Thọ thì phải truy vết, không thì dịch sẽ bùng lên khi chưa có vaccine. Nhưng xét nghiệm, khoanh vùng cần dựa vào dấu hiệu dịch tễ, nguy cơ, chứ không phong tỏa quá rộng.

PGS Trần Đắc Phu kiến nghị trong thời gian tới cần tập trung cho các nghiên cứu giải trình tự gene, điều tra dịch tễ, đưa ra cơ sở cho đáp ứng dịch bệnh; Tiếp theo là đánh giá hiệu quả vaccine vì hiện nay chúng ta đang tiêm 8 loại vaccine và cân có hướng khoa học đánh giá hiệu quả vaccine để biết sau này cần tiêm nhắc lại như thế nào; về nghiên cứu KIT cần thêm các kit nhanh, dễ lấy mẫu như mẫu nước bọt, hơi thở và giá rẻ để phù hợp với điều kiện của người dân và doanh nghiệp Việt Nam; Thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước để đáp ứng nhu cầu tiêm nhắc lại cho người dân.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương để sống chung với dịch bệnh, cần hệ thống giám sát dịch, hệ thống điều trị ứng phó phù hợp. Ông đề xuất một chương trình chiến lược tổng thể quốc gia về COVID-19 gồm nghiên cứu cơ bản, dịch tễ, xét nghiệm, vaccine, các dữ liệu lâm sàng, phác đồ điều trị, phát triển thuốc, trang thiết bị y tế... Ông khuyến nghị, cần có một Chương trình vừa chống lao vừa chống COVID vì “hai dịch bệnh này có những đặc điểm chung, kiểm soát được cái này cũng được cái kia. Nếu chúng ta kiểm soát được cả hai cái này thì rất đáng học”. Chương trình phòng chống lao đã làm rất tốt trong nhiều năm, nhưng COVID đã làm chương trình chống lao của chúng ta quay trở về mốc cách đây 7 năm, vì thế đây là thời điểm mà cần huy động nguồn lực trong nước, nguồn lực quốc tế để kiểm soát dịch bệnh.

Phát biểu với tư cách một người lính, trên quan điểm nhìn vào thực tế cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, GS.TS, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y nhận định chúng ta cần nhanh chóng tăng cường năng lực y tế cơ cở, tập huấn “diễn tập” để dù sau này COVID có biến chủng thì toàn hệ thống cũng đã được làm quen với cách phản ứng nhanh. Mạng lưới y tế cơ sở sẽ giám sát, ứng phó ngay lập tức với các nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng. Ông kiến nghị Bộ Y tế, Bộ KH&CN đặt hàng cho các trường y để triển khai chương trình tập huấn, “cầm tay chỉ việc” đến từng thôn, xóm, xã, phường.

Nhìn lại sau hơn một năm rưỡi chống dịch, từ góc độ quản lý nhà nước về KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề cập đến các bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh năng lực, tiềm lực của ngành KH&CN Việt Nam đủ các bài toán của đất nước. “Qua đây, ngành KH&CN mong muốn tiếp tục nhận được niềm tin của Lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cũng như của toàn xã hội vào các nhà khoa học trong việc cùng chung tay giải quyết các bài toán lớn của đất nước”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói. Ông cũng cho biết sẽ kiên quyết hơn nữa trong việc cắt giảm thủ tục hành chính trong việc tổ chức các nhiệm vụ KH&CN nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ, chương trình KH&CN do ngân sách nhà nước tài trợ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đã tham gia vào công tác chống dịch từ rất sớm, tâm huyết, có nhiều đóng góp trí tuệ, thầm lặng nhưng rất hiệu quả. Tổng thể cả bốn đợt dịch, trong đó ba đợt đầu kiểm soát rất tốt, trong đợt dịch thứ tư đã từng trải qua những ngày tháng rất khó khăn nhưng nhìn lại thì các nhà khoa học đều nhìn nhận về mặt chủ trương lớn thì chúng ta đi đúng, nhưng khâu tổ chức thực hiện có những điểm chưa tốt. Ông khẳng định từ đầu dịch đến nay tinh thần và nguyên tắc khoa học là không thay đổi, đó là “kết hợp khoa học và thực tiễn, tính toán đến tình huống xấu hơn, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, huy động toàn dân”. Các bằng chứng khoa học cũng phải liên tục cập nhật cho các phản ứng chống dịch qua các giai đoạn. Đó là, trước đây mục đích theo đuổi vaccine của cả thế giới là nhấn mạnh tới khả năng phòng bệnh, tỉ lệ không bị lây nhiễm khi tiêm đủ hai mũi, nhưng bây giờ với các bằng chứng mới thì tiêm vaccine giúp giảm tỉ lệ ca bệnh sẽ có diễn biến nặng, nhập viện và tử vong. Đây là hiểu biết rất khác so với ban đầu.

Trước tình hình mới, để chung sống an toàn với virus, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan nghiên cứu khẩn trương đánh giá tác động toàn diện của dịch bệnh COVID-19, không chỉ về y tế mà còn kinh tế, xã hội, tâm lý, giáo dục, quản lý, điều hành đất nước, điều hành cộng đồng, cơ quan, nhà máy xí nghiệp. Cùng với đó là dự báo xu hướng trong tương lai để chúng ta sẵn sàng ứng phó.

Đặc biệt, dịch bệnh này và các dịch bệnh mới nổi trong tương lai vẫn còn tiếp diễn, nên bên cạnh các chương trình đang triển khai về vaccine, thuốc điều trị, công nghệ xét nghiệm… Bộ KH&CN cần có cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ KHCN mới ngay khi có yêu cầu từ thực tế.

Phó Thủ tướng cũng giao ngay nhiệm vụ cho Bộ Y tế, Bộ KH&CN khẩn trương xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ khoa học nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh COVID-19 với bất kỳ biến chủng nào hoặc dịch bệnh khác lây nhiễm qua đường hô hấp. “Ứng dụng các công nghệ mới, kế thừa hệ thống, lực lượng y tế cơ sở đã có từ trước, đặc biệt là kết hợp với hệ thống phòng chống lao để sẵn sàng ứng xử trong tình huống từ bình thường cho đến tình huống xấu, rất xấu, rất nghiêm trọng”, ông nhấn mạnh "nhanh nhất có thể", "trong 3 tháng là phải có hướng dẫn xuống đến y tế cấp xã".